Truy tố cựu Bộ trưởng Nội vụ Bồ Đào Nha

Thứ Ba, 07/07/2015, 17:41
Sau một thời gian nghiên cứu, cuối cùng cơ quan công tố Bồ Đào Nha đã quyết định, sẽ truy tố cựu Bộ trưởng Nội vụ Miguel Macedo về vai trò của ông trong vụ bê bối rửa tiền liên quan tới việc cấp "thị thực vàng" cho các đại gia nước ngoài.

Phát biểu trước giới truyền thông hôm 2/7, người phát ngôn Cơ quan công tố Bồ Đào Nha cho biết, họ đã đưa ra quyết định này sau khi Quốc hội Bồ Đào Nha hủy quyền miễn trừ đối với ông Miguel Macedo. Bởi với tư cách thành viên trong chính phủ trung hữu, cựu Bộ trưởng Nội vụ chỉ có thể bị nhà chức trách điều tra sau khi mất quyền miễn trừ. 

Mặc dù phải từ chức Bộ trưởng Nội vụ hôm 16/11/2014, nhưng cho đến nay ông Miguel Macedo vẫn từ chối chịu trách nhiệm, chỉ thừa nhận những cáo buộc này đã làm suy giảm uy tín chính trị của mình trong vụ bê bối "thị thực vàng" - vụ tham nhũng lớn nhất từng làm rung chuyển chính trường Bồ Đào Nha.

Cựu Bộ trưởng nội vụ Miguel Macedo.

Ông Miguel Macedo phải ra đi sau khi 11 người bị bắt giữ, trong đó có một số quan chức cấp cao, do bị tình nghi khai man giá trị các khoản đầu tư nhằm giúp những người nước ngoài giàu có nhận được giấy phép cư trú đặc biệt tại Bồ Đào Nha. Trong số 11 đối tượng bị bắt hôm 13/11/2014 có người đứng đầu lực lượng cảnh sát biên phòng Manuel Jarmela Palos, quan chức cấp cao Bộ Tư pháp Maria Antonia Anes và Viện trưởng Viện đăng ký và công chứng Antonio Figueiredo. Theo tuần báo Expresso của Bồ Đào Nha, Viện trưởng Viện đăng ký và công chứng Antonio Figueiredo có quan hệ thân thiết với cựu Bộ trưởng Nội vụ Miguel Macedo.

Gần 3 năm trước (tháng 10/2012), Bồ Đào Nha bắt đầu thực hiện chính sách cấp "thị thực vàng" cho những người nước ngoài sẵn sàng đầu tư 500.000 euro vào lĩnh vực bất động sản (và giữ tài sản này ít nhất 5 năm), sẵn sàng đưa khoảng 1 triệu euro hoặc tạo ra khoảng 10 việc làm tại nước này. Người được trao quyền cư trú chỉ cần ở Bồ Đào Nha 7 ngày/năm. Và kể từ khi có hiệu lực, chính sách này đã thu hút hơn 1 tỷ euro đổ vào Bồ Đào Nha và nước này cũng đã cấp 1.649 "thị thực vàng" cho các nhà đầu tư, chủ yếu đến từ Trung Quốc. Khi đó, đây được coi là chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng đã bị một số người lợi dụng để làm giàu bất chính.

Phát biểu sau khi bắt giữ những người kể trên, Bộ trưởng Tư pháp Paula Teixeira Cruz đã kêu gọi những người làm hoen ố hình ảnh các cơ quan công quyền phải từ chức, đồng thời nhấn mạnh: Không ai được phép đứng trên luật pháp, đã hết thời né tránh pháp luật. Bởi sau khi bắt 11 người kể trên, ngày 21/11/2014, Văn phòng công tố Bồ Đào Nha thông báo, cựu Thủ tướng Jose Socrates đã bị bắt (chiều 21/11/2014 tại sân bay Lisbon) để điều tra về gian lận thuế, tham nhũng và rửa tiền.

Và ngày 10/6 vừa qua, ông Jose Socrates đã cương quyết từ chối việc chuyển đổi hình thức giam giữ từ nhà tù về nhà riêng để hưởng quy chế quản thúc tại gia. Ông Jose Socrates trở thành Thủ tướng đầu tiên rơi vào vòng lao lý trong lịch sử hơn một thế kỷ của nền Cộng hòa Bồ Đào Nha.

Cựu Thủ tướng Jose Socrates.

Sở dĩ ông Jose Socrates đưa ra thông báo kể trên bởi theo Bộ luật Hình sự Bồ Đào Nha, trong vòng nửa năm sau khi bị tạm giam, nếu chưa đủ bằng chứng buộc tội thì đương sự sẽ được hưởng quy chế tại ngoại. Mặc dù Tòa án thành phố Lisbon đã ra quyết định tạm tha, nhưng cựu Thủ tướng Jose Socrates coi đây là việc làm nhằm cố gắng che đậy cho những sai lầm tư pháp trong trường hợp của mình. Đồng thời cho rằng, việc bắt giữ mình là biện pháp nhằm phục vụ mục đích chính trị của ai đó.

Trước khi cựu Thủ tướng Jose Socrates bị bắt và Bộ trưởng Nội vụ Miguel Macedo từ chức, 26 đối tượng, trong đó có các chính trị gia thuộc đảng cầm quyền và nhiều doanh nhân đã phải hầu tòa (30/10/2014) vì liên quan tới một vụ án tham nhũng. Trong đó có Didier Maurice, Chủ tịch Cofely (công ty con của Tập đoàn năng lượng Pháp GDF Suez ở Tây Ban Nha), bị tình nghi liên quan tới các hoạt động gian lận và hối lộ. Đảng Nhân dân cầm quyền đã khai trừ tất cả những thành viên bị điều tra với cáo buộc sử dụng thẻ tín dụng công vào mục đích cá nhân, trong đó có cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Rodrigo Rato và 12 đảng viên khác.

Theo giới truyền thông, ông Rodrigo Rato và hơn 80 nghi can bị cáo buộc "phạm tội tập thể" sử dụng tới 15 triệu euro cho các hoạt động tại hộp đêm, đi săn và các vật dụng xa xỉ khác. Thủ tướng Mariano Rajoy đã công khai xin lỗi người dân trước các vụ tham nhũng có liên quan tới một số thành viên đảng cầm quyền.

Tuệ Sỹ
.
.
.