Tranh cãi nảy lửa về nhà tù biệt giam
Công cụ quan trọng ngăn chặn bạo lực trong tương lai?
Theo tờ The Guardian (Anh), Pháp, Bỉ và Hà Lan đang tích cực triển khai các khu biệt giam phần tử bị nghi ngờ hoặc kết tội khủng bố để ngăn chặn các hoạt động cực đoan có thể xảy ra. Tại Bỉ, khoảng 35 người bị giam giữ theo cách này. Những người bị giam giữ phải ở trong phòng giam 23 giờ mỗi ngày và chỉ được phép đi ra khu vực công cộng 1 giờ/ngày.
Hiện ở Bỉ có bốn khu vực biệt giam các nghi can khủng bố và dự kiến, các khu biệt giam sẽ được tăng cường đầu tư xây dựng trong tương lai. Chưa có thống kê đầy đủ số lượng các nghi phạm khủng bố đang bị biệt giam ở Pháp và Hà Lan. Được biết, Pháp đã thành lập một số đơn vị chuyên trách giam giữ các phần tử cực đoan.
Khu vực biệt giam tại nhà tù Sante, Paris. |
Biệt giam không phải là biện pháp được sử dụng ở Châu Âu lần đầu và cũng không phải là biện pháp được sử dụng riêng cho phần tử khủng bố. Tuy nhiên, sau cuộc tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở thủ đô Paris (Pháp) vào hồi tháng 1/2015, các quan chức Châu Âu xác định, giam giữ cô lập là một công cụ quan trọng ngăn chặn bạo lực trong tương lai.
Vào thời điểm đó, một bản ghi nhớ nội bộ do Tổng giám đốc dịch vụ nhà tù Bỉ ban hành nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động ngăn chặn sự "lây lan" tư tưởng cực đoan. "Những tù nhân bị bắt giữ vì hành vi khủng bố phải được đặt ngay trong tình trạng cô lập có thể kéo dài trong một tháng", một đoạn trong bản ghi nhớ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, số lượng người bị biệt giam ở châu Âu vẫn còn ít so với Mỹ. Ở Mỹ, có đến 100.000 người bị giam giữ trong các phòng giam biệt lập, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác trên thế giới. Gần đây, Chính quyền Mỹ từng lên tiếng về việc giảm sử dụng các phòng biệt giam ở Mỹ.
Những quan điểm trái chiều
"Tôi rất lo ngại về biện pháp cô lập những phần tử khủng bố và thành lập đơn vị đặc biệt để cô lập họ. Nhiều vấn đề nhân quyền đang đặt ra", Sharon Shalev, một chuyên gia luật học tại Đại học Oxford nói. Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng, việc biệt giam sẽ gây hậu quả tâm lý nặng nề và ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của tù nhân.
Bên cạnh đó, tù nhân có thể bị tra tấn hoặc ngược đãi. "Cô lập giam giữ có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn. Chính việc giam giữ cô lập có thể kích động thêm tư tưởng cực đoan. Việc loại bỏ hoàn toàn thông tin liên lạc giữa các tù nhân là không thể", một nhà hoạt động nhân quyền giấu tên cho biết.
Luật sư Nicolas Cohen, Phó Chủ tịch cơ quan giám sát các vấn đề trong nhà tù (OIP) đã tiến hành nghiên cứu việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế và pháp luật về quyền con người trong các nhà tù.
Theo Nicolas Cohen, những nghi phạm khủng bố bị giam giữ trong phòng giam có sự bảo vệ nghiêm ngặt và "các tù nhân bị kích động, thường xuyên phải nói chuyện với các bức tường". "Khi bị giam giữ trong điều kiện bình thường, các tù nhân vẫn có thể nghe thấy âm thanh từ các phòng giam khác, nhưng trong phòng biệt giam thì không có tiếng ồn và cảm giác như vậy", Cohen cho phóng viên tờ The Guardian biết qua một bài viết gửi qua email.
Marie Cretenot, một luật sư người Pháp cho rằng, giam giữ cô lập lâu dài có thể vi phạm quyền con người. Một số luật sư ở Bỉ và Pháp cũng nói rằng, tù nhân bị thiếu ngủ vì những đợt kiểm tra hàng đêm. Nhà hoạt động nhân quyền Seebregts nhận định: "Chính phủ đang dùng biện pháp vì mục đích chính trị nhưng không hữu hiệu để kết thúc vấn đề khủng bố. Để ngăn chặn bạo lực, Chính phủ cần có nhiều giải pháp giải quyết bất bình đẳng xã hội và có chính sách đối ngoại đúng đắn".
Trước chỉ trích của các luật sư và nhà hoạt động nhân quyền, Kathleen Van De Vijver, một phát ngôn viên của nhà tù ở Bỉ nói rằng, các tù nhân biệt giam được bảo vệ nghiêm ngặt và thường xuyên được các bác sĩ, trong đó có cả bác sĩ tâm thần thăm khám.
Đồng thời, tù nhân cũng có thể gửi kiến nghị đến các quan chức đề nghị cải thiện điều kiện sống trong nhà tù. Một số người cho rằng, các tù nhân đã phóng đại sự ngược đãi vì mục đích chính trị. Trong khi đó, Bộ Tư pháp của Pháp không đưa ra bất cứ bình luận gì về vấn đề trên.