Tranh cãi về lệnh cấm của Anh-Mỹ đối với Công ty ZTE

Thứ Hai, 23/04/2018, 13:59
Giới chuyên môn và dư luận đang bàn luận xung quanh quyết định hôm 16-4 của Bộ Thương mại Mỹ khi cấm các công ty xứ sở cờ hoa xuất khẩu những mặt hàng công nghệ cho ZTE - công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc trong 7 năm. Lệnh cấm này đồng nghĩa với việc ZTE sẽ không thể tiếp tục nhập linh kiện từ Mỹ để lắp đặt cho sản phẩm của mình. 


Ngay sau khi quyết định kể trên công bố, giá cổ phiếu của ZTE tại Thâm Quyến và Hongkong (Trung Quốc) đã sụt giảm một nửa. Lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ được đưa ra sau khi một số Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa đề xuất dự luật ngăn chặn chính phủ mua hoặc thuê thiết bị viễn thông từ ZTE và Tập đoàn viễn thông Hoa Vi, do lo ngại họ do thám quan chức Mỹ. 

Được biết, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) Mỹ Ajit Pai từng cảnh báo việc này. Trước đó (tháng 2-2018), trong phiên điều trần tại Ủy ban Tình báo Thượng viện, Giám đốc FBI Chris Wray cũng khuyến cáo không nên sử dụng sản phẩm của Hoa Vi và ZTE.

Lời cảnh báo sẽ ảnh hưởng tới các nỗ lực của ZTE trong việc bán cơ sở hạ tầng và các thiết bị 5G.

Theo ông Douglas Jacobson, luật sư kiểm soát xuất khẩu đại diện cho những công ty cung cấp linh kiện cho ZTE, lệnh cấm bất thường này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực. Bởi ZTE bán thiết bị điện thoại cho nhiều hãng điện thoại di động của Mỹ như AT&T, T-Mobile và Sprint. Và ZTE sử dụng linh kiện từ các công ty của Mỹ như Qualcomm, Microsoft và Intel để phục vụ cho sản xuất của mình. 

Theo giới truyền thông, Bộ Thương mại Mỹ đã cáo buộc ZTE vi phạm các điều khoản thi hành án phạt từ một tòa án Mỹ đối với hành vi bán hàng cho Iran và CHDCND Triều Tiên bất chấp các lệnh trừng phạt. Được biết, cơ quan chức năng Mỹ phát hiện ZTE có hành vi gian dối trong việc thi hành án phạt mà Tòa án liên bang tại bang Texas đưa ra hồi tháng 3-2017 sau khi kết luận công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc xuất khẩu bất hợp pháp các hàng hóa cho Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. 

Theo đó, ZTE phải chịu mức phạt lên tới 1,2 tỷ USD, và đây là mức cao nhất trong lịch sử các vụ xét xử vi phạm quy định xuất khẩu tại Mỹ. Cùng với khoản tiền phạt kể trên, ZTE còn bị yêu cầu phải sa thải 4 nhân viên cấp cao có liên quan, 35 nhân viên khác bị xử lý với các hình thức từ cắt giảm thưởng tới khiển trách. Theo giới truyền thông, ZTE đã nhận tội tại Tòa án liên bang ở Texas và chấp thuận trả 890 triệu USD tiền phạt, và hơn 300 triệu USD thời gian tới.

Hơn 2 năm trước (tháng 3-2016), cơ quan chức năng Mỹ lần đầu tiên công khai mở cuộc điều tra nhắm vào ZTE. Bởi theo cáo buộc trước đó, từ năm 2010 tới tháng 3-2016, ZTE đã thực hiện hàng trăm vụ vận chuyển hàng hóa của Mỹ tới Iran và CHDCND Triều Tiên và sử dụng nhiều biện pháp gian lận để che đậy hành vi này.

Cựu Thứ trưởng Bộ thương mại Mỹ Eric Hirschhorn cho rằng, nếu ZTE không đủ khả năng giải quyết vấn đề kể trên, họ sẽ bị loại khỏi thị trường. Và khi đó nhiều ngân hàng và công ty bên ngoài nước Mỹ cũng sẽ không muốn làm ăn với họ. Theo giới chuyên môn, ZTE là hãng cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ 4 tại thị trường Mỹ, chiếm 7% thị phần, sau Apple, Samsung và LG Electronics. 

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà cung cấp dịch vụ internet không dây ở Mỹ (CTIA), Trung Quốc đang dẫn trước Hàn Quốc và Mỹ trong cuộc đua phát triển mạng không dây 5G.

Cùng thời điểm Bộ Thương mại Mỹ công bố lệnh cấm đối với ZTE, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia (NCSC) của Anh cũng xác nhận đã đưa ZTE, một trong những công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc vào sổ đen. Theo khuyến cáo của NCSC, việc sử dụng các thiết bị và dịch vụ của ZTE có thể gây nguy hại tới an ninh quốc gia.

"Việc đưa ra những nguy cơ gây hại cho an ninh quốc gia của Anh là hoàn toàn thích hợp và cũng là một phần bổn phận của NCSC, và chúng tôi đưa ra những khuyến cáo dựa trên chuyên môn kỹ thuật của mình. NCSC coi những rủi ro an ninh quốc gia phát sinh từ việc sử dụng các thiết bị hoặc dịch vụ của ZTE trong hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông hiện nay của Anh là điều không thể coi nhẹ", Tiến sỹ Ian Levy, Giám đốc kỹ thuật của NCSC nhấn mạnh. Hãng viễn thông quốc gia Anh BT đã thiết lập quan hệ hợp tác với ZTE từ năm 2011 và đã phân phối linh kiện do công ty này sản xuất.

Ngày 17-4, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc đã hối thúc Mỹ tạo lập một môi trường chính sách và pháp lý ổn định, công bằng cho các doanh nghiệp nước này. Đồng thời giải quyết vấn đề một cách hợp lý, phù hợp với các nguyên tắc và luật pháp. Theo người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc, ZTE hiện có sự hợp tác thương mại và đầu tư sâu rộng với hàng trăm công ty Mỹ, tạo ra hàng chục nghìn việc làm tại Mỹ.
Nhiệm Bình
.
.
.