Trao “quyền cảnh sát” cho cảnh sát nhà thờ

Thứ Tư, 26/07/2017, 10:11
Một trong những lực lượng cảnh sát được xem là lâu đời nhất thế giới đã được quyền bắt giữ phạm nhân lần đầu sau 80 năm.


Cảnh sát nhà thờ York Minster của Anh cũng giống như Đội vệ binh Thụy Sĩ bảo vệ thành phố Vatican - sẽ được giao quyền hạn tương tự như các viên chức cảnh sát thông thường từ mùa xuân năm nay.

8 cảnh sát của nhà thờ này được thành lập từ lực lượng cảnh sát tư nhân, họ được đào tạo như cảnh sát chuyên nghiệp và thực thi nghĩa vụ trong phạm vi nhà thờ.

Những cảnh sát này sẽ được quyền mang theo một cây baton và bắt những kẻ trộm cắp hay gây rối trong khuôn viên của ngôi thánh đường nổi tiếng thế giới. Sau đó, họ sẽ giao những đối tượng này cho lực lượng Cảnh sát Bắc Yorkshire của thành phố York để xử lý tiếp.

Cả 8 cảnh sát đều đã trải qua những khóa huấn luyện giống như lực lượng cảnh sát chính quy, và quyền hạn mới của họ đã được chính thức công nhận trong một bản ghi nhớ được ký bởi Tu viện trưởng của York và Cảnh sát trưởng Adam Thompson.

Nhà thờ York Minster và Ðội trưởng Cảnh sát George Morley của nhà thờ vào năm 1912.

Mark Sutcliffe, Đội trưởng bộ phận an ninh của nhà thờ nói: "York Minster là một trong 7 thánh đường trên thế giới còn duy trì lực lượng cảnh sát của mình, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phong phú của nhà thờ Minster hàng trăm năm qua”.

“Sổ ghi nhớ nhiệm vụ là một thỏa thuận chính thức giữa nhà thờ và Cảnh sát Bắc Yorkshire xung quanh trách nhiệm quản lý hoạt động trong nhà thờ và khu vực lân cận. Việc đào tạo và trao chứng nhận mới đảm bảo lực lượng cảnh sát của chúng tôi có những kỹ năng và năng lực chuyên nghiệp cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình".

Được thành lập vào thế kỷ 13 vào thời của Vua Edward I, Cảnh sát Nhà thờ York Minster đã từng là tiền thân của lực lượng cảnh sát hiện đại do Sir Robert Peel thành lập năm 1829. Đây cũng được xem là lực lượng cảnh sát lâu đời nhất trên thế giới.

Nhà thờ thánh Peter ở Roma được bảo vệ bởi các vệ binh người Thụy Sĩ.

Cảnh sát Nhà thờ York Minster đã tuyên thệ nhậm chức và thực thi pháp luật trong khuôn viên nhà thờ mãi đến những năm 1930, sau đó họ không còn quyền được bắt giữ nữa.

Sự thay đổi này được thực hiện bởi vì tu viện trưởng đã lo ngại rằng các nhân viên của họ không còn được Cảnh sát thành phố York hỗ trợ trong thời điểm khủng hoảng vì khủng bố gia tăng và nhà thờ không còn được sự bảo vệ đầy đủ.

Trước đây, mặc dù chỉ có ít quyền dân sự, nhưng Cảnh sát Nhà thờ York Minster vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nhà thờ, dù họ không còn được quyền bắt giữ.

Đặt biệt là vào đêm 9-7-1984, họ đã lập được chiến công hiển hách vì nhanh chóng báo động có lửa cháy, khi sét đánh vào mái nhà của cánh cổng phía nam nhà thờ. Nếu không có họ, có lẽ ngôi thánh đường nguy nga tráng lệ đã cháy thành tro. Dù vậy, cuộc hỏa hoạn cũng gây thiệt hại hàng triệu bảng Anh.

Cuộc hỏa hoạn tiếp theo vào ngày 31-12-2009, cũng được nhanh chóng dập tắt nhờ tinh thần chiến đấu cao của lưc lượng cảnh sát này.

Hiện nay, vẫn còn 6 nhà thờ khác sở hữu lực lượng cảnh sát riêng là Giáo đường Anglican ở Liverpool, Đại giáo đường Canterbury ở thành phố Kent phía đông nam nước Anh, các nhà thờ chính tòa của Giáo hội Anh Hereford và Chester, Đại giáo đường (hay Vương cung Thánh đường) St Peter ở Rome (Ý) và Nhà thờ quốc gia Washington (Washingtons National Cathedral) ở Mỹ.

Nhà thờ thánh Peter ở Roma được bảo vệ bởi các vệ binh người Thụy Sĩ, họ cũng chịu trách nhiệm bảo vệ Đức Giáo Hoàng.

Hoa Nam (Theo the Express)
.
.
.