Tội phạm châu Á đổ xô sang châu Phi sát hại thú quý

Thứ Năm, 28/06/2018, 16:52
Mới đây, William Ngulube trùm săn voi châu Phi ở Kenya bị sa lưới. Hắn chuyên săn voi lấy ngà bán cho các thương nhân châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Theo ước tính, mỗi ngày có khoảng 100 voi châu Phi bị giết để lấy ngà. Mới đây, chính quyền Kenya đã tiêu hủy hơn 100 tấn ngà voi, một động thái nhằm làm chùn bước những kẻ buôn lậu. Đây là đợt tiêu hủy lớn nhất thế giới, chiếm tới 5% tổng số ngà voi toàn cầu.

Săn bắn trái phép ở châu Phi lên mức cao nhất

Cuộc họp Công ước quốc tế về buôn bán các loài động - thực vật nguy cấp (CITES) được tổ chức 2 năm 1 lần diễn ra trong 2 tuần tại Bangkok, Thailand. 

Được ký kết cách đây hơn 40 năm, CITES quy định về việc kiểm soát buôn bán các loài động vật hoang dã giữa các quốc gia, và đã cải thiện được nạn giết hại động vật hoang dã. 

Đầu những năm 1980, những quốc gia theo Công ước CITES đã trừng trị thẳng tay những tên tội phạm buôn bán ngà voi, khiến nạn săn bắn voi và tê giác trái phép đã giảm đi đáng kể ở châu Phi. 

Từ năm 1973 đến năm 2014, số lượng tê giác trắng ở châu Phi từ 2.000 con đã tăng lên hơn 19.000 con, và cứu được nhiều loài động vật hoang dã khác đang có nguy cơ tuyệt chủng nhờ có Công ước quốc tế về cấm buôn bán ngà voi cũng như luật pháp nghiêm khắc ở châu Phi.

Voi bị sát hại lấy ngà ở Kenya.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều loài động vật hoang dã đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Năm ngoái, nạn săn bắn trái phép ở châu Phi đã lên mức cao nhất (số liệu tính từ năm 2002). 

Năm 2011, theo một báo cáo, số ngà voi trái phép bị tịch thu trên toàn thế giới là 38,8 tấn, tương đương với số ngà của hơn 4.000 con voi bị giết. 

Các thành viên của CITES ước tính, khoảng 25.000 con voi bị săn trộm ở châu Phi năm 2011. Năm ngoái, chỉ riêng ở Bắc Á, có khoảng 668 con tê giác bị săn bắn. Nạn buôn bán động vật hoang dã cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ hệ sinh thái. 

Theo một nghiên cứu mới đây được công bố trong Tạp chí trực tuyến truy cập mở PLOS ONE  thì ở Trung Phi, 62% số voi rừng (loài voi được cho là thông minh hơn so với loài voi xa-van châu Phi) đã bị giết hại để lấy ngà trong thập kỷ qua. 

Bà Samantha Strindberg, thành viên của Hội Bảo tồn động vật hoang dã, đồng thời là một trong những người chỉ đạo nghiên cứu trên PLOS ONE cho biết: "Số liệu trên đã khẳng định lại điều mà các nhà bảo tồn học đang lo ngại: loài voi rừng đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, có thể là trong thập kỷ tới".

Nhu cầu cao, luật lỏng khiến tội phạm hoành hành

Nạn săn bắn trái phép do hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là do nhu cầu ngà voi và sản phẩm từ các loài động vật hoang dã càng ngày càng tăng, đặc biệt là ở châu Á, mà cụ thể là Trung Quốc. Ngà voi được sử dụng trong nghệ thuật và làm thuốc tồn tại từ rất lâu ở châu Á. 

Điển hình như tại Việt Nam, sừng tê giác được sử dụng phổ biến làm thuốc chữa bệnh ung thư (khỏi cần phải nói, loại thuốc này không hề có tác dụng). Với sự phát triển của nền kinh tế, người Trung Quốc càng kiếm được nhiều tiền thì những người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra cả đống tiền để mua ngà voi và các chế phẩm từ ngà voi.

Sừng tê giác vẫn được bán công khai tại nhiều nước.
Điều đó cũng có nghĩa là ngà voi càng ngày càng có giá trị, và khi một thứ là hàng cấm, ví dụ như các loại thuốc cấm trở nên đắt đỏ thì loại hàng cấm này càng khiến các nhóm tội phạm quan tâm. 

Ngày càng có nhiều người châu Á sang châu Phi để săn bắn trộm và buôn bán trái phép động vật hoang dã. Theo quan điểm của bọn tội phạm, việc buôn bán động vật hoang dã rất ít khi bị phát hiện và trừng phạt. 

Hình phạt có vẻ như nhẹ hơn so với những người bị kết tội buôn bán ma túy. Những nhân viên bảo vệ động vật hoang dã thường sống tại các nước nghèo ở châu Phi và thường không thắng nổi bọn tội phạm vì thế họ rất dễ nhận hối lộ, hoặc có thể bị giết chết. 

Lượng ngà voi bị tịch thu tăng mạnh trong những năm gần đây là dấu hiệu của các băng nhóm tội phạm lớn đã tham gia buôn bán những món hàng lời lãi này. Chỉ có những bọn tội phạm chuyên nghiệp có mạng lưới trải rộng toàn lục địa mới có thể chuyên chở hàng trăm pound ngà voi trong một chuyến.

Trường Vân
.
.
.