Trung Quốc trước nguy cơ khủng hoảng tài chính

Thứ Tư, 27/12/2017, 11:22
Một nghiên cứu mới của Ngân hàng Deutsche Bank (Ðức) cho biết rủi ro khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc cao gấp đôi so với các nền kinh tế khác trên toàn cầu.


Cụ thể, khả năng xảy ra khủng hoảng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã lên đến 13%. Theo chuyên gia Kinh tế trưởng của Deutsche Bank khu vực châu Á-Thái Bình Dương Michael Spencer, xác suất này lớn gần gấp đôi các nền kinh tế lớn khác trên thế giới.

Gánh nợ khổng lồ

Điều gì khiến xác suất khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc cao như vậy? Theo Deutsche Bank, mối lo ngại lớn nhất là khối lượng nợ khổng lồ của đại lục đã tăng vọt cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế trong vài thập niên qua.

“Từ năm 2008, tỷ lệ nợ của các tập đoàn phi tài chính, hộ gia đình và Chính phủ Trung Quốc đã tăng lên hơn 100% GDP. Gánh nặng nợ càng cao sẽ càng gây áp lực cho sự ổn định tài chính”, Spencer viết trong nghiên cứu công bố ngày 11-12 vừa qua. “Việc nới lỏng chính sách tiền tệ từ năm 2013 đã kéo theo tổng nợ tăng lên chóng mặt. Các khoản nợ vay phi tài chính đạt 255% GDP vào cuối năm 2016”. Điều này khiến Trung Quốc đang có nguy cơ trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính.

Vấn đề nợ của Trung Quốc vẫn luôn là mối lo ngại của các chuyên gia trên thế giới. Hai chuyên gia kinh tế của Bloomberg Fielding Chen và Tom Orlik ước tính tổng nợ của Trung Quốc sẽ đạt 327% GDP vào năm 2022, tăng gấp đôi so với mức nợ năm 2008. Điều đó sẽ khiến Trung Quốc trở thành một trong những "con nợ" lớn nhất thế giới.

"Sự tăng trưởng quá nóng và mức nợ cao của Trung Quốc đã khiến cho quốc gia này đang đứng bên bờ vực của cuộc khủng hoảng tài chính”, 2 chuyên gia cho biết trong một báo cáo công bố ngày 21-11.

Dự báo của Bloomberg về mức nợ trong tương lai của Trung Quốc dựa trên mô hình mới, lấy giả định sự suy giảm tốc độ tăng trưởng vừa phải, tiếp tục tái cân bằng cấu trúc nền kinh tế hướng tới dịch vụ, ổn định trong tăng trưởng tín dụng và loại bỏ các khoản nợ xấu khổng lồ.

"Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ giảm từ 6,7% năm 2016 xuống 5,8% trong năm 2022", các chuyên gia của Bloomberg cho biết và nhấn mạnh, tăng trưởng danh nghĩa, có liên quan nhiều hơn đến việc tính tỷ số nợ/GDP, dự kiến sẽ giảm từ 8% năm 2016 xuống còn 7,9% vào năm 2022.

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm cắt giảm gánh nặng nợ đã có một số tín hiệu tích cực sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 vừa qua. Theo đó, trọng tâm của nỗ lực xử lý nợ của Trung Quốc là nhằm loại bỏ hệ thống "ngân hàng ngầm" thông qua việc thắt chặt các quy định của pháp luật về quản lý tài sản tài chính.

Ngân hàng ngầm

Một mối lo khác của tài chính Trung Quốc là sự phát triển nhanh chóng của thành phần “tín dụng đen” hay các “ngân hàng ngầm”. Đây là các tổ chức tín dụng không trực thuộc hệ thống ngân hàng truyền thống, nhưng giao dịch mọi hoạt động tài chính từ tài khoản bảo đảm ở các ngân hàng đến thị trường trái phiếu và cả dịch vụ cầm đồ. Sự hoạt động của hệ thống ngân hàng ngầm này bùng nổ ở Trung Quốc trong những năm gần đây.

 Theo số liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), các khoản tài trợ vốn ngoài bảng đã tăng lên mức 754 tỷ NDT (109 tỷ USD) trong tháng 3-2017. Như vậy, riêng trong quý I, các khoản tài trợ vốn ngoài bảng đạt mức kỷ lục 1,05 nghìn tỷ NDT.

Còn theo ước tính của Bộ phận Dịch vụ nhà đầu tư của Moody, các hoạt động tín dụng thuộc ngân hàng trong bóng tối của Trung Quốc có giá trị khoảng 8,5 nghìn tỷ USD.

Mặc dù những đóng góp tích cực của hệ thống “ngân hàng ngầm” của Trung Quốc là đáng khen ngợi, nhưng nó cũng đồng thời dẫn tới những phát triển đáng lo ngại trong nền kinh tế. Những năm gần đây, do các ngân hàng truyền thống từ chối cho vay, những gói đầu tư có nguy cơ cao đã phải phụ thuộc nhiều vào sự cung ứng vốn từ các “ngân hàng ngầm” để có thể tồn tại.

Các “ngân hàng ngầm” huy động vốn cho những dự án trên bằng các sản phẩm tín dụng lãi suất cao, ví dụ như các gói được bán bởi các công ty tín thác và các quỹ quản lý vốn. Thông thường, độ rủi ro của các sản phẩm đầu tư này là không rõ ràng, thậm chí bị cố tình làm nhập nhằng bởi chính những “ngân hàng ngầm” bán ra chúng.

 Ở thời điểm hiện tại, sự rủi ro của hệ thống này cuối cùng đã lộ diện. Khi tính lợi nhuận đáng ngờ của nhiều dự án trên dần trở nên rõ ràng thì cũng là lúc nhiều người lên tiếng về nguy cơ ngành “ngân hàng ngầm” của Trung Quốc đang đi tới đổ vỡ.

Một trong những lo ngại lớn nhất là tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của hệ thống “ngân hàng ngầm” vài năm trở lại đây (tỷ lệ của nó so với GDP đã tăng đến 70% trong vòng 5 năm), làm giảm tổng tỷ số lợi nhuận trên nợ (mất $4 nợ để tạo ra $1 trong tăng trưởng GDP) và những dự đoán rằng nhiều sản phẩm tín dụng và trái phiếu công ty sẽ không được thanh toán đúng hạn.

Nỗ lực kiềm chế

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ủng hộ nỗ lực cắt giảm nợ nhằm đẩy lùi rủi ro hệ thống tài chính của Trung Quốc. Và Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cũng đã lên tiếng cảnh báo rủi ro về nợ doanh nghiệp và hộ gia đình nước này đang ở mức quá cao, có nguy cơ gây bất ổn cho hệ thống tài chính quốc gia.

Sau khi kiểm soát được sự bùng nổ các loại tín dụng mới, giờ đây PBoC chuyển hướng sang vai trò của người điều tiết và quản lý.

"Một mặt, PBoC không muốn việc cắt giảm nợ quá mức sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế", ông Raymond Yeung, chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc của ANZ cho biết và cảnh báo, nếu PBoC không tiếp tục tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tín dụng ngầm, có thể sẽ gây ra tình trạng "bong bóng" tài sản tài chính.

Điều an ủi, theo ông Spencer của Deutsche Bank, là khả năng xảy ra khủng hoảng ở Trung Quốc đại lục thấp hơn nhiều so với xác suất được tính cho một số quốc gia trong cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu giai đoạn 2009-2014 hoặc cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối năm 1990.

“Thặng dư tài khoản vãng lai đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ khủng hoảng ở Trung Quốc. Nếu tài khoản vãng lai bị thâm hụt 2% GDP trong năm 2016 thay vì thặng dư gần 2% thì khả năng xảy ra khủng hoảng sẽ cao hơn 7%”, ông Spencer cho biết.

Đầu tháng 12 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đã cảnh báo mức nợ cao trong nền kinh tế Trung Quốc và sự phụ thuộc vào tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng của nước này có thể gây cú sốc tài chính, đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu. Theo IMF, Trung Quốc nên ưu tiên ổn định tài chính hơn là các mục tiêu tăng trưởng và cần thành lập một cơ quan chuyên trách ổn định tài chính, hối thúc các ngân hàng tăng vốn để sẵn sàng ứng phó với nguy cơ suy thoái kinh tế đột ngột.

Vĩnh Trang
.
.
.