Tổng thống Syria sẽ có hồi kết giống cố Tổng thống Lybia?

Thứ Hai, 13/02/2012, 15:50

Những diễn biến đang diễn ra tại Syria khiến dư luận trong và ngoài khu vực quan ngại, nhất là sau khi người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho rằng “Tổng thống Bashar al-Assad đang mất quyền kiểm soát đất nước”. Tin này xuất hiện sau khi Tổng thống Bashar al-Assad đập tan một âm mưu đảo chính và tử hình Đại tá Hussein Harmush, người sáng lập quân đội giải phóng Syria (FSA).

Gia đình Tổng thống muốn đào tẩu khỏi Syria?

Ngày 30/1, Tổng thống Bashar al-Assad quyết định rút lực lượng Vệ binh Cộng hòa Syria và sư đoàn thiết giáp số 4 do em trai Maher al-Assad chỉ huy cùng với sư đoàn thiết giáp 1, 3 và 9 về Damascus để tăng cường phòng bị ở thủ đô. Cũng trong ngày 30/1, quân đội chính phủ đã tái chiếm nhiều vùng ngoại ô thủ đô Damascus từ tay lực lượng nổi dậy.

Tờ The Jerusalem Post đưa tin, các tay súng chống đối đã ngăn chặn thành công cuộc đào tẩu của người thân Tổng thống Bashar al-Assad cho dù lực lượng an ninh Syria cố gắng giúp họ rời khỏi Damascus tối 29/1. Việc này diễn ra sau khi ông Haitham Maleh, thành viên ban điều hành Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), tổ chức đối lập đang muốn lật đổ ông Bashar al-Assad cảnh báo, Tổng thống Syria cùng vợ con sẽ có kết cục giống như gia đình cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi.

Giới truyền thông từng đưa tin, người thân Tổng thống Bashar al-Assad đang cố gắng bán tháo bất động sản trị giá hàng chục triệu USD tại Anh để “đề phòng rơi vào tình cảnh của Libya”. Trong số tài sản kể trên đáng chú ý nhất là dinh thự trị giá 16 triệu USD tại Mayfair do ông Rifaat al-Assad, chú của Tổng thống Bashar al-Assad sở hữu. Ngoài ra, việc bán tháo tài sản ở một số quốc gia khác cũng được vợ con Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành.

Đại tá Hussein Harmush trở thành sĩ quan quân đội đầu tiên của Syria công khai tuyên bố chống lại Tổng thống Bashar al-Assad sau khi sang tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 6/2011. Việc thành lập FSA hồi tháng 7/2011 dưới sự lãnh đạo của Đại tá Riyadh al-Asaad cho thấy phe đối lập quyết tâm lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad bằng biện pháp quân sự. Ông Riyadh al-Assad cũng cho biết, FSA hiện có khoảng 20.000 tay súng và kêu gọi các nước cung cấp vũ khí cho FSA để họ có thể sớm lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Người chú đang sống lưu vong Rifaat al-Assad của ông Bashar al-Assad cũng cho rằng, Tổng thống Syria phải từ chức ngay để quốc gia này không bị rơi vào vòng xoáy của nội chiến. Ngày 25/11/2011, FSA đã bất ngờ tấn công căn cứ không quân ở thành phố Homs và Palmyra khiến ít nhất 10 binh sĩ, trong đó có 6 phi công thiệt mạng. Syria coi đây là bằng chứng của sự can thiệp từ bên ngoài và hỗ trợ của các hoạt động khủng bố nhằm làm suy yếu khả năng chiến đấu của quân đội Syria.

Dư luận và giới chuyên môn đặc biệt quan tâm tới tin tức đăng trên tờ nhật báo Milliyet của Thổ Nhĩ Kỳ: quân đội Pháp đang đào tạo các chiến binh nổi dậy ở Syria để chống lại chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Theo đó, Pháp đã gửi lực lượng quân sự tới Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon để huấn luyện cho các tay súng của FSA. Được biết, Pháp, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận trong việc chuyển vũ khí vào Syria cho FSA.

Vợ chồng Tổng thống Bashar al-Assad.

Giới truyền thông đưa tin, SNC và tổ chức Anh em Hồi giáo Syria cũng đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập một vùng cấm bay tại khu vực miền Bắc Syria, nơi đang xảy ra các vụ đụng độ đẫm máu giữa quân đội chính phủ với lực lượng chống đối. Thủ lĩnh lưu vong của tổ chức Anh em Hồi giáo Syria Mohammad Riad Shakfa cho rằng, người dân Syria sẽ chấp nhận sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột tại Syria hơn là phương Tây, nếu mục đích của hành động đó là bảo vệ người dân. Được biết, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng có cuộc hội đàm với Chủ tịch SNC Burhan Ghalyoun (sống lưu vong ở Pháp) tại Moskva cách đây hơn 1 tháng (15/11/2011).

Phản ứng của Nga

Ngày 31/1, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin tuyên bố, Liên hợp quốc không nên can thiệp vào cuộc xung đột của Syria, đồng thời bác bỏ dự thảo nghị quyết kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lý Bảo Đông cũng mạnh mẽ phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Syria. Cũng trong ngày 31/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov coi việc thúc đẩy thông qua bản dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Syria do Liên đoàn Arab (AL) và phương Tây trình lên là con đường dẫn tới nội chiến tại quốc gia Trung Đông này.

Trước đó (26/1), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng khẳng định, Moskva sẽ nỗ lực ngăn chặn thiết lập vùng cấm bay tại Syria bởi việc này sẽ gây tình trạng bất ổn đối với trật tự thế giới. Theo ông Sergei Ryabkov, khi thực hiện nghị quyết 1970 và 1973 đối với Libya, khái niệm vùng cấm bay đã bị NATO bóp méo - biến thành việc trợ giúp quân sự đối với một bên trong cuộc xung đột.

Ngày 25/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, Moskva sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho Syria, cũng như chỉ trích cả Chính phủ Syria và phe đối lập trong việc lạm dụng vũ lực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nhấn mạnh, Tổng thống Bashar al-Assad có từ chức hay không là vấn đề nội bộ của Syria và Nga sẽ tiếp tục trình dự thảo nghị quyết về Syria lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ngày 12/1, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev từng khuyến cáo về khả năng NATO lên kế hoạch can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria theo kiểu Libya khi muốn thiết lập vùng cấm bay tại Syria. Thủ tướng Nga Putin từng cảnh báo và phản đối mọi hành động can thiệp quân sự kiểu Libya vào Syria - Moskva phản đối mọi nghị quyết yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Nguyên Đại sứ Nga tại NATO Dmitry Rogozin (hiện là Phó Thủ tướng Nga) cũng từng cảnh báo phương Tây không nên can thiệp vào tình hình Syria.

Ngoài việc nhận được sự bảo trợ của Nga, Syria còn nhận được sự trợ giúp mạnh mẽ về mọi mặt của Iran và lực lượng Hezbollah tại Lebanon. Bởi nếu chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ sẽ tác động tiêu cực đến các lực lượng dòng Hồi giáo Shiia thân Iran trong vùng, cũng như ở Lebanon, Iraq và vùng Vịnh. Nếu xảy ra nội chiến ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị ảnh hưởng nhất định bởi nước này đang phải đối mặt với vấn đề người Kurd. Cho tới nay Syria vẫn bác đề xuất của Liên đoàn Arab (AL) về việc thành lập chính phủ liên minh trong vòng 2 tháng để thực hiện chuyển giao quyền lực hòa bình. Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem cáo buộc AL làm tay sai cho một âm mưu can thiệp từ nước ngoài.

Ông Walid al-Moualem cũng tố cáo AL muốn quốc tế hóa các cuộc biểu tình chống chính phủ tại nước này, và coi đây là hành động can thiệp vào công việc nội bộ Syria. Tổng thống Bashar al-Assad từng cáo buộc Liên đoàn Arab đang tạo điều kiện để phương Tây can thiệp quân sự vào Syria và hậu quả sẽ khôn lường.

Can thiệp của phương Tây và Liên đoàn Arab

Người biểu tình tại Syria.

Ngày 31/1, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ kế hoạch của Liên đoàn Arab, trong đó yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức bởi tình trạng bạo lực đang ngày càng leo thang tại Syria đe dọa tới hòa bình và an ninh toàn cầu. Mỹ cũng vừa chất vấn Nga về thương vụ vũ khí với Syria sau khi giới truyền thông dẫn nguồn tin cho biết, hãng cung cấp vũ khí Nga Rosoboronexport tiết lộ, Nga đã ký hợp đồng trị giá 550 triệu USD để bán 36 máy bay Yak-130 cho Syria.

Ngày 25/1, quan sát viên đến từ các quốc gia Arab đã rời Syria sau khi cho rằng, tình trạng bạo lực đẫm máu tại nước này là không ngăn chặn được. Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Nabil al-Arabi từng bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra nội chiến tại Syria (13/1) sau khi uy tín của phái đoàn quan sát viên của Liên đoàn Arab tại Syria bị giảm sút.

Quốc vương Qatar Khalifa al-Thani từng công khai ủng hộ (lần đầu tiên) việc đưa binh sĩ các nước trong khu vực đến Syria để chấm dứt tình trạng bạo lực tại quốc gia này. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng đưa ra sáng kiến nhằm giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng ở Syria. Theo đó, Tổng thống Bashar al-Assad sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử trước thời hạn. Đây được coi là biện pháp làm đẹp lòng tất cả các bên.

Có tin nói rằng, một số nước thành viên UNESCO ủng hộ việc khai trừ Syria khỏi tổ chức này. Đây là đề nghị do Mỹ đưa ra và được Anh, Đức, Pháp và một số nước Arab như Qatar và Kuwait ủng hộ. Dự kiến, đề xuất này sẽ được xem xét trong thời gian từ 27/2 đến 10/3 tại UNESCO. Ngày 25/1, Ngoại trưởng Canada John Baird đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với 4 ngân hàng, 3 công ty dầu mỏ và 22 cá nhân có liên quan tới chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Cách đây gần 2 tháng (12/11/2011), Liên đoàn Arab đã đình chỉ tư cách thành viên của Syria khiến cho tình hình nước này càng bất ổn. Ngày 29/4/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới (phong tỏa tài sản, cấm thực hiện các hoạt động kinh doanh với Mỹ) đối với Syria như Cơ quan Tình báo và một số cá nhân (Sư đoàn trưởng Sư đoàn Thiết giáp số 4 Maher Al-Assad, Giám đốc Cơ quan Tình báo Ali Mamluk, cựu Tỉnh trưởng Daraa Atif Najib).

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng cáo buộc Chính phủ Syria vi phạm nhân quyền sau khi hãng AP cho rằng, đã có khoảng 5.400 người thiệt mạng kể từ khi nổ ra những cuộc biểu tình đòi lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng 3/2011. Tuy nhiên, Damascus tiếp tục khẳng định, tình hình bạo lực tại Syria là do các phần tử khủng bố và những tay súng được bên ngoài hỗ trợ tiến hành

Nguyễn Thị Lân - Lê Chí Thiện
.
.
.