Trung Mỹ:

Làn sóng phụ nữ di cư đến Mexico vì bạo lực giới

Thứ Hai, 19/06/2017, 19:40
Nhiều phụ nữ ở các quốc gia Trung Mỹ như Salvador, Guatemala và Honduras phải chạy trốn khỏi quê nhà, xin cư trú ở Mexico vì tình trạng bạo lực gia đình gia tăng đáng báo động. Trung Mỹ là khu vực có tỷ lệ phụ nữ bị sát hại cao nhất thế giới.


Những quyết định khó khăn

Cuối cùng, Josefina Nieto, 41 tuổi, đã quyết định cùng con gái rời bỏ quê hương Guatemala sau quãng thời gian dài sống trong tình trạng bị chồng lạm dụng tình dục, thể chất và tinh thần kể từ khi cô kết hôn năm 12 tuổi. Trước đó, Josefina Nieto nhiều lần tìm cách đệ đơn xin ly hôn nhưng chồng cô, một giáo viên 52 tuổi, nói rằng, cho đến chết ông cũng không ly hôn.

Chính chồng cô đã bỏ thuốc độc vào ly cà phê với ý định sát hại vợ. May mắn, Josefina Nieto được đưa đến viện cấp cứu kịp thời nên thoát chết.

Rất nhiều cô gái Trung Mỹ rời bỏ quê hương đến Mexico để thoát khỏi bạo lực và đói nghèo.

"Tôi không có nơi nào để đi, không có người thân nào giúp đỡ. Tôi từng nghĩ rằng, số phận tôi phải gắn với hắn và sẽ chết trong tay người chồng tàn độc đó. Quyết định vượt biên của tôi là kết quả đấu tranh tư tưởng kéo dài trong nhiều năm", Nieto kể lại cuộc sống khổ sở của mình trước khi chạy trốn đến Mexico.

Marta Chavez, 29 tuổi, đến từ La Ceiba, phía Bắc Honduras. Bi kịch bắt đầu khi người bạn trai cô bị trục xuất khỏi Mỹ. Anh ta trở nên hung hăng và hoang tưởng khi nhu cầu sử dụng ma túy ngày càng tăng nhưng không có tiền.

Vì muốn giành lấy mảnh đất mà Marta Chavez sở hữu, anh ta đã thuê một nhóm côn đồ tấn công cô. Marta Chavez bị bắn vào phổi nhưng may mắn được cấp cứu kịp thời nên sống sót. Sau khi xuất viện, Marta Chavez quyết định đến Mexico và cô chưa bao giờ báo cáo sự việc với cảnh sát.

"Tôi quá sợ hãi sau những gì xảy ra. Thực sự, tôi không biết phải làm gì khác ngoài việc rời bỏ quê hương cho dù thực lòng không muốn sống nơi đất khách", Chavez nói.

Nieto và Chavez chỉ là hai trong số hàng ngàn cô gái Trung Mỹ trong làn sóng rời bỏ quê hương đến Mexico để thoát khỏi bạo lực và đói nghèo - một xu hướng toàn cầu thường được gọi là "làn sóng di cư vì bạo lực giới".

Theo thống kê của các cơ quan chức năng Mexico, cứ 4 người di dân không có giấy tờ nhập cư bị bắt giữ năm ngoái có một người là nữ, so với tỷ lệ 1/7 vào năm 2011.

Bạo lực gia đình là nguyên nhân chính khiến phụ nữ Trung Mỹ rời bỏ đất nước

Châu Mỹ Latinh là khu vực có nhiều vụ nữ giới bị sát hại nhất trên thế giới. 7 quốc gia ở khu vực này nằm trong top 10 quốc gia có số vụ nữ giới bị sát hại cao nhất. Trong đó, El Salvador, Guatemala và Honduras là những quốc gia được coi là nguy hiểm nhất đối với phụ nữ và trẻ em gái bởi sự hoành hành của các băng đảng tội phạm.

Đơn cử như tại Guatemala, vào năm 2015, 854 phụ nữ bị sát hại, trung bình 16 phụ nữ thiệt mạng mỗi tuần. Trong khi đó, số dân của quốc gia này là 15 triệu người. Trung bình 10 phụ nữ Honduras bị giết hại mỗi tuần trong thập kỷ qua.

"Bạo lực gia đình được xác định là một trong những nguyên nhân chính khiến phụ nữ Trung Mỹ rời bỏ đất nước. Phụ nữ chạy trốn bởi bạo lực gia đình cần được bảo vệ trên phạm vi quốc tế", Amarela Varela, chuyên gia nghiên cứu về vấn đề di dân và giới tại Đại học Autonomous, Mexico nói.

Nhiều quốc gia Mỹ Latinh đã ban hành luật để bảo vệ phụ nữ trước vấn đề bạo lực giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các quy định của luật pháp không được cụ thể hóa bằng hành động. Phụ nữ và trẻ em gái ít khi dám lên tiếng tố cáo nạn nhân lạm dụng tình dục, hãm hiếp và đánh đập họ.

Một phụ nữ Honduras giấu tên, 40 tuổi, bỏ trốn vì bạo lực gia đình xin tị nạn ở Mexico.

Theo số liệu thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), một trong ba phụ nữ Trung Mỹ đến biên giới phía Nam Mexico được hỏi cho biết đã chạy trốn vì bạo lực giới.

Sở dĩ họ tìm đến Mexico vì theo Luật tị nạn Mexico chính thức có hiệu lực năm 2011 thì bạo lực giới được xác định là một lý trong những do hợp pháp để xin tị nạn. Theo đó, phụ nữ là nạn nhân của nạn buôn người làm nô lệ tình dục, bạo lực gia đình… có thể xin tị nạn ở Mexico.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.