Thụy Sỹ báo động về nạn rửa tiền
Cảnh sát cho biết, gần 4.700 vụ rửa tiền đã diễn ra trong năm 2017, tăng 60% so với năm 2016. Và trong số này một phần không nhỏ là tiền tài trợ cho tổ chức khủng bố và phần tử cực đoan.
Cũng tại cuộc họp báo diễn ra vào hạ tuần tháng 4, cảnh sát Thụy Sỹ thông báo, đã chuyển những thông tin nghi vấn về các vụ rửa tiền kể trên tới các cơ quan chức năng. Thông báo này diễn ra sau khi một số ngân hàng Thụy Sỹ cảnh báo về khả năng rửa tiền sau cuộc điều tra tham nhũng do Thái tử Mohammed Bin Salman khởi xướng ở Arab Saudi.
HSBC đã giúp nhiều khách hàng trốn thuế và vi phạm nguyên tắc về hoạt động rửa tiền. |
Trong thông báo hồi tháng 12-2017, giới chuyên gia ngân hàng Thụy Sỹ cho biết, động thái kể trên nhằm minh bạch hóa hệ thống ngân hàng của nước này. Và ước tính có khoảng 1.700 tài khoản ngân hàng đã bị đóng băng. Tờ Financial Times dẫn tuyên bố của đại diện Văn phòng Tổng Chưởng lý Thụy Sỹ cho biết, ngân hàng đang đánh giá các thông tin cùng những dữ liệu và hiện chưa có vụ nào phải khởi tố hình sự.
Được biết, từ đầu tháng 11-2017, hơn 200 quan chức Arab Saudi đã bị bắt vì liên quan tới tham nhũng, với trị giá hơn 100 tỷ USD.
Theo giới chuyên môn, Cơ quan Giám sát thị trường tài chính Thụy Sỹ (Finma) từng đưa 15 ngân hàng của nước này vào diện "báo động đỏ" vì dính tới rửa tiền. Tuy không nêu đích danh 15 ngân hàng này, nhưng Finma cho biết hầu hết họ đều có liên quan đến vấn đề quản lý tài sản, có lượng khách hàng thường xuyên từ các thị trường mới nổi, nên phải giám sát chặt chẽ việc này.
Theo tiết lộ của cựu Giám đốc Ngân hàng HSBC Herve Falciani, nhiều vụ rửa tiền, trốn thuế ở Thụy Sỹ đã và đang bị phanh phui, khiến nhiều ngân hàng phải nộp những khoản tiền phạt lớn. Dư luận từng tranh luận sau khi bài viết "Công khai danh sách tài khoản bảo mật của tham quan Trung Quốc - ngày mạt vận ở ngân hàng Thụy Sỹ?" đăng tải.
Bởi theo bài viết, ngân hàng Thụy Sỹ sẽ chấp nhận cung cấp thông tin chi tiết về tài khoản người nước ngoài tại hệ thống ngân hàng nước này. Mặc dù cam kết giữ bí mật về khách hàng, nhưng ngân hàng Thụy Sỹ vẫn phải báo cáo những giao dịch khả nghi.
Theo giới truyền thông, 84 năm trước (1934-2018), một đạo luật được ban hành ở Thụy Sỹ đã giúp nước này trở thành thiên đường trú ẩn cho các tài khoản ở nước ngoài lớn nhất thế giới. Nhưng việc này đang được gỡ bỏ bởi áp lực từ nhiều nước.
Gần 4 năm trước (6-5-2014), tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính châu Âu, Chính phủ Thụy Sỹ tuyên bố, sẽ ký "Tiêu chuẩn mới về trao đổi thông tin giữa các ngân hàng". Theo đó, tiêu chuẩn giữ bí mật tài khoản ngân hàng tồn tại trăm năm qua sẽ bị gỡ bỏ.
Giới chuyên môn cảnh báo, Thụy Sỹ có thể đang chuyển từ ngân hàng của giới siêu giàu sang thiên đường tiền ảo. Bộ trưởng Kinh tế Johann Schneider-Ammann từng cho rằng, Thụy Sỹ nên trở thành "quốc gia tiền kỹ thuật số".
3,5 tỷ USD được rửa qua các ngân hàng Thụy Sỹ trong năm 2014. |
Theo con số được công bố gần 3 năm trước (8-5-2015) của Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sỹ, trong năm 2014 có 1.753 trường hợp giao dịch bị nghi là rửa tiền với tổng số tiền lên tới 3,5 tỷ USD. Trong đó có giao dịch trị giá 213,4 triệu USD. Theo đại diện của Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sỹ, số tiền kể trên được "rửa" chủ yếu là trốn thuế và liên quan đến tham nhũng, biển thủ, nhận hối lộ.
"Hàng loạt vụ tham nhũng được đưa ra ánh sáng đã lý giải vì sao số tiền được rửa thông qua các ngân hàng Thụy Sỹ lại cao kỷ lục như vậy trong năm 2014", đại diện Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sỹ tuyên bố.
Tuyên bố của cảnh sát Thụy Sỹ diễn ra trong bối cảnh Europol chính thức có nữ giám đốc (người Bỉ) đầu tiên kể từ ngày 1-5. Trên trang Twitter, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon đã khen ngợi bà Catherine De Bolle, người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm cương vị "tướng bà" tại Europol.
Và trong tuyên bố mới nhất được đưa ra, Europol cho biết, tội phạm ở "lục địa già" đã rửa khoảng 5,5 tỷ USD thông qua tiền điện tử trong năm 2017. Người đứng đầu Europol cảnh báo, giới tội phạm tại châu Âu đang đẩy mạnh việc rửa số tiền phi pháp qua các đồng tiền điện tử.
Do đó, Europol và cảnh sát các nước gặp khó khăn trong việc ngăn chặn việc rửa tiền thông qua tiền điện tử, bởi chẳng có cách nào để đóng băng các ví tiền này giống như đóng băng tài khoản ngân hàng. Được biết, khoảng 5,5 tỷ USD đã được hợp pháp hóa trong năm 2017 bằng các giao dịch tiền điện tử, chiếm từ 3% đến 4% tổng số tiền phi pháp lưu hành ở châu Âu. Và Bitcoin là đồng tiền được sử dụng phổ biến nhất trong các hoạt động rửa tiền kể trên.