Truy nã con gái trưởng của cố Tổng thống Saddam Hussein
Trong thông báo hôm 4-2, cơ quan chức năng Iraq cho biết, có 60 người bị truy nã vì bị tình nghi có quan hệ với IS và các nhóm khủng bố Takfiri có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.
Đây là những phần tử khủng bố bị các cơ quan thực thi pháp luật truy nã gắt gao nhất và cũng là lần đầu tiên Iraq công bố danh sách này. Tất cả các nghi phạm kể trên đều là người Iraq, ngoại trừ Maan Bashour, cựu Tổng thư ký Hội nghị Quốc gia Arab là người Lebanon.
Giới chức Iraq buộc tội bà Raghad Hussein hỗ trợ tài chính cho một mạng lưới khủng bố có liên quan tới một loạt vụ tấn công vào lực lượng liên quân tại Iraq. Ngoài bà Raghad Hussein còn có 20 người thuộc đảng Baath, chính đảng do cố Tổng thống Saddam Hussein sáng lập và đã bị giải tán.
Raghad Hussein và ông Saddam Hussein. |
Giám đốc Interpol ở Iraq Sadeq Faraj Abdulrahman cho biết, có 400 nghi phạm bị Iraq truy nã hiện đang sống ở nước ngoài với những cáo buộc khác nhau, từ khủng bố đến tham nhũng.
Gần 2 năm trước (tháng 5-2016), Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari từng yêu cầu Jordan trao trả một số người bị cáo buộc bảo trợ khủng bố và rửa tiền, trong đó có bà Raghad Hussein. Đây không phải là lần đầu tiên Iraq yêu cầu Jordan trao trả các nhân vật nằm trong danh sách truy nã của nước này, nhưng đều bất thành.
Theo giới truyền thông, bà Raghad Hussein muốn xuất bản cuốn hồi ký về cố Tổng thống Saddam Hussein, sau khi cùng em gái Rana Hussein và các con trốn sang Jordan năm 2003.
"Ông ấy ý thức được những sai lầm ở Iraq và những gì đã xảy ra với cha tôi", bà Raghad Hussein đã ca ngợi Tổng thống Donald Trump sau khi ông đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2016 vì từng khẳng định chống lại cuộc chiến tại Iraq.
Theo trang Spiegel Online bằng tiếng Đức (đăng hồi tháng 8-2014), bà Raghad Hussein đã dùng số tài sản trị giá hàng triệu USD để hỗ trợ IS với hy vọng quay trở lại cầm quyền ở Baghdad.
Được biết, ngày 18-8-2007, Interpol đã phát lệnh truy nã bà Raghad Hussein với cáo buộc tiếp tay cho lực lượng phiến quân tiến hành các vụ tấn công khủng bố ở Iraq.
Khi đó, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Iraq Abdul Kereem Khalaf cho biết, họ đã phát lệnh truy nã đối với Raghad Hussein, người có biệt danh "tiểu Saddam Hussein" từ lâu nhưng tới bây giờ Interpol mới vào cuộc. Và phải tới ngày 5-4-2010, Interpol mới chính thức ban hành lệnh bắt bà Raghad Hussein và quyết định này được thực hiện theo yêu cầu của giới lãnh đạo Iraq.
Từ năm 2006, chính quyền Iraq đã ra lệnh truy nã quốc tế đối với bà Raghad Hussein. "Sự có mặt của bà ấy tại Jordan hoàn toàn vì những lý do nhân đạo. Bà ta không tham gia vào bất cứ một hoạt động chính trị hay xã hội nào", người phát ngôn của Chính phủ Jordan đã giải thích như vậy nhiều lần khi bị Iraq yêu cầu bắt dẫn độ bà Raghad Hussein.
Có người cho rằng, bà Raghad Hussein nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người Sunni tại Jordan, hơn nữa Vua Jordan Abdullah II từng cho phép bà tị nạn từ giữa năm 2003 nên lệnh truy nã kể trên không có hiệu lực.
Giới truyền thông cho biết, tuy rất ít khi xuất hiện trước công chúng, nhưng bà Raghad Hussein sống vương giả, đi đâu cũng có vệ sỹ tháp tùng, sau khi đồng ý lên xe hoa với thương gia người Jordan Mohammed.
Trước đó từng có tin nói rằng, con gái trưởng của ông Saddam Husein đã từ bỏ hôn ước vì phiên toà của cha. Được biết, vị thương gia kể trên làm quen với bà Raghad Hussein từ năm 2001 và sau tới Jordan lánh nạn, ông luôn giúp đỡ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Theo giới truyền thông, bà Raghad Hussein (tên gọi đầy đủ là Raghad Saddam Hussein al-Majid) sống tại Thủ đô Amman của Jordan cùng với 5 người con (2 trai, 3 gái) và từ tháng 9-2005, con gái trưởng của ông Saddam Husein đã thảo luận kế hoạch bào chữa cho cha mình với các nhà tư vấn pháp lý Iraq, Jordan, Yemen, Sudan và Lebanon.
Theo đó, họ chọn ra một ủy ban gồm luật sư người nước ngoài để thay thế hơn 1.500 luật sư người Arab và phương Tây bị sa thải trước đó. Và họ cũng đã gặp Hội đồng luật sư của Nữ hoàng Anh, nhóm luật sư hàng đầu "xứ sở sương mù" để nhờ hướng dẫn cách thức chuẩn bị bào chữa.
Đi cùng với việc này đã tìm kiếm các nguồn tài chính hỗ trợ cho chiến dịch bào chữa và trang trải chi phí cho các trợ lý hành chính và pháp lý cho luật sư đoàn. Và từ đầu năm 2006, con gái trưởng của cố Tổng thống Saddam Hussein đã thuê thêm luật sư và thành lập Ủy ban pháp lý đặc biệt ở nước ngoài để bảo vệ cha mình, nhưng bất thành. Tuy nhiên, bà Raghad Hussein luôn tự hào về cách cha mình qua đời khi ông từ chối trùm đầu khi bị treo cổ vào ngày 30-12-2006.