Tranh cãi về cần sa và thuốc gây nghiện ở Mỹ

Thứ Tư, 10/01/2018, 14:44
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tuyên bố, sẽ siết chặt việc thực thi luật về cần sa sau khi các cửa hàng bán ma túy ở bang Califonia mở cửa kinh doanh từ ngày 1-1-2018.


Không những là người kiên quyết chống việc hợp pháp hóa, ông Jeff Sessions còn so sánh cần sa với heroin và coi đó là một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng bạo lực ở Mỹ. 

Giới chuyên môn coi việc hợp pháp hoá cần sa để sử dụng vào mục đích giải trí tại California (bang lớn nhất nước Mỹ), cùng 7 bang khác và Thủ đô Washington có thể làm tăng căng thẳng giữa các quan chức thực thi luật về ma tuý cấp bang và liên bang. 

Bên cạnh đó, sử dụng cần sa vì mục đích y tế cũng là hợp pháp tại 29 bang và Thủ đô Washington. Theo giới truyền thông, ông Jeff Sessions sẽ cho phép công tố viên liên bang ở các bang kể trên quyết định sẽ áp dụng các luật về ma túy nghiêm tới mức độ nào. 

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Kirsten Gillibrand coi quyết định hôm 4-1 của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions có thể khiến bệnh nhân không thế tiếp cận và sử dụng cần sa để điều trị y tế. 

Theo kết quả các cuộc thăm dò mới đây cho thấy, đa số người dân Mỹ ủng hộ việc hợp pháp hoá cần sa.Những người ủng hộ coi Califonia sẽ là thị trường lớn nhất thế giới về kinh doanh cần sa vào mục đích giải trí. 

Theo thông tin của tờ Business Insider, những người ngoài 21 tuổi đều có thể mua 1 ounce (hơn 28 gram) cần sa và có thể trồng tới 6 đơn vị của loại cây này mà  không cần  bác sĩ cho phép. Nhưng để bán cần sa, cần có giấy phép đặc biệt và hoạt động trong thời gian nhất định - từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau không được mua bán chất ma túy này.

Nhiều chế phẩm từ cần sa được bày bán tại tiệm thuốc Harborside.

Theo giới truyền thông, hàng trăm người đã xếp hàng chờ trước các cửa hàng và tiệm thuốc khi bang Califonia cho phép bán cần sa phục vụ giải trí từ ngày 1-1-2018, nhằm mở rộng thị trường có mức tăng trưởng dự kiến lên tới 7 tỷ USD/năm vào năm 2020. 

Nhiều chế phẩm từ cần sa cũng được bày bán tại các cửa hàng và tiệm thuốc. California đã ra lệnh cấm mua bán cần sa từ năm 1913 dù đã nới lỏng các hình phạt hình sự vì sử dụng loại ma túy này trong thập niên 1970 và là bang đầu tiên ở Mỹ cho phép bán cần sa với mục đích y tế vào năm 1996. Nhưng bang Colorado mới đi vào lịch sử khi lần đầu tiên cho phép buôn bán hợp pháp cần sa tại các cửa hàng được cấp giấy phép. 

Theo đó, người dân sống tại Colorado có thể mua tối đa 28,3 gram cần sa, còn cư dân của các bang khác chỉ được mua 7,3 gram. Và khoảng 30 cửa hàng tại bang Colorado đã mở cửa bán cần sa kể từ ngày 1-1-2014. 

Hơn 10 ngày trước (26-12-2017), tạp chí của Hiệp hội y khoa Mỹ công bố 1 nghiên cứu mới nhất, theo đó hơn 1/5 thanh thiếu niên Mỹ (sau khi khảo sát 279.457 phụ nữ trong tuần thứ 8 mang thai) sử dụng cần sa trong khi mang thai. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, số lượng phụ nữ tự nhận đã dùng cần sa khi mang bầu tăng từ 2,4% năm 2009 lên 3,9% năm 2016 và việc này tập trung đáng kể đối với chị em dưới 25 tuổi. Bên cạnh đó, xu hướng lạm dụng thuốc (nhất là thuốc giảm đau) tăng ở mọi lứa tuổi.

Động thái kể trên diễn ra trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang tranh cãi về việc sử dụng và cung cấp Opioid (thuốc giảm đau chứa chất gây nghiện, trong đó có fentanyl) ở Mỹ và Trung Quốc. "Khó khăn lớn nhất trong việc kiểm soát Opioid của Trung Quốc chính là nhu cầu lớn của Mỹ đối với loại thuốc này. 

Thị trường ở Mỹ lớn, và các phần tử buôn bán đã sử dụng mọi thủ đoạn để cung cấp Opioid", ông Vu Hải Bân, quan chức của Ủy ban Chống ma túy quốc gia Trung Quốc tuyên bố hôm 29-12-2017. Đồng thời đề nghị Mỹ nên hành động để giảm nhu cầu sử dụng Opioid ở nước này, thay vì chỉ trích Trung Quốc là nguồn cung cấp chính. 

Trước đó (tháng 11-2017), ông Ngụy Hiểu Quân, Phó Tổng thư ký Ủy ban Chống ma túy quốc gia cho biết, Bắc Kinh không phủ nhận một số lượng lớn fentanyl sản xuất ở Trung Quốc đã bị đưa sang Mỹ, nhưng không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc là nguồn cung cấp chính của loại chất này. Và nhấn mạnh, Trung Quốc đã đưa fentanyl và những hợp chất có liên quan vào danh sách các chất bị kiểm soát.

Tờ The Washington Post vừa dẫn số liệu thống kê của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Mỹ - tuổi thọ trung bình của người Mỹ hiện thấp hơn so với công dân ở những quốc gia OECD. Và 2016 đánh dấu là năm thứ hai liên tiếp tuổi thọ trung bình của người Mỹ giảm - người Mỹ chào đời năm 2015 có thể sống trung bình gần 79 tuổi, trong khi người sinh ra ở các quốc gia OECD có tuổi thọ bình quân tới 81 tuổi. Và thuốc giảm đau là một trong những nguyên nhân làm giảm tuổi thọ trung bình của người Mỹ.
Trọng Hậu
.
.
.