Trung Quốc phủ bóng đàm phán hạt nhân Nga-Mỹ

Thứ Sáu, 26/06/2020, 07:32
Khi các cuộc thảo luận giữa Nga-Mỹ về tương lai của hai kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới được tiến hành tại Vienna (Áo) trong 2 ngày 22 và 23-6, các nhà ngoại giao và chuyên gia đã cảnh báo việc Tổng thống Donald Trump khăng khăng rằng Trung Quốc phải tham gia đàm phán có thể cản trở việc đổi mới một hiệp ước quan trọng và thậm chí tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới.


Sự nghi ngờ của Nga

Hôm 23-6, phát biểu sau khi kết thúc vòng đàm phán đầu tiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhận định, Mỹ vẫn chưa quyết định về việc có gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới hay không, nghĩa là Moscow cảm thấy Washington chưa chấp nhận quan điểm của Nga về việc ủng hộ gia hạn START mà không cần điều kiện tiên quyết. Điều này, theo nhận định của ông Sergei Ryabkov, sẽ gây khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung về cắt giảm vũ khí giữa hai bên.

Hãng tin AP thì cho hay, START mới sẽ hết hiệu lực vào ngày 5-2-2021 nên từ cuối năm 2019, chính quyền Moscow đã nhiều lần yêu cầu Washington cùng tổ chức các cuộc thảo luận về gia hạn Hiệp ước. Mỹ tuy tỏ thái độ hợp tác nhưng lại coi sự tham gia của Trung Quốc như một điều kiện tiên quyết.

Tên lửa hạt nhân chiến lược xuyên lục địa Dongfeng-41 của Trung Quốc tham gia một cuộc diễu binh hồi tháng 10 năm 2019. Trung Quốc được cho là đang sở hữu 300 đầu đạn hạt nhân. ảnh: Xinhua.

Trong cuộc thảo luận lần này, Mỹ còn thể hiện ý muốn này bằng cách sắp xếp một hàng cờ Trung Quốc trên một khu vực bàn đàm phán. Chưa hết, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí, Trưởng phái đoàn đàm phán của Mỹ, Marshall Billingslea còn đưa hình ản này lên Twitter với câu chê trách là Bắc Kinh đang lẩn trốn…

Tuy nhiên, Bắc Kinh đến nay vẫn bác bỏ mọi khả năng tham gia một hiệp ước ba bên với Nga và Mỹ. Hôm 17-6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, việc Mỹ tìm cách đưa Trung Quốc vào các cuộc đàm phán Nga-Mỹ về vũ khí hạt nhân là vô lý bởi Washington liên tục tìm cách vi phạm các cam kết của mình theo thoả thuận hiện có.

Song Zhongping-nhà phân tích quốc phòng tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng nhận định: "Trung Quốc sẽ không bao giờ tham gia vào cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân giữa Mỹ và nga". Trong khi đó, Chính quyền Moscow thì tỏ thái độ không đồng tình và chưa mấy tin tưởng với Mỹ.

Trước cuộc đàm phán, Thứ trưởng Ngoại giao Nga đã nói với đài NBC News rằng Nga không muốn và không thể ép Trung Quốc tham gia đàm phán. Ông Sergei Ryabkov cũng nói Nga có thể đưa một số hệ thống vũ khí hạt nhân nước này phát triển gần đây mà Mỹ e ngại vào trong hiệp ước.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III của Mỹ được bắn thử nghiệm hồi tháng 2. ảnh: US Air Force.

Đổi lại, Mỹ phải đưa một số hệ thống vũ khí mới của mình vào hiệp ước, trong đó có các hệ thống tên lửa phòng thủ tiên tiến vốn làm Nga bất an trong những năm gần đây. Dẫu vậy, như tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Moscow vẫn không có niềm tin Mỹ sẽ gia hạn Hiệp ước START mới bởi, kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức, Washington từng rút khỏi một số thoả thuận khác giữa hai nước. "Chính quyền Mỹ hiện đang bị ám ảnh bởi Trung Quốc. Điều đó khiến cho tiến trình đàm phán khó có thể thực hiện được. Ý tưởng về Trung Quốc làm lu mờ mọi thứ khác", Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói.

Chiến trường mới về đối đầu Mỹ-Trung?

Theo tin từ hai Chính phủ Nga-Mỹ và đánh giá độc lập của nhiều nhà phân tích, các điều khoản của Hiệp ước START mới được gia hạn có nghĩa là hai quốc gia có thể triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động, dù gắn với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tàu ngầm hoặc máy bay.

Thỏa thuận cũng cho phép mỗi quốc gia thường xuyên kiểm tra quốc gia khác để đảm bảo các quy tắc được tuân thủ. Hiệp ước hiện tại sẽ hết hạn vào ngày 5-2-2021, trừ khi nó được gia hạn thêm 5 năm - một quá trình không cần sự chấp thuận của quốc hội và có thể được thực hiện nhanh chóng. Quyết định gia hạn Hiệp ước có thể là bước đầu tiên cho sự hợp tác trong tương lai, bao gồm cả một thỏa thuận rộng rãi và nghiêm ngặt hơn trong tương lai. Nhưng không ai tin rằng các cuộc đàm phán sẽ dễ dàng.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov.

Hãng tin Reuters cho hay, trong 2 ngày 22-23/6, Nga và Mỹ đã trải qua 10 tiếng đồng hồ thảo luận về ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí, vấn đề gia hạn Hiệp ước START mới và duy trì ổn định trong bối cảnh chấm dứt Hiệp ước về tên lửa tầm ngắn và tầm trung cũng như các vấn đề an ninh quốc tế.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết đàm phán bước đầu thành công; còn Đặc phái viên Mỹ thì đánh giá tích cực khi nhấn mạnh: "Vòng đàm phán đầu tiên tại Vienna rất xây dựng. Hai bên thảo luận chi tiết một loạt vấn đề về vũ khí hạt nhân và đạt thỏa thuận về vòng đàm phán thứ hai".

Ông Marshall Billingslea tiết lộ thêm rằng Mỹ-Nga đã nhất trí thành lập nhiều nhóm công tác kỹ thuật và cuộc gặp thứ hai có thể diễn ra vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 cũng tại Vienna tùy thuộc vào tiến bộ của các nhóm này. Tuy nhiên, Mỹ vẫn muốn Trung Quốc phải tham gia đàm phán.

Một binh sĩ Nga đứng gần hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars ở Moscow hôm 9-5-2020. ảnh: AP.

Đặc phái viên Mỹ nhấn mạnh: "Tổng thống Donald Trump nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tham gia cùng Mỹ và Nga đàm phán về một thỏa thuận thay thế START mới. Đây là điều cần thiết bởi Trung Quốc được ước tính có khoảng 300 đơn vị vũ khí hạt nhân". Trong trường hợp cả Moscow và Bắc Kinh đều không thoả mãn được các yêu cầu của Washington, ông Marshall Billingslea đe doạ Mỹ sẵn sàng đưa Nga và Trung Quốc vào quên lãng.

"Tổng thống Trump khẳng định rõ ràng rằng chúng tôi có hành động hiệu quả và đúng đắn. Chúng tôi biết cách giành chiến thắng trong những cuộc chạy đua này và chúng tôi biết cách đưa đối thủ vào quên lãng. Nếu bị ép buộc, chúng tôi sẽ thực hiện, song sẽ rất muốn tránh kịch bản đó", Đặc phái viên Mỹ nói.

Nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia cảnh báo việc Mỹ khăng khăng Trung Quốc phải tham gia đàm phán có thể sẽ cản trở việc gia hạn Hiệp ước START mới. Bà Lynn Rusten, Phó Chủ tịch Chương trình chính sách hạt nhân toàn cầu của Mỹ nhận định, đây là một thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng hai nước tăng cao nguy hiểm khi Washington liên tục chỉ trích Bắc Kinh về COVID-19. Tuy nhiên, Mỹ nhất quyết phải làm bởi vấn đề chính ở đây là sự thiếu minh bạch của Trung Quốc.

Đồng quan điểm này, đại diện Mỹ tại Hội nghị giải giáp vũ khí hạt nhân Robert Wood nhấn mạnh, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới và có thể đuổi kịp kho vũ khí hạt nhân của cả Nga và Mỹ. "Gần đây, Trung Quốc đang đảo ngược sự tích tụ vũ khí hạt nhân. Điều này rất nguy hiểm bởi Trung Quốc thường hành động bất chấp luật pháp quốc tế", ông Robert Wood bày tỏ.

GS Alex Wellerstein thuộc Viện Công nghệ Stevens ở New Jersey, người chuyên nghiên cứu lịch sử vũ khí hạt nhân thì đoán định rằng sẽ khó biết được tương lai vũ khí hạt nhân trên thế giới nếu không có các hiệp ước kiểm soát. "Sau đó, cái mà chúng ta có không gì ngoài một cuộc chạy đua vũ trang mới", GS Alex Wellerstein nói.

Còn Mark Sleboda, nhà phân tích an ninh và các vấn đề quốc tế tại Moscow, người mang cả hai quốc tịch Nga-Mỹ thì cảnh báo về việc gia tăng đối đầu Mỹ-Trung, Nga-Mỹ nếu Washington vẫn nhất quyết làm theo quan điểm của mình trong vấn đề đàm phán vũ khí hạt nhân: "Tôi không nghĩ rằng thái độ của Mỹ là hoàn toàn hữu ích. Cũng không thể phủ nhận là hành động của người Nga và Trung Quốc đã làm tổn hại đến sự ổn định toàn cầu và việc thực thi các điều ước quốc tế. Nếu cả 3 cùng nhảy điệu tango thì đó là một sự nguy hiểm khó lường".

Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric lại bày tỏ hy vọng, vì lợi ích chung của thế giới Mỹ và Nga có thể đạt được thỏa thuận về việc gia hạn Hiệp ước START mới.

Chi Anh
.
.
.