Tổ hợp tên lửa/pháo phòng không Pantsir: Vũ khí vạn năng của Nga

Thứ Hai, 27/05/2019, 07:29
Pantsir-S là một tổ hợp tên lửa/pháo phòng không có khả năng tiêu diệt hầu hết các mục tiêu trên không trong phạm vi ngắn và trung. Đây là một trong những hệ thống phòng không tầm gần tiên tiến nhất của Nga hiện nay.


Tại triển lãm vũ khí MILEX-2019, một trong những triển lãm quốc phòng thường niên lớn nhất Đông Âu vừa được tổ chức tại Thủ đô Minsk của Belarus giữa tháng 5 này với sự tham gia của 30 quốc gia và 170 tập đoàn sản xuất vũ khí, tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir và hệ thống tên lửa Tor là loại vũ khí của Nga được đối tác nước ngoài quan tâm nhất. Đây là tổ hợp pháo phòng không kết hợp với tên lửa bán chạy nhất thế giới và không có đối thủ trên thị trường vũ khí.

Hệ thống tên lửa phòng không "Pantsir-S1" tại Cuộc diễu hành Chiến thắng ở Moskva.

Tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir có thể được bố trí trên mặt đất và trên biển để bảo vệ các cơ sở dân sự và quân sự khỏi tất cả các phương tiện tấn công hiện đại và tiềm năng trong bất kỳ môi trường điện tử vô tuyến và khí hậu nào cả ngày lẫn đêm. Pantsir đối phó các mối đe dọa từ mặt đất và từ mặt biển.

Pantsir-S (NATO gọi là: SA-22 Greyhound) là một tổ hợp tên lửa/pháo phòng không có khả năng tiêu diệt hầu hết các mục tiêu trên không trong phạm vi ngắn và trung. Đây là một trong những hệ thống phòng không tầm gần tiên tiến nhất của Nga hiện nay.

Mỗi tổ hợp phòng không Pantsir-S gồm 2 khẩu pháo phòng không tự động 2 nòng 30mm và các tên lửa đất đối không 57E6 cùng với radar hoặc thiết bị quang học theo dõi mục tiêu và đài chỉ huy vô tuyến. Hiện tại, đây được xem là tổ hợp pháo phòng không kết hợp với tên lửa bán chạy nhất thế giới.

Các tổ hợp phòng không Pantsir-S thường được sử dụng để bảo vệ những khu vực mục tiêu trọng yếu, các điểm dân cư và quân sự, đội hình đơn vị chiến đấu đang cơ động lên tới cỡ trung đoàn hoặc các tổ hợp phòng không khác như S-300/S-400.

Hệ thống Pantsir-S được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu trên không hoặc dưới mặt đất và trong khi di chuyển có khả năng bám sát tới 20 mục tiêu và thực hiện phóng cùng lúc hai tên lửa vào mục tiêu.

Trong khi đó, Tor-M1 là hệ thống tên lửa phòng không đất đối không tự hành có tính năng tiên tiến của Nga. Nó được thiết kế cho nhiệm vụ bảo vệ các lực lượng chiến đấu và tiêu diệt các mục tiêu bay độ cao thấp đến trung bình. Nó có khả năng tác chiến độc lập trong mọi điều kiện thời tiết. Hệ thống này có thể tiêu diệt các mục tiêu là máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, vũ khí điều khiển chính xác, máy bay không người lái và tên lửa đường đạn.

Phiên bản Tor-M2 là hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn được thiết kế nhằm tiêu diệt các mục tiêu bay ở độ cao từ thấp đến trung bình và có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Hệ thống Tor-M2 mới được trang bị tên lửa 9M338. Nhờ kích cỡ của tên lửa 9M338 nhỏ hơn so với loại thuộc phiên bản trước, nên Tor-M2 có thể trữ được 16 tên lửa.

Ông Alexander Mikheev, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Rosoboronexport, cho biết: "Chúng tôi đang tích cực đàm phán cả về việc mua sắm hệ thống tên lửa mới cũng như hiện đại hóa tổ hợp mà các đối tác của chúng tôi đang sở hữu".

Hệ thống tên lửa và pháo phòng không trên hạm tàu Pantsir-ME (CRAW) tại triển lãm vũ khí quốc tế IDEX-2019 Abu Dhabi.

Trả lời Sputnik, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị quân sự tại MGIMO, Tiến sĩ Alexei Podberezkin nói về những ưu thế của Pantsir: "Tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir là hệ thống phòng không tầm ngắn rất hiệu quả cho các mục tiêu bay thấp.

Nếu cuộc tấn công được thực hiện bằng máy bay không người lái, thì việc tiêu tốn tên lửa để bắn rơi nó là không hiệu quả. Trong trường hợp này nên sử dụng pháo. Và để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng hơn nên sử dụng tên lửa".

Theo ông Alexey Podberezkin, Pantsir đã thu lượm những kinh nghiệm bổ ích ở Syria khi bảo vệ các căn cứ của Nga. Sau một số cải tiến, tổ hợp này đã trở thành một loại vũ khí vạn năng. Đây là lợi thế quan trọng nhất của nó, bởi vì vạn năng là một đặc điểm rất hiếm, trên thực tế không thể đạt được.

Đức Quý
.
.
.