Trẻ em tị nạn phải bán mình cho bọn buôn người làm lộ phí đến châu Âu
Bán mình cứu gia đình
Theo UNHCR, họ nhận được nhiều báo cáo cho thấy, do hết tiền hoặc bị cướp, nhiều trẻ em phải bán dâm cho những kẻ buôn người để đảm bảo gia đình có thể tiếp tục hành trình tới châu Âu. Những phụ nữ đi một mình cũng gặp nhiều nguy cơ khi băng qua châu Âu trong đêm, dọc các tuyến đường thiếu an toàn hoặc trú tại những nơi nguy hiểm.
Nhiều người trong số họ tìm cách tiếp cận Tây Âu thông qua các nước vùng Balkan, nhưng khi các nước này đóng cửa biên giới để ngăn dòng người di cư, họ phải chọn "tuyến đường phía Bắc" để tới các nước châu Âu lạnh giá hơn. Những trung tâm tiếp nhận người tị nạn quá tải ở đây thường thiếu sáng và thiếu không gian dành cho phụ nữ độc thân hoặc gia đình có trẻ em.
Cơ quan trên đang kêu gọi giới chức châu Âu tiến hành các bước an ninh khẩn cấp, đồng thời cung cấp những điểm tạm trú an toàn cho phụ nữ và các bé gái di cư. UNHCR cũng kêu gọi các nước nhanh chóng tìm các trung tâm thay thế để trẻ em tạm trú và không để xảy ra tình trạng ly tán trong các gia đình.
Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và ba nước Albania, Serbia và Macedonia đã cam kết thành lập 100.000 điểm tiếp nhận dọc tuyến đường trên. Trong kế hoạch 17 điểm, các nước cam kết không để người di cư đi qua nước láng giềng mà không có sự chấp thuận trước.
Cuộc sống “không ngày mai” của các em
Không có giấy phép cư trú, không có cơ hội đến trường và phải làm việc nặng để phụ giúp gia đình khi mới vài tuổi là những gì mà trẻ em tị nạn người Syria đang đối mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ. "Vedat... Serkan... Sefa... Emre," cậu bé 8 tuổi người Syria đếm tên những người bạn Thổ Nhĩ Kỳ bằng các ngón tay với giọng điệu tự hào khi cùng cha hòa mình trong không khí lễ hội ở quận Esenyurt, Istanbul.
Bé gái Syria chạy nạn cùng gia đình. |
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Mohammed làm phiên dịch cho cha mẹ và cậu em trai 6 tuổi. Sau hai năm sang đất nước này để thoát khỏi chiến tranh, người thân của cậu vẫn dùng tiếng Arab và chưa thành thạo ngôn ngữ địa phương. "Cháu thích Thổ Nhĩ Kỳ vì ở Syria có chiến tranh. Ở đây, cháu cảm thấy an toàn. Nhưng cháu chưa bao giờ được đến trường. Cháu muốn đến trường đi học" - Mohammed bẽn lẽn nói.
"Khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi sẽ trở về Syria. Sang châu Âu không hề dễ dàng", Hussein, cha của Mohammed nói.
Như bao bạn bè cùng trang lứa ở Esenyurt, nơi cung cấp thị trường lao động cho các nhà máy sản xuất quần áo, giày dép và đồ trang sức, Hali, 15 tuổi, phải đi làm để phụ giúp gia đình. Nhưng sau hai tháng làm công nhân may giày, cậu phải bỏ vì ông chủ không chịu trả 1.250 lira (hơn 400 USD) tiền lương. "Cháu không thể báo cảnh sát vì không có giấy phép cư trú", Hali tâm sự trong lúc ngồi chờ súp và bánh mì.
"Nơi này cũng giống như ở nhà vậy. Nó cũng là một cuộc chiến. Người Thổ Nhĩ Kỳ không muốn chúng tôi ở đây", một người đàn ông lớn tuổi nói theo. Sau vài tháng hay thậm chí vài năm làm khách ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không có quyền đi làm hay hạn chế tiếp cận các dịch vụ cơ bản, ngày càng nhiều người Syria có cảm giác đó.
Sự thờ ơ trước tình cảnh của người tị nạn có thể thấy ngay trên con đường Istiklal Caddesi đông đúc ở Istanbul, khi những người mua hàng không mảy may đoái hoài một đứa bé Syria đang cuộn mình trước cửa hàng quần áo bên cạnh khay đựng tiền xu. "Số tiền này sẽ an toàn hơn khi em trai cháu cầm", người anh vừa nói vừa kéo chiếc áo phông để lộ những vết thương trên ngực vì bị cướp tấn công. Thất vọng vì bị đối xử như công dân hạng hai, nhiều người phải tị nạn trong khi chờ chiến tranh kết thúc đang dành dụm tiền để những tay buôn người giúp họ qua Địa Trung Hải sang châu Âu.
"Mong muốn của các gia đình người Syria là sống an toàn, có công việc ổn định để nuôi con, cho chúng đi học, được chăm sóc y tế và có một tương lai tốt đẹp", Philippe Duamelle, đại diện Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Thổ Nhĩ Kỳ, nói. Giúp trẻ tị nạn được tiếp cận giáo dục là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Ankara và các nước châu Âu.
Trong 600.000 trẻ em Syria ở độ tuổi đến trường tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, chỉ khoảng một phần ba đi học. Các bậc phụ huynh cho biết, có rất nhiều trở ngại khi đăng ký cho con đến trường, trong đó có giấy phép cư trú. Với khoản tài trợ 12,5 triệu euro (14 triệu USD) của Liên minh châu Âu (EU), UNICEF dự định xây thêm nhiều trường học cho trẻ em tị nạn cũng như mở rộng các cơ sở giáo dục hiện có.
Mohammed hy vọng sớm được đi học. Lớn lên, cậu mơ ước nối nghiệp thợ may giống cha mình. "Không phải thợ may, ta muốn con trở thành bác sĩ hoặc luật sư", ông Hussein nói với con. "Nguy cơ hiện nay với cộng đồng quốc tế là phải chứng kiến một thế hệ mất mát của Syria. Điều đó sẽ rất đáng sợ và để lại hậu quả tai hại không chỉ cho chính những đứa trẻ, mà còn với Syria, Trung Đông và xa hơn thế nữa", Duamelle cảnh báo.