Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bị nghe lén

Thứ Hai, 29/02/2016, 10:28
"Những cuộc gặp riêng của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về cách cứu hành tinh thoát khỏi biến đổi khí hậu đã bị nghe lén bởi một quốc gia có ý định bảo vệ những công ty dầu mỏ lớn nhất của họ", nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange tuyên bố và được hãng RT dẫn lại hôm 23-2.


Theo đó, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã nghe lén các cuộc gặp cấp cao về biến đổi khí hậu, kinh tế toàn cầu và thậm chí là "cách đối phó với Tổng thống Mỹ Barack Obama". NSA đã nghe lén cuộc gặp giữa ông Ban Ki-moon với Thủ tướng Đức Angela Merkel khi 2 người thảo luận về biến đổi khí hậu.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.

Theo ông Julian Assange, Mỹ từng ký thỏa thuận với Liên hợp quốc, sẽ không nghe lén cơ quan này, đặc biệt là Tổng thư ký. "Chờ đợi phản ứng từ Liên hợp quốc sẽ rất thú vị bởi nếu Tổng thư ký bị nhắm tới mà không gặp hậu quả thì tất cả mọi người, từ lãnh đạo thế giới đến người quét rác, đều gặp nguy hiểm", nhà sáng lập WikiLeaks nhấn mạnh.

Và những tài liệu vừa được WikiLeaks công bố cũng cho thấy, NSA đã nghe lén nhiều cuộc hội đàm, gặp gỡ của một số lãnh đạo thế giới như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi, Bộ trưởng Thương mại các nước chủ chốt trong Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản về "giới hạn đỏ thương mại"... Tiết lộ kể trên diễn ra sau khi nhà sáng lập Wikileaks được Tổng Thư ký Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) Ernesto Samper vừa ra lời kêu gọi Thụy Điển, Anh và Ecuador nhanh chóng đạt thỏa thuận để trả tự do cho ông Julian Assange.

Mạng lưới do thám toàn cầu ECHELON của NSA.

Và cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, người đang sống lưu vong ở Nga, sau khi tiết lộ những bí mật động trời của NSA, cũng vừa tuyên bố (21-2) sẽ trở về Mỹ nếu Washington đảm bảo xét xử công bằng. Ngày 23-2, Bộ Ngoại giao Italia đã triệu Đại sứ Mỹ tại Rome John Phillips tới để chất vấn về việc NSA từng nghe lén điện thoại của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi.

Trong khi đó, Ủy ban Tình báo của Hạ viện Mỹ đang nghiên cứu bản báo cáo cho rằng, NSA đã tiến hành thu thập thông tin tình báo giữa Chính phủ Israel với các thành viên trong Quốc hội Mỹ. Bởi theo tờ Wall Street Journal (số ra ngày 29-12-2015), NSA đã do thám Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong quá trình nhà lãnh đạo này vận động Quốc hội Mỹ không ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Hạ nghị sỹ Devin Nunes, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ và Thượng nghị sỹ Richard Burr, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đều cho rằng, họ quan tâm đặc biệt tới cáo buộc về những hành động sai trái.

Được biết, NSA đã thu thập các nội dung mang tính đối thoại riêng tư giữa các quan chức Israel với các nghị sỹ Mỹ và cộng đồng người Do Thái tại Mỹ. Điều đáng nói là luật pháp Mỹ không cho phép tiến hành do thám nghị sỹ Mỹ, nhưng Nhà Trắng "vẫn để NSA tự quyết định những gì họ muốn chia sẻ, cũng như những gì họ muốn thu thập".

Do đó, một khi danh tính của một nghị sỹ được đề cập trong báo cáo trình Nhà Trắng, NSA có trách nhiệm gửi các thông tin này đến các Ủy ban Tình báo của Quốc hội Mỹ. Thượng nghị sỹ Rand Paul từng coi vụ việc kể trên là minh chứng cho thấy, phải cải tổ NSA. Trong khi đó, Yedioth Ahronoth, tờ báo bán chạy nhất tại Israel cho rằng, NSA và Cơ quan tình báo Anh (GCHQ) đã do thám các hoạt động của không quân Israel đối với Dải Gaza, Syria và Iran. Và những hoạt động này được đặt mật danh là Anarchist.

Theo giới truyền thông, kể từ ngày 29-11-2015, NSA phải chấm dứt chương trình thu thập dữ liệu điện thoại quy mô lớn, thay thế bằng các phương thức mới và khi đó Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài (FISC) sẽ cấp phép theo dõi dữ liệu cuộc gọi của một cá nhân hay nhóm người bị tình nghi thông qua các nhà mạng trong thời hạn tối đa không quá 6 tháng.

Và NSA đã quyết tâm cải tổ - thành lập Cục Hoạt động trên cơ sở sáp nhập Cục Tình báo Tín hiệu (SID) và Cục Bảo mật thông tin (IAD). "Cách tiếp cận truyền thống của chúng ta khi lập ra hai cơ cấu xuất sắc và sau đó dựng lên các bức tường đá hoa cương giữa chúng thực sự không còn là cách chúng ta thực hiện công việc", Giám đốc NSA Michael Rogers tuyên bố như vậy khi đề cập tới kế hoạch cải tổ NSA.

Bởi theo ông Michael Rogers "NSA phải phẳng, phải linh hoạt". Giám đốc NSA cũng miêu tả sự thay đổi hiện nay là một trong những thay đổi toàn diện nhất tại NSA kể từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Và ông Michael Rogers thích kỹ năng chuyên môn, thích mọi người làm việc cùng nhau, muốn sự liên kết ở một mức độ thấp, nhưng có tính nền tảng nhiều hơn.

Giám đốc Truyền thông chiến lược tại NSA Jonathan Freed cho rằng, NSA phải tiếp tục là cơ quan tình báo tín hiệu lớn bởi luôn đối mặt với các mối đe dọa phức tạp...

Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.