Trùm ma túy Joaquin Guzman chơi trò mèo vờn chuột

Thứ Năm, 02/06/2016, 09:58
Ngày 28-5, luật sư của trùm ma túy khét tiếng nhất Mexico Joaquin Guzman (có biệt danh El Chapo) đã nộp đơn kháng nghị đối với quyết định trước đó của Bộ Ngoại giao Mexico, về việc đồng ý dẫn độ tên này tới Mỹ để xét xử. 


Sau khi nhận được đơn của luật sư, một thẩm phán Mexico đã đồng ý tạm thời đình chỉ quyết định dẫn độ Joaquin Guzman. Và quyết định này đồng nghĩa với việc Bộ Ngoại giao Mexico phải giải thích tính pháp lý của quyết định dẫn độ Joaquin Guzman (trong vòng 48 tiếng, kể từ khi nhận được thông báo). 

Bởi gần 1 tháng trước (thượng tuần tháng 5), Bộ Ngoại giao Mexico thông qua quyết định giao tên trùm ma túy này cho cơ quan chức năng Mỹ, sau khi nhận được bảo đảm từ Washington rằng, Joaquin Guzman sẽ không phải chấp hành bản án tử hình. 

Trùm ma túy Joaquin Guzman.

Chính phủ của Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto cũng nhiều lần tuyên bố ủng hộ việc dẫn độ tên trùm ma túy này cho Mỹ xét xử. Và nếu bị dẫn độ, Tòa án thuộc bang Texas, Mỹ sẽ là nơi tiếp nhận và xét xử Joaquin Guzman. Và những tội danh mà Joaquin Guzman phải đối mặt bao gồm tội phạm có tổ chức, sở hữu vũ khí trái phép, giết người và rửa tiền. 

Sau khi bị tòa án tại bang Texas xét xử, Joaquin Guzman còn bị Tòa án bang California xét xử về tội buôn bán cocaine. Joaquin Guzman là một trong những tên trùm tội phạm có quyền lực nhất trong giới tội phạm ma túy quốc tế, đứng đầu một nhóm chuyên buôn bán cocaine, cần sa và methamphetamine có giá trị hàng tỷ USD vào Mỹ.

Ngay sau khi thông tin kể trên được đăng tải, dư luận và giới chuyên môn đã có những phản ứng khác nhau. Bởi cách đây không lâu, Joaquin Guzman từng nhiều lần tuyên bố, muốn sớm được dẫn độ tới Mỹ vì không muốn sống trong cảnh “địa ngục trần gian” tại nhà tù của Mexico.

 Hơn 20 ngày trước (7-5), Joaquin Guzman bị đưa tới giam ở nhà tù thuộc thành phố Juarez, bang Chihuahua, giáp biên giới với Mỹ. Và khi đó dư luận coi đây là động thái chuẩn bị để dẫn độ tên này thuận lợi sang Mỹ. Khi chuyển Joaquin Guzman tới nhà tù tại thành phố Juarez, cơ quan chức năng Mexico không đưa ra lý do. Trước đó, Joaquin Guzman bị giam tại nhà tù có độ an ninh cao nhất là Almoloya, bang Mexico, sau khi hắn bị bắt hồi tháng 1 vừa qua, 6 tháng sau khi trốn thoát bằng đường hầm khỏi nhà tù Altiplano (ngày 11-7-2015).

Theo giới truyền thông, khoảng 10 ngày trước (20-5), Chính phủ Mexico đã chấp thuận dẫn độ Joaquin Guzman tới Mỹ. Nhưng Juan Pablo Badillo, một trong những luật sư của trùm ma túy Mexico đã tuyên bố chống lại quyết định kể trên. Đồng thời nhấn mạnh, quá trình dẫn độ cần nhiều thời gian và phải tuân theo thỏa thuận với Mỹ. 

Trùm ma túy Joaquin Guzman.

Trước đó, luật sư Jose Rodriguez Refugio từng dẫn lời của Joaquin Guzman: đề nghị được dẫn độ đến Mỹ sớm vì không thể chịu nổi những biện pháp giam giữ tại nhà tù Mexico - thường xuyên bị quản giáo đánh thức, vẫn bị biệt giam ở nơi không nhìn thấy ánh mặt trời và điều này không khác gì một biện pháp tra tấn. Được biết, Joaquin Guzman có 6-7 luật sư giỏi và từng thành công trong việc chống dẫn độ sang Mỹ.

Trong thông báo hôm 20-5, Bộ Ngoại giao Mexico nhấn mạnh: Chính phủ Mexico đã cho phép tiến hành quá trình dẫn độ quốc tế đối với Joaquin Guzman tới Mỹ xét xử. Bộ Ngoại giao Mexico đưa ra thông báo kể trên sau khi có 2 thẩm phán nước này chấp thuận dẫn độ Joaquin Guzman tới Mỹ. Và các luật sư có 1 tháng để phản hồi trước khi việc dẫn độ được tiến hành. 

Tân Bộ trưởng Tư pháp Mexico, bà Arely Gomez Gonzalez tỏ ra sẵn sàng hơn so với người tiền nhiệm Jesus Murillo Karam trong việc dẫn độ trùm ma túy sang Mỹ. Bà Arely Gomez Gonzalez còn tuyên bố, Joaquin Guzman bị bắt vì muốn nổi danh hơn trùm băng đảng ma túy Sinaloa. Theo tiết lộ của giới truyền thông, từ ngày 12-1, Bộ Tư pháp Mỹ đã bắt đầu trao đổi với cơ quan chức năng Mexico về việc dẫn độ Joaquin Guzman. 

Khi đó, bà Arely Gomez Gonzalez đã tới thành phố Miami (Mỹ) để thương đàm với quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ về vấn đề này. Và đó là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa quan chức 2 nước về việc dẫn độ Joaquin Guzman.

Cựu Giám đốc bộ phận hoạt động quốc tế của Cục Quản lý Dược phẩm Mỹ Mike Vigil cho biết, Washington không tốn nhiều công sức để thuyết phục Mexico dẫn độ Joaquin Guzman. Bởi nếu giam giữ trùm ma túy này, chính phủ Mexico tốn khoảng 100.000 USD/tuần. Theo tờ Washington Post, mặc dù đã có sự đồng ý của chính phủ Mexico, nhưng việc dẫn độ Joaquin Guzman vẫn phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mới hoàn tất, bởi các thủ tục cùng sự phản đối của luật sư diễn ra “khá nhiêu khê”.

Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.