Tỷ lệ nữ binh sĩ Mỹ tự tử cao gấp 6 lần người thường

Thứ Hai, 06/07/2015, 08:00
Không chỉ  đối mặt với một loạt chứng bệnh, trong đó có bệnh rối loạn tâm lý, các nữ binh sĩ Mỹ kể cả khi đang làm nhiệm vụ lẫn lúc đã xuất ngũ đều có tỷ lệ tự tử cao gấp 6 lần người thường. Thống kê mới công bố hồi trung tuần tháng 6 của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy, số nữ binh sĩ Mỹ tự tử đang ở mức đáng báo động.

Những con số đáng sợ

Để tạo nên một đội quân có sức mạnh, sẵn sàng đối mặt với mọi hiểm nguy, Mỹ rất chú trọng đến việc tuyển chọn, huấn luyện. Đặc biệt, quy trình nuôi quân cũng có những tiêu chuẩn khá cao về dinh dưỡng và thể dục. Thế nhưng, những quy tắc này dường như vẫn là chưa đủ để giúp Lầu Năm Góc đối phó với tình trạng tự tử của các binh sĩ.

Theo tin được đăng tải trên tờ Los Angeles Times, các nữ binh sĩ Mỹ có tỷ lệ tự tử cao hơn rất nhiều so với người thường. Chuyên gia chăm sóc sức khỏe quân nhân Ronald William Maris trong một lần trả lời hãng Daily Caller News cho biết, có tới 90% nữ binh sĩ Mỹ khi được hỏi thú nhận rằng họ từng không dưới một lần nghĩ đến việc tự tử. Áp lực công việc, sự khắc nghiệt trong tập luyện và những pha nguy hiểm kinh hoàng trên chiến trường khiến "tinh thần thép" của họ bị lung lay.

Tỷ lệ nữ binh sĩ tự tử cao gấp 6 lần so với người thường. Ảnh: PressTV.

Ông Ronald William Maris còn cho biết thêm rằng, nhiều nữ binh sĩ Mỹ đã tìm đến cái chết để giải thoát cho bản thân bởi họ phải chịu nhiều tủi nhục khi gia nhập quân ngũ. Có những người thậm chí tìm đến cái chết vì bị ép làm nhục quá nhiều và không có ai đứng lên bảo vệ họ khi họ tố cáo những kẻ đã làm hại mình. Đặc biệt, đối với nữ binh sĩ ở độ tuổi từ 18 đến 29 thì tỷ lệ tự sát cao gấp 12 lần so với người thường.

Cũng theo ông Ronald William Maris thì vụ tự sát của nữ binh sĩ tại căn cứ Fort Lee hồi năm ngoái là điển hình của chứng bệnh đáng lo ngại này. Nữ binh sĩ nói trên mang cấp bậc trung sĩ, đã phục vụ trong quân đội 14 năm và tại Fort Lee được 3 năm. Khẩu súng mà cô dùng khi tự sát lại không phải là súng quân dụng.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra ở Fort Lee, Lầu Năm Góc cũng đã siết chặt kiểm soát tại các căn cứ và thanh tra các hoạt động huấn luyện cũng như triển khai quân. Kết quả của cuộc điều tra khẩn cấp này cho thấy vào thời kỳ đỉnh điểm, cứ 17 tiếng lại có một binh sĩ Mỹ tự tử. Đối với các nữ binh sĩ, 1/2 trong số họ được gửi đến chiến trường Iraq và Afghanistan đều báo cáo là bị quấy rối tình dục và gần 1/4 phản ánh là bị xâm hại tình dục. Tỷ lệ những hành vi sai trái liên quan đến tình dục đối với phụ nữ trong khu vực chiến sự còn cao hơn nhiều so với các khiếu nại được thu thập riêng lẻ bởi những đơn vị khác nhau trong quân đội Mỹ.

Trong một cuộc khảo sát khác, tại nơi làm việc của các phụ nữ trong lực lượng quân đội Mỹ do Lầu Năm Góc tiến hành, 4,4% cho biết họ từng là nạn nhân của "quan hệ tình dục ngoài ý muốn". Những người xâm hại tình dục đối với nữ binh sĩ Mỹ là các đồng nghiệp nam và  47% trong số đó có vị trí cấp bậc cao hơn.

Và công nghệ chống tự sát

Craig Bryan, giảng viên tại Đại học Utah trong lần trả lời hãng TheDCNF cho biết, ông từng tham gia một chương trình nghiên cứu của Lầu Năm Góc về việc chống tự sát trong quân đội. Với các nữ binh sĩ, do tỷ lệ tự sát ở mức độ cao nên có lúc Bộ Quốc phòng Mỹ đã tính đến việc sử dụng loại bình xịt mũi có khả năng giúp cho những nữ binh sĩ này giảm bớt "ham muốn tự tử" của bản thân. Tiến sĩ Michael Kubek, người phát triển loại binh xịt này cho biết, khi xịt nó sẽ đưa một lượng hormone hướng giáp tố vào trong não của nữ binh sĩ và có tác dụng giúp họ cảm thấy "sảng khoái, bình tĩnh và chống trầm cảm".

Một phương pháp khác cũng đang được Lầu Năm Góc quyết tâm triển khai rộng rãi là việc đánh giá "khả năng tiềm ẩn" tự tử bằng xét nghiệm máu. Công trình nghiên cứu xét nghiệm di truyền được thử nghiệm trên một nhóm gồm 325 tình nguyện viên dân sự. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc dự đoán ý nghĩ tự tử có độ chính xác 80%, khả năng sẽ có hành động tự tử chính xác lên đến 90%. Các nhà khoa học tin rằng, họ đã tìm thấy chìa khóa di truyền để xác định nguy cơ tự tử là do có những thay đổi trong não liên quan đến việc kiểm soát căng thẳng.

Khánh Chi
.
.
.