Trung Quốc:

Tăng cường giám sát an ninh bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt

Thứ Hai, 29/01/2018, 10:04
Những cảnh quay được các camera an ninh thực hiện ở Bắc Kinh trước đây đã được thay thế bằng một chương trình mới mang tên "công nghệ nhận diện khuôn mặt". Từ đây, an ninh Trung Quốc đã xây dựng được thư mục toàn quốc về công dân và công nghệ này đang phục vụ đắc lực cho cuộc chiến phòng chống tội phạm và khủng bố ở quốc gia này.

Một quan chức cấp cao trong Chính phủ Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn hãng Raddit hồi đầu tháng 1 thừa nhận rằng, công nghệ mới này đang được thực hiện tại các ngân hàng, sân bay, khách sạn và thậm chí nhà vệ sinh công cộng và được lực lượng cảnh sát và an ninh ủng hộ.

Nhờ sự có mặt khắp nơi của hệ thống camera nhận diện khuôn mặt mà việc quản lý người dân nhằm thắt chặt an ninh quốc gia cũng trở nên dễ dàng hơn. Chương trình này được gọi là "Sharp Eyes" và "cung cấp cho Chính phủ Trung Quốc quyền lực đáng kinh ngạc đối với công dân của mình".

Công nghệ nhận diện khuôn mặt đang được triển khai mạnh ở các nơi công cộng tại Trung Quốc. 

Cụ thể, hàng triệu camera an ninh của chương trình sẽ được kết nối, tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt tại những nơi công cộng, khu cư dân, các văn phòng công ty... để tạo thành mạng lưới giám sát và chia sẻ dữ liệu trên toàn quốc.

Với số lượng camera an ninh đang được tiến hành, lực lượng cảnh sát và an ninh Trung Quốc cũng có thể sử dụng chương trình này để theo dõi những kẻ tình nghi, điều phối các dịch vụ khẩn cấp và theo dõi sự di chuyển của 1,4 tỉ dân.

Cùng với đó, Trung Quốc còn phát triển một cơ sở dữ liệu có tên là "Cảnh sát đám mây" nhằm mục đích thu thập dữ liệu cá nhân về mọi công dân để phát triển một hồ sơ xã hội có thể dễ dàng kéo lên bởi Chính phủ.

Dữ liệu này bao gồm hồ sơ du lịch, hồ sơ bệnh án, mua hàng trực tuyến, nhận xét về phương tiện truyền thông xã hội và lịch sử duyệt web Internet, sau đó sẽ liên kết với ID và khuôn mặt của người đó. Sự kết nối này giúp thu thập nhanh chóng thông tin của công dân, bao gồm số căn cước, lý lịch, nhân thân, sức khỏe để từ đó xác định đối tượng có thuộc diện nguy hiểm hay không.

Trong khi đó, hãng tin Global News cho hay, Chính phủ Trung Quốc đã chi hàng triệu USD cho việc phát triển công nghệ này. Một số công ty công nghệ của Trung Quốc được mời tham gia chương trình trong đó có Công ty Sense Time, Công ty Cloudwalk. Mục tiêu của chính quyền Bắc Kinh là các công ty công nghệ trong nước phải phát triển được công nghệ nhận diện khác, làm những điều mà hệ thống nhận diện khôn mặt hiện chưa làm được.

Trung Quốc còn sử dụng hệ thống tích hợp công nghệ trong chiến dịch chống tham nhũng mang tên Sky Net.

Chẳng hạn như ở thành phố Qúy Dương, tỉnh Qúy Châu, cảnh sát đã thành lập hệ thống hồ sơ điện tử mà theo đó, các camera trong thành phố có thể nhận dạng được khuôn mặt bạn trên mọi ngả đường. Chúng có thể đọc biển số xe và nhanh chóng kiểm tra hồ sơ của người sở hữu. Một số camera thậm chí có thể dự đoán tuổi tác, dân tộc và giới tính. Các sản phẩm trong hệ thống hồ sơ điện tử này đều do một nhà máy sản xuất camera ở Hàng Châu thực hiện.

Điểm đặc biệt là khi camera nhận diện được gương mặt "nằm trong diện theo dõi", nó sẽ truyền thông tin ấy về sở cảnh sát. Và gần như ngay lập tức, phòng điều khiển sẽ phát ra tín hiệu cảnh báo, yêu cầu cảnh sát ở khu vực "có người bị theo dõi" tiến hành áp sát đối tượng...

Còn theo hãng Daily Mail thì cảnh sát Trung Quốc còn sử dụng hệ thống tích hợp công nghệ trong chiến dịch chống tham nhũng mang tên Sky Net với nhiệm vụ ban đầu là theo dõi những quan chức muốn chạy trốn.

Các camera có thể xác định nhận dạng của người đi bộ hoặc đang lái xe để trợ giúp cảnh sát tìm kiếm kẻ bị truy nã. Hệ thống cũng cho phép theo dõi vị trí bằng GPS và nhận diện khuôn mặt để giúp cơ quan cảnh sát xác định vị trí chính xác của kẻ phạm tội.

Tín hiệu báo động sẽ được gửi tới cảnh sát khu vực nếu nhận ra sự phù hợp với bất kỳ tên tội phạm nào trong cơ sở dữ liệu. Với hơn 20 triệu máy quay được trang bị công nghệ nói trên đã được lắp đặt ở khắp nơi trên cả nước, từ năm 2015,  Trung Quốc đã chính thức sở hữu hệ thống giám sát tiên tiến nhất thế giới.

Chưa hết, Trung Quốc còn có cả một cơ sở dữ liệu quốc gia về giọng nói để nhận diện một người dựa trên cách phát âm và nói chuyện của họ. Năm 2015, cảnh sát nước này đã thu thập 70.000 mẫu giọng nói tại tỉnh An Huy để thử nghiệm chương trình này.

Chi Anh
.
.
.