Tổ hợp nhà tù được canh phòng nghiêm ngặt nhất nước Mỹ

Chủ Nhật, 28/07/2019, 23:04
Tổ hợp nhà tù Supermax (ADX Florence) có thể giam giữ tới 490 tù nhân bị xếp loại theo sáu cấp độ an ninh và phân khu, cũng như cô lập theo tính chất nghiêm trọng của tội danh. Được mệnh danh là "địa ngục Alcatraz của vùng núi đá", trại Supermax là nơi giam giữ các nam phạm nhân, bao gồm gián điệp và điệp viên hai mang cũng như các tên khủng bố trong và ngoài nước khét tiếng.


Canh gác nghiêm ngặt nhất

Rất ít tù nhân được trả tự do khỏi Supermax. Một trong số đó là Travis Dusenbury, từng ngồi tù 10 năm. Kể về quãng thời gian trong trại giam an ninh bậc nhất nước Mỹ năm 2016, Dusenbury nói: "Bạn bị cắt đứt với thế giới. Chìm trong thứ cảm giác kinh hãi. Nó là nơi khắc nghiệt nhất mà bạn từng thấy. Không có thứ gì sống, ngoài cỏ ở khắp nơi".

Theo ghi chép về nhà tù từ Hội đồng Thông tin hình phạt quận Columbia, trong các khu vực dành cho tù nhân phạm tội nhẹ hơn, các đối tượng được phép ra khỏi phòng giam tối đa 2h/ngày trong tuần. Còn tại các khu vực hạn chế nhất, tù nhân ít tiếp xúc với con người và bị giới hạn tối đa 1 giờ bên ngoài phòng giam mỗi ngày.

Nhà tù Supermax nhìn từ bên ngoài.

Trùm ma túy Mexico Joaquin "El Chapo" Guzman sẽ trải qua cả phần đời còn lại thụ án tại Supermax, bang Colorado - được mệnh danh là nhà tù canh gác nghiêm ngặt nhất Mỹ và chưa từng có tù nhân nào trốn thoát.

Ngày 17-7, Tòa án Mỹ đã kết án tù chung thân cộng thêm 30 năm tù đối với trùm ma túy Mexico Joaquin "El Chapo" Guzman, với loạt tội danh gồm buôn bán cocain, ma túy, rửa tiền, sở hữu vũ khí trái phép và tham gia vào các tổ chức tội phạm, đồng thời đối tượng phải nộp phạt số tiền 12,6 tỷ USD thu được từ các hoạt động phạm pháp. Joaquin "El Chapo" Guzman, 61 tuổi, từng điều hành băng nhóm Sinaloa được biết đến như một đế chế buôn bán ma túy toàn cầu. Năm 2017, El Chapo bị dẫn dộ sang Mỹ để xét xử sau khi bị bắt tại Mexico trước đó một năm.

Sau khi bị bắt và dẫn độ từ Mexico sang Mỹ năm 2017, đối tượng bị biệt giam tại một nhà tù an ninh nghiêm ngặt ở Manhattan. Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), tay trùm tội phạm này sẽ dành cả phần đời còn lại thụ án tại nhà tù Supermax. Cơ sở này được thiết kế để trở thành nhà tù liên bang an toàn nhất Mỹ, nơi phần lớn tù nhân dành 22-23 tiếng đồng hồ một ngày trong phòng giam, không có sự tiếp xúc với con người và  chỉ được phép tiếp cận với ánh sáng mặt trời xuyên qua khe ô cửa sổ vỏn vẹn 10 x 100cm.

Nhà tù trang bị cho phạm nhân một chiếc giường đổ bê tông gắn chặt với sàn, một chiếc bàn và ghế, thiết bị làm từ thép không gỉ có thể sử dụng như bồn rửa và bồn cầu, vòi hoa sen có chức năng tự động tắt và đôi khi là radio hoặc tivi. Các buồng giam được thiết kế dọc một bên của hành lang để ngăn tù nhân nhìn thấy nhau. Một số tù nhân được phép làm đồ thủ công và có thể nhận giấy, bút chì, phấn màu, bút màu, cũng như móc sợi hay nhựa để đan móc.

Đến mùa tổ chức các giải thể thao, tù nhân cũng có thể gửi dự đoán người hoặc chiến thắng cho nhân viên quản lý trại giam. Giải thưởng có thể bao gồm gói đậu phộng, thanh dinh dưỡng hoặc một bức ảnh của tù nhân chụp trong "lồng giải trí" ở ngoài trời. Thời điểm được ra ngoài trong 1-2 giờ mỗi ngày, tù nhân không được tự ý đi lại trong sân.

Thay vào đó, tù nhân chỉ được phép hoạt động trong một lồng sắt riêng lẻ để ở ngoài và không được tiếp xúc với nhau. Chỉ có một số ít tù nhân tham gia vào hoạt động nhóm ngoài phòng giam. Ngay cả khi có chương trình công tác xã hội, giáo dục hoặc nghệ thuật tổ chức trong nhà tù, các đối tượng chỉ có thể thưởng thức trong tình trạng bị xiềng xích và ở buồng ngăn. Phạm nhân có thể nói chuyện với khách đến thăm qua điện thoại và bị ngăn cách bằng ô cửa kính. Gần như các thông tin liên lạc với thế giới bên ngoài đều là qua thư.

Các phạm nhân tiếng tăm

Theo Tạp chí Washington Examiner, một khi Assange người sáng lập WikiLeaks đặt chân lên đất Mỹ, sẽ phải đối mặt với nhiều tội danh - trong đó có hoạt động gián điệp - có thể khiến ông phải dành phần đời còn lại trong tù.

Nếu bị kết án với những tội danh nghiêm trọng như vậy, ông Assange nhiều khả năng sẽ bị giam ở nhà tù Supermax bởi vì giới chức tình báo đánh giá ông là một mối đe dọa nguy hiểm đối với nước Mỹ.

Một tù nhân tuyệt thực.

Nếu Assange bị giam tại đây, ông ta sẽ chịu chung số phận với những kẻ phản gián nổi tiếng. Tội danh Assange đang đối mặt chỉ phải chịu án tối đa 5 năm tù. Nhưng cáo buộc này sẽ giúp đảm bảo ông sẽ bị dẫn độ khỏi Anh.

Ông Charles Promotionson - người giám sát hoạt động giam giữ khủng bố bị buộc tội trong nhiệm kỳ của ông với tư cách là Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng thời chính quyền Bush - nhận định, Assange sẽ phải đối mặt với các tội danh khác nữa. Nếu Julian Assange chỉ bị kết án một tội danh, ông sẽ chỉ phải ngồi tù 5 năm. Một trường hợp tương tự năm 2016 là Justin Liverman, tin tặc liên quan đến nhóm "Crackas With Attitude" đột nhập hệ thống liên lạc điện tử của cựu Giám đốc CIA John Brennan và cơ sở dữ liệu của lực lượng thực thi pháp luật.

Noshir Gowadia, bị xử 30 năm tù, là một trong những kỹ sư nghiên cứu chương trình máy bay tàng hình đã bán bí mật quân sự bao gồm công nghệ tên lửa hành trình cho Trung Quốc và các nước khác hồi năm 2000. Những tên khủng bố nước ngoài, trong đó có Zacarias Moussaoui - người bị buộc tội là tên không tặc thứ 20 trong vụ tấn công khủng bố của Al Qaeda ngày 11-9/2001.

Moussaoui đang thụ 6 án chung thân không phóng thích, nhiều hơn 2 án so với Umar Abdulmutallab - "kẻ đánh bom mặc quần lót" âm mưu cướp máy bay vào ngày Giáng sinh năm 2009. Supermax thậm chí còn phân khu "Kẻ đánh bom" riêng, nơi tên khủng bố Pakistan Ramzi Yousef, đồng lõa trong vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới 1993 bị nhốt cùng những tên tội phạm Mỹ như Ted Kaczynski gửi bom thư hàng loạt, tên tòng phạm Terry Nichols trong vụ đánh bom thành phố Oklahoma và Eric Rudolph kẻ đánh bom Olympic Park ở Atlanta.

Một buồng giam trong nhà tù Supermax.

Không phải tất cả tù nhân ADX Florence đều bị phạt tù chung thân. Dzhokhar Tsarnaev cùng anh trai Tamerlan đánh bom liều chết nhằm vào giải chạy Boston Marathon năm 2013, đang chờ ngày xử tử. Trong suốt lịch sử tồn tại của nhà tù, ADX Florence từng chứng kiến các vụ tuyệt thực của tù nhân, đặc biệt là những tội phạm khủng bố nước ngoài, nhằm phản đối cách đối xử hà khắc với họ. Thống kê cho thấy đã có hơn 900 trường hợp phải cưỡng ép ăn đối với các tù nhân biểu tình vào năm 2007.

Theo một số khiếu nại, các tù nhân mắc chứng tâm thần bị giam giữ ở ADX Florence không được điều trị bệnh đầy đủ. Tháng 5-2012, gia đình của tù nhân Jose Martin Vega filed đã khởi kiện Tòa án quận Colorado vì điều này đã dẫn đến việc Vega tự sát.

Một số tù nhân cũng dùng dao cạo râu, mảnh thủy tinh, xương gà sắc nhọn, dụng cụ viết hay bất kỳ đồ vật nào khác mà họ vớ được để tự gây ra các vết thương trên cơ thể. Số khác lại nuốt lưỡi dao cạo, cắt móng tay, mảnh kính vỡ hay các vật nguy hiểm khác vào bụng. Nhiều tù nhân thường xuyên la hét, nói lải nhải một mình hàng giờ liền. Một vài trong số họ trò chuyện ảo tưởng với những giọng nói nghe thấy trong đầu. Đặc biệt, một số kẻ đã bôi phân và chất thải khác khắp buồng giam, ném chất bẩn vào các giám thị và gây ra những đe dọa sức khỏe khác tại nhà tù. Việc cố tình tự tử cũng xảy ra phổ biến và nhiều vụ đã thành công.

Giảm gánh nặng quản lý

Số phạm nhân trong các nhà tù tại Mỹ hiện nay gần gấp 5 lần dân số Luxembourg. Để giải quyết gánh nặng về quản lý, nhà chức trách Mỹ đã cho xây dựng hệ thống siêu nhà tù Supermax.

Số phạm nhân tăng với tốc độ chóng mặt tạo ra một gánh nặng cho công tác quản lý. Từ khó khăn này, người Mỹ đã cho ra đời Supermax nhằm giải quyết bài toán về nhân lực. Supermax là khái niệm chỉ những nhà tù được thiết kế đặc biệt với hệ thống giám sát công nghệ cao nhằm giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ quản lý. Ở thời kỳ cao điểm, nước Mỹ có khoảng 60 nhà tù kiểu này.

Hệ thống trại giam Florence tại tiểu bang Colorado được coi là đỉnh cao của Supermax. Xây dựng từ năm 1994 với tổng kinh phí 190 triệu USD, nhà tù này có khoảng 1.400 cửa sắt điều khiển từ xa, hàng trăm máy phát hiện chuyển động, máy quét laser và hàng chục tháp canh gắn súng và camera.

Ngoài ra, nhà tù còn có đội ngũ chó nghiệp vụ có khả năng tấn công trong thầm lặng. Hệ thống Supermax tại Florence được sách kỷ lục Guinness công nhận là nhà tù được canh gác nghiêm ngặt nhất thế giới. Tại các Supermax như thế, tù nhân thường bị nhốt trong xà lim chật hẹp 23 giờ mỗi ngày. Khi ra ngoài, chân tay họ luôn bị còng lại.

Nguyễn Minh
.
.
.