Tin tặc "chiếm" hệ thống camera an ninh ở Washington
Tờ Washington Examiner số ra ngày 29-12 cho biết, vụ việc các hacker người Romania chiếm quyền kiểm soát của 2/3 camera an ninh của Sở Cảnh sát Washington D.C xảy ra từ đầu năm, trước khi diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump ngày 20-1-2017. Tuy nhiên, đến nay, cảnh sát mới thu thập được đủ bằng chứng và công khai về vụ việc này.
Theo đó, hệ thống camera an ninh ở Thủ đô Washington D.C bị tê liệt trong 4 ngày liền và khiến cho cả Sở Cảnh sát lẫn Cơ quan Mật vụ lo lắng không yên. Khi đó, Cục Điều tra liên bang Mỹ cũng vào cuộc và cuối cùng họ phát hiện ra một ứng dụng máy vi tính từ xa đã kích hoạt chương trình phần mềm hacker khiến các camera an ninh không hoạt động đúng chức năng, phận sự của mình.
Vụ việc hàng loạt camera an ninh ở Washington D.C bị tấn công đã khiến lực lượng an ninh Mỹ phải xem xét lại các hoạt động và cách thức bảo vệ những địa điểm trọng yếu của mình. Ảnh: AP |
Các máy tính kết nối với những camera này cũng bị lây nhiễm một phần mềm độc hại. Nhân viên mật vụ James Graham tiết lộ: "Theo kết quả điều tra và phân tích thì có 123/187 camera giám sát ngoài trời của Sở Cảnh sát Washington D.C bị xâm nhập, trong đó có rất nhiều camera chịu trách nhiệm kiểm soát an ninh những khu vực nhạy cảm gần Nhà Trắng và đồi Capitol.
Phải mất gần 1 tuần, các cơ quan cảnh sát và an ninh Mỹ mới khôi phục lại đúng chức năng của các camera này, chặn đứng nguồn lây nhiễm virus độc hại. Và đến cuối tháng 12 vừa qua, FBI mới chính thức bắt giữ được thủ phạm là 2 hacker trẻ tuổi người Romania gồm Mihai Isvanca (25 tuổi) và Eveline Cismaru (28 tuổi). Dự kiến, phiên tòa xét xử 2 người này sẽ diễn ra vào giữa tháng 1, tại tòa án quận Columbia.
Mặc dù FBI vẫn chưa tiết lộ thông tin về việc những hacker này đã làm gì để kiểm soát hệ thống camera an ninh ở Washington D.C nhưng theo tin từ Văn phòng Công tố viên thì có vẻ như cả hai người này đều tự nguyện làm việc phạm pháp nói trên và không chịu bất kỳ sự đe dọa nào của các tổ chức nước ngoài.
Văn phòng Công tố viên cũng khẳng định, vụ việc đang là ưu tiên của FBI trong việc giải quyết những vấn đề an ninh liên quan đến Nhà Trắng và rằng Isvanca và Cismaru đã truy cập vào các máy tính kết nối với camera an ninh ở Washington D.C từ ngày 9 đến 12 tháng 1 năm 2017 rồi làm tê liệt hoạt động của các camera an ninh này từ ngày 12 đến 15 tháng 1 năm 2017.
Virus mà hai hacker này sử dụng được cho là đã xâm nhập vào các máy tính quản lý hệ thống camera an ninh thông qua đường thư rác với biến thể của mã độc "cerber" và "dharma".
Được biết, chính quyền Washington D.C bắt đầu chú trọng và gia tăng việc lắp đặt hệ thống camera và màn hình an ninh hiện đại trên khắp thủ đô từ sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001 làm hàng ngàn người thiệt mạng. Đây được coi là một trong những nỗ lực quan trọng của Washington để đảm bảo an ninh trật tự tại thủ đô.
Kể từ đó, trung tâm điều khiển hệ thống camera an ninh này được đặt tại đại bản doanh của Sở Cảnh sát Washington D.C. Có tổng cộng 187 camera được lắp đặt và các nhân viên trực ban tại đây phải có mặt 24/24 để giám sát. Nếu phát hiện có điều gì khả nghi tại một khu vực nào đó, cảnh sát sẽ được triển khai ngay tới.
Cách quản lý an ninh này có tính hiệu quả cao, cho phép một lượng ít cảnh sát vẫn có thể kiểm soát được hoàn bộ thành phố và huy động được các nguồn trực tiếp - vốn là các cảnh sát tuần tra trên đường - đến ngay các khu vực cần người yểm trợ.
Khi đó, Washington đã phải chi hơn 7 triệu USD cho hệ thống này và hàng năm mất một khoản tiền không nhỏ để nâng cấp, cải thiện. Các camera an ninh ngoài việc được lắp tại các khu trung tâm thương mại, quảng trường, đầu mối giao thông, trường học, nơi đông người qua lại... còn được đặt tại những nơi nhạy cảm như tòa nhà Quốc hội, dọc đường dẫn tới Nhà Trắng, Đài tưởng niệm cựu Tổng thống Lincoln. Cũng phải nói thêm rằng, trong quá khứ, người Mỹ từng bày tỏ thái độ phản đối các biện pháp giám sát an ninh kiểu như vậy nhưng sau vụ 11-9-2001, người ta lại thấy đây là việc cần làm để bảo vệ an ninh.
Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy chỉ có 70% dân số Mỹ ủng hộ việc lắp đặt thêm các camera vì lý do an ninh công cộng và chỉ 12% muốn ít hơn camera. Cho đến nay, ngày càng nhiều camera được lắp đặt không chỉ ở ở Washington D.C mà còn tại nhiều thành phố khác như Denver, Phoenix, Chicago, New York...