Tổng thống Peru có liên quan tới vụ đào tẩu của doanh nhân Martin Belaude?

Thứ Tư, 03/06/2015, 14:00
Sự có mặt của Tổng thống Bolivia Evo Morales, Bộ trưởng Quốc phòng Reymi Ferreira và Chánh văn phòng nội các Carlos Romero tại lễ trao trả doanh nhân Martin Belaunde cho đại diện Chính phủ Peru chứng tỏ mức độ quan trọng, cũng như nhạy cảm của vụ bắt dẫn độ này. Bởi phe đối lập tại Peru đang cho rằng, Tổng thống Ollanta Humala muốn bao che cho doanh nhân Martin Belaunde bởi họ là bạn thân của nhau… 

Không những bắt và dẫn độ doanh nhân Martin Belaunde cho Chính phủ Peru, cơ quan chức năng Bolivia hôm 30/5 vừa qua còn tuyên án 3 năm tù đối với doanh nhân Rodrigo Quispe, người đã giúp ông Martin Beluande chạy trốn, sau khi được trả 5.000 USD. Ngoài ra, số cảnh sát canh giữ doanh nhân Martin Belaunde và luật sư bảo vệ quyền lợi của nghi can này cũng bị tuyên án.

Tổng thống Evo Morales từng tuyên bố, việc để doanh nhân Martin Belaunde trốn thoát là điều đáng hổ thẹn đối với đất nước. Còn Bộ trưởng Nội vụ Bolivia Hugo Moldiz đã tuyên bố từ chức (26/5) sau khi doanh nhân Martin Belaunde đào tẩu thành công, cho dù đang bị quản thúc. Ông Hugo Moldiz phải ra đi cho dù ngồi ghế Bộ trưởng Nội vụ chưa đủ 6 tháng. Thượng nghị sỹ Carlos Romero, người từng giữ ghế Bộ trưởng Nội vụ trong nhiệm kỳ trước của Tổng thống Evo Morales lại được đề cử thay thế ông Hugo Moldiz đảm trách cương vị này.

Tổng thống Ollanta Humala.

Về phần mình, Bộ trưởng Nội vụ Peru Jose Luis Perez đích thân áp tải doanh nhân Martin Belaunde từ khu vực biên giới với Bolivia trên một chiếc trực thăng về sân bay quân sự ở thủ đô Lima. Ông Jose Perez tuy đánh giá cao sự hỗ trợ của cảnh sát Bolivia trong chiến dịch vây bắt ông Martin Beluande, nhưng không tiết lộ về việc ai đã thông báo nơi nghi can này trốn chạy. 

Cho dù trước đó (28/5), Chính phủ Peru đã thông báo về khoản tiền thưởng trị giá 200.000 USD cho bất cứ cá nhân hay tổ chức nào cung cấp thông tin để bắt doanh nhân Martin Belaunde, người đã đào tẩu sau khi bị chính quyền Lima kết tội tham nhũng, rửa tiền và chạy sang Bolivia (từ tháng 12/2014) xin tị nạn chính trị, nhưng đã bị Chính phủ Bolivia từ chối.

Theo giới truyền thông, việc ông Ollanta Humala trở thành Tổng thống thứ 49 của Peru sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức cách đây gần 4 năm (28/7/2011) có công không nhỏ của doanh nhân Martin Belaunde bởi người này đã đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch truyền thông ủng hộ bạn thân của mình tại 2 cuộc tổng tuyển cử (2006 và 2011). Và ông Martin Belaunde từng được bổ nhiệm làm cố vấn cho Tổng thống Ollanta Humala.

Nhưng trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Peru Pedro Cateriano khẳng định, Chính phủ không có lỗi trong việc để doanh nhân Martin Belaunde trốn thoát, đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc của phe đối lập cho rằng, Tổng thống Ollanta Humala muốn bao che cho kẻ phạm tội. Bởi ông Ollanta Humala không những bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng, Chính phủ lo sợ sự trở về của doanh nhân Martin Belaunde, mà còn cho biết, sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bắt nghi can này về nước trị tội. Có người nói rằng, Đệ nhất phu nhân Nadine Heredia đang lo lắng trước những tin đồn xung quanh vụ bắt giữ doanh nhân Martin Belaunde.

Tên gọi đầy đủ của Tổng thống Ollanta Humala là Ollanta Moises Humala Tasso (sinh ngày 26/6/1962, trong gia đình có bố là Isaac Humala, luật sư người bản địa), người từng phục vụ nhiều năm trong quân đội với quân hàm Trung tá. Vì tham chính khá muộn (năm 2005 thành lập đảng Dân tộc Peru - PNP) nên ông Ollanta Humala đã thất bại trong cuộc bầu cử năm 2006. Nhưng tại cuộc bầu cử năm 2011, ông Ollanta Humala đã giành chiến thắng tại vòng hai với 51,5% số phiếu, vượt qua ứng cử viên Keiko Fujimori, con gái của cựu Tổng thống Alberto Fujimori.

Tuy trở thành Tổng thống, nhưng ông Ollanta Humala cũng không thể can thiệp để em trai Antauro Humala thoát bản án 25 năm vì tội bắt cóc tống tiền 17 sĩ quan cảnh sát và giết 4 người trong số họ.

Theo giới truyền thông, Tổng thống Ollanta Humala đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là các vấn đề xã hội, và đó là một trong những "điểm nhấn" mà phe đối lập nhằm vào để chỉ trích. Một trong những xung đột xã hội xảy ra thời gian qua liên quan đến khai thác khoáng sản và một số dự án dầu khí.

Doanh nhân Martin Belaunde khi bị bắt.

Theo Bộ Năng lượng và Khai khoáng Peru, có hàng chục tỉ USD đầu tư vào dự án khai thác khoáng sản và năng lượng. Người ta không rõ doanh nhân Martin Belaunde có liên quan tới những dự án kể trên hay không bởi cho tới nay thông tin về con người này vẫn được giữ kín. Dư luận chỉ biết, doanh nhân Martin Belaunde đang bị chính quyền Lima kết tội tham nhũng và rửa tiền, nhưng cụ thể với ai, trong lĩnh vực nào và đặc biệt ai đã giúp nghi can này đào tẩu thành công vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

Nhiệm Bình
.
.
.