Trung Quốc:

Robot cảnh sát tự quyết định bắt nghi phạm, phát hiện bom

Thứ Hai, 16/05/2016, 17:08
Những nhà nghiên cứu phụ trách thiết kế cảnh sát người máy AnBot cho biết, trong thời gian đầu, thiết bị này sẽ được đưa đến các ngân hàng, sân bay và trường học để làm nhiệm vụ tuần tra.


Hiện AnBot đã được đưa vào sử dụng tại Đại học Công nghệ quốc phòng quốc gia Trung Quốc ở thành phố Trường Sa (tỉnh Hồ Nam). Một bản mẫu của AnBot cũng đã được giới thiệu trước công chúng tại Hội chợ công nghệ cao Trùng Khánh diễn ra vào tháng 4 vừa qua.

Tờ South Morning China Post ngày 6-5 đưa tin, Trung Quốc đang phát triển AnBot, một loại người máy đảm nhiệm chức năng của một nhân viên an ninh với khả năng phát hiện bom, bắt giữ kẻ phạm tội và chích điện để nghi phạm không thể chống trả. Đặc biệt, AnBot có khả năng tự quyết định thực hiện nhiệm vụ mà không cần chờ lệnh từ người điều khiển. 

AnBot tuần tra trên đường.

Một quan chức của Hiệp hội An ninh Trung Quốc thuộc Bộ Công an nói: “Chúng tôi rất quan tâm đến AnBot. Rất khó để đánh giá được lợi nhuận thu về từ việc bán người máy này vì chúng tôi mới ở giai đoạn phân phối đầu tiên, nhưng vì nhu cầu sử dụng thiết bị này đang lên cao nên lợi nhuận chắc chắn sẽ vượt qua 10 tỉ nhân dân tệ”.

Quan chức trên cũng cho biết, hiện tại vẫn chưa có giá bán cụ thể, nhưng nếu robot có giá dưới 100.000 nhân dân tệ thì sẽ bán được rất nhiều người máy loại này. Trong những năm gần đây, nhiều vụ tấn công quy mô lớn như đánh bom, tấn công bằng dao hay đốt phá thường xảy ra ở các thành phố lớn của Trung Quốc.

Điển hình như vụ tấn công nhà ga Côn Minh, Vân Nam năm ngoái khiến nhiều người chết và bị thương hay các vụ tấn công nhắm vào cảnh sát, cơ quan công quyền của các phần tử Hồi giáo cực đoan Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương…

Xiao Xiangjiang, người đứng đầu nhóm phát triển AnBot cho biết, người máy này đã được đưa vào thử nghiệm tại một doanh trại quân đội và nhận được phản hồi rất tích cực. AnBot di chuyển bằng bánh xe, có thể thực hiện một chuyến tuần tra 8 tiếng không nghỉ với tốc độ lên đến 18km/giờ. 

Máy ảnh được gắn trên AnBot có chức năng nhận diện và theo dõi khuôn mặt; ngoài ra còn có cảm biến phát hiện chất nổ, ma túy và vũ khí. Ngoài khả năng hoạt động độc lập, AnBot còn có thể được điều khiển thông qua một bộ điều khiển từ xa, thực hiện chích điện để vô hiệu hóa mục tiêu.

Những AnBot đầu tiên sẽ được triển khai tại những địa điểm quân sự hoặc chính trị, chốt biên giới, sân bay, bến xe buýt, ngân hàng, khách sạn và trường học. Theo giáo sư Shi Zhongzhi, Giám đốc Phòng khoa học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, người ủng hộ sử dụng người máy thay con người thực hiện các nhiệm vụ an ninh nguy hiểm, tuy được trang bị tối tân nhưng phạm vi thực hiện nhiệm vụ của AnBot khá hạn chế. 

“Chúng chỉ thực hiện được một số nhiệm vụ pháp luật nhất định trong một vài môi trường và đối tượng nhất định. Trên thực tế, chúng sẽ không hoạt động tốt khi không có người điều khiển”, giáo sư Shi cho biết. 

Ông cũng khẳng định rằng, AnBot sẽ thay thế những binh sĩ và nhân viên an ninh bằng cách làm việc trong những môi trường khắc nghiệt ngoài sức chịu đựng của người bình thường như trèo nhà cao tầng, lao xuống những nơi nhiều rác rưởi và hóa chất độc hại, đương đầu với tội phạm nguy hiểm…

Người máy cảnh sát AnBot.

Trong khi nhiều nhà khoa học ủng hộ việc sử dụng AnBot, thì những nhà hoạt động nhân quyền lại lo ngại AnBot sẽ bị lạm dụng. Mặc dù giới chức Trung Quốc không công bố chính xác, nhưng với doanh thu thiết bị bảo vệ an ninh đạt 500 tỉ nhân dân tệ vào năm 2015 và thị trường của ngành này luôn tăng 17-20% hàng năm cũng đủ cho thấy, mức độ nguy hiểm của các cuộc tấn công đã xảy ra ở nước này.

Trường Minh (Tổng hợp)
.
.
.