Tiết lộ về thị trường buôn bán vũ khí quốc tế

Thứ Sáu, 26/02/2016, 18:41
Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI) mới công bố dữ liệu về thị trường buôn bán vũ khí quốc tế. Theo đó, Mỹ và Nga là hai quốc gia xuất khẩu vũ khí đứng đầu thế giới và khách hàng chính của thị trường này là các quốc gia ở châu Á và khu vực Trung Đông.


Khách hàng “VIP” ở khu vực châu Á và Trung Đông

Tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra hồi trung tuần tháng 2, Thủ tướng Nga  Dmitry Medvedev cho rằng, những cáo buộc của Mỹ và châu Âu đã gây ra tình trạng căng thẳng trong quan hệ với Nga. Ông lo ngại những xung đột hiện tại có thể leo thang thành “một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.

Trong khi đó, cuộc chiến tranh “nóng” đang diễn ra ở Ukraine và đặc biệt là khu vực Trung Đông. Tại khu vực Nam Á, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn còn căng thẳng. Đồng thời, an ninh toàn cầu đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự gia tăng mối đe dọa khủng bố… Bất ổn an ninh toàn cầu là “mảnh đất màu mỡ” cho thị trường buôn bán vũ khí phát triển.

Thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu đã tăng 14% trong giai đoạn 2011 – 2015 so với giai đoạn 2006 - 2010.

Theo các chuyên gia của SIPRI, thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu đã tăng 14% trong giai đoạn 2011 – 2015 so với giai đoạn 2006 – 2010. Khu vực nhập khẩu vũ khí nhiều nhất là châu Á và Trung Đông. Trong giai đoạn 2011 – 2015, hai khu vực này đã nhập khẩu 71% tổng số vũ khí toàn cầu (trong đó, khu vực Châu Á 46%, khu vực Trung Đông 25%). Danh sách năm quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất, bao gồm: Ấn Độ, Saudi Arabia, Trung Quốc, United Arab Emirates (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia Pieter Wezeman của SIPRI cho rằng, không có gì ngạc nhiên về con số được nêu trong báo cáo bởi nhiều quốc gia ở châu Á và Trung Đông có xung đột cả trong nước và với quốc gia khác. Hơn nữa, các quốc gia này không có ngành công nghiệp sản xuất vũ khí riêng nên phải mua trên thị trường quốc tế.

Châu Á và Trung Đông là hai khu vực nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới.

Ngoài các quốc gia ở châu Á và khu vực Trung Đông, Mexico cũng là khách hàng lớn của thị trường buôn bán vũ khí. Trong giai đoạn 2011 – 2015, số vũ khí mà Mexico nhập khẩu đã tăng gấp 3 lần so với thời kỳ trước. Đây là hậu quả của cuộc chiến tranh ma túy đã khiến nhiều dân thường Mexico thiệt mạng trong 10 năm qua. Chuyên gia Wezeman cho biết thêm, Mexico đầu tư mạnh vào xe bọc thép hạng nhẹ để chống lại súng trường hoặc súng máy nhưng không thể chống lại tên lửa.

Hơn một nửa số vũ khí nhập khẩu vào châu Phi là của hai quốc gia Morocco và Algeria. Hai quốc gia này đã bước vào một cuộc chạy đua vũ khí chống lại nhau. Mặc dù có những mâu thuẫn âm ỉ nhưng một số quốc gia ở vùng cận Sahara không phải là khách hàng tiềm năng của thị trường vũ khí hạng nặng vì các nền kinh tế còn kém phát triển.

Mỹ vẫn là “ông trùm” buôn bán vũ khí của thế giới

Theo báo cáo của SIPRI, Mỹ và Nga tiếp tục khẳng định vị thế của những nhà cung cấp vũ khí quân sự lớn nhất trên thế giới. Xuất khẩu vũ khí của Mỹ chiếm 1/3 trên thế giới, tăng 27% trong giai đoạn 2011 – 2015 so với thời kỳ trước đó. Mỹ không ngừng mở rộng thị trường cung cấp vũ khí cho khu vực Trung Đông. Khách hàng quan trọng nhất của Mỹ là Saudi Arabia, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ.

1/4 số vũ khí xuất khẩu trên toàn cầu có xuất xứ từ Nga. Khách hàng quan trọng nhất của Nga là các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc…. Trung Quốc cũng gần như tăng gấp đôi lượng vũ khí xuất khẩu. Hiện nay, Trung Quốc chiếm khoảng 6% lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu, vượt qua Pháp trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí quan trọng hàng đầu trên thị trường quốc tế.

Chuyên gia Wezeman nhận định, chất lượng vũ khí của Trung Quốc ngày càng nâng cao. Khách hàng lớn của Trung Quốc là Pakistan, Bangladesh và Myanmar. Tuy nhiên, Trung Quốc đang mở rộng thị trường và tìm kiếm chỗ đứng của một nhà cung cấp vũ khí lớn ở châu Phi

Trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015, Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha và Italia cùng nhau kiểm soát 1/5 số lượng vũ khí chuyển giao trên toàn cầu. Theo số liệu của SIPRI, trong giai đoạn này, lượng vũ khí xuất khẩu của Pháp đã giảm gần 10%, trong khi đó, lượng vũ khí xuất khẩu của Đức giảm một nửa.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do cuộc khủng hoảng kinh tế ở nhiều nước châu Âu. Một số quốc gia châu Âu không có tiền để sản xuất hoặc trang bị các thiết bị đắt tiền. Chính vì vậy, ngành công nghiệp vũ khí của châu Âu phải tìm lối thoát bằng cách khai thác thị trường mới, chẳng hạn như Đức đã tích cực xuất khẩu vũ khí đến thị trường Trung Đông và châu Á. 

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.