Thực hư chuyện Afghanistan thả tù nhân Taliban
Các nhà phân tích lo ngại, thoả thuận Mỹ-Taliban và sự thoả hiệp của Chính phủ Afghanistan vô tình đã tạo nên "một chiến thắng" cho những kẻ thánh chiến và có thể "thúc đẩy" khủng bố phát triển.
Biện pháp xây dựng lòng tin?
Ngày 11/3, người phát ngôn của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cho biết, chính phủ nước này sẽ phóng thích 5.000 tù binh Taliban theo lộ trình bắt đầu từ 14-3, nếu lực lượng phiến quân Taliban hạn chế đáng kể bạo lực, qua đó mở đường cho cuộc hòa đàm giữa 2 bên sau khi Mỹ ký thỏa thuận rút quân khỏi quốc gia Trung Nam Á.
Đợt phóng thích 1.500 tù binh Taliban được thực hiện vào ngày 14-3 như một cử chỉ thiện chí, và đợt tiếp theo là 3.500 tù nhân sau khi đàm phán được bắt đầu. Thông báo nhấn mạnh, việc phóng thích này sẽ phụ thuộc vào việc Taliban có sẵn sàng hạn chế đáng kể các vụ tấn công ở Afghanistan hay không.
Ông Sediq Sediqqi cho biết, dinh Tổng thống sẽ ban hành một nghị định với các chi tiết của quá trình phóng thích, và việc phát hành nghị định này phụ thuộc vào sự phát triển an ninh và hòa bình ở Afghanistan. "Chính phủ Afghanistan đã đạt được một khuôn khổ mà theo đó việc thả tù nhân sẽ được đổi lấy việc giảm đáng kể mức độ bạo lực", người phát ngôn của Tổng thống Afghanistan nói.
Các tay súng Taliban. Ảnh: Getty. |
Ngay sau thông báo của chính quyền Kabul, một thủ lĩnh cấp cao của Taliban tại Doha, thủ đô của Qatar đã trả lời hãng Reuters rằng các phương tiện đã được điều động tới khu vực gần nhà tù Bagram, phía Bắc thủ đô Kabul để đón các tay súng được phóng thích.
Thủ lĩnh này khẳng định, kế hoạch phóng thích tù nhân nằm trong thoả thuận được ký kết giữa Washington và Taliban hồi tháng trước, cho phép các lực lượng Mỹ và binh sĩ của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút khỏi Afghanistan, mở đường cho việc tiến hành các cuộc hội đàm trực tiếp giữa chính quyền với các tay súng phiến quân.
Thủ lĩnh cấp cao này cũng xác nhận Taliban đã lên kế hoạch chuyển tất cả các tù nhân được phóng thích đến các địa điểm an toàn ở Afghanistan, sau đó đưa họ về quê nhà. Abdul Shukoor Qudoosi, Thống đốc quận Bagram cũng đã thông tin việc văn phòng của ông có báo cáo về sự xuất hiện bất thường của nhiều xe buýt trong khu vực, nhưng không thể xác nhận xe buýt dùng để làm gì hoặc liệu chúng có liên quan đến việc phóng thích tù nhân hay không.
Những dấu hiệu mới về bạo lực
Mọi chuyện dường như đang diễn tiến khá thuận lợi thì chiều 11/3, hãng Reuters cho hay Taliban lại từ chối việc thả tù binh có điều kiện kèm theo. "Taliban đã đề nghị việc trả tự do cho các tù nhân là một biện pháp xây dựng lòng tin. Chính điều kiện này đã khiến cho cuộc đàm phán giữa Kabul và Taliban liên tục bị trì hoãn thời gian qua", hãng Reuters viết.
Đồng thời, hãng này đã trích dẫn lời của Suhail Shaheen, phát ngôn viên của Taliban tại Doha: "Điều này được giải thích đúng trong hiệp định hòa bình rằng 5.000 tù nhân đầu tiên sẽ được giải thoát và sau đó cuộc đối thoại Afghanistan sẽ được bắt đầu. Chúng tôi không bao giờ đồng ý với bất kỳ sự phóng thích tù nhân theo điều kiện nào mà Chính phủ Afghanistan đưa ra. Nếu ai đó tuyên bố điều này, điều đó sẽ trái với thỏa thuận hòa bình mà chúng tôi ký với Mỹ hôm 29/2".
Một nguồn tin khác từ Chính phủ Afghanistan nhấn mạnh, nhiều khả năng, việc phóng thích tù nhân có thể sẽ chưa diễn ra trong tuần này hay thậm chí vài tuần nữa do một số khác biệt đã nảy sinh.
Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ lo ngại, các cuộc tấn công của Taliban gần đầy tại Afghanistan không phù hợp với vai trò của một tổ chức đang tiến tới một cuộc dàn xếp, thương lượng. "Các cuộc tấn công của Taliban đầy bạo lực và chúng tôi thấy điều này không phù hợp với những diễn tiến mà hai bên đang cố gắng vun đắp", Tướng Kenneth McKenzie nói.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ban hành một tuyên bố hôm 10-3 rằng mức độ bạo lực ở Afghanistan là "không thể chấp nhận được", và trong khi Taliban ngừng các cuộc tấn công chống lại lực lượng liên minh do Mỹ đứng đầu tại các thành phố của Afghanistan thì bạo lực ở nông thôn vẫn còn cao. Một số quan chức Mỹ khác cảnh báo, nếu Mỹ rút quân thì tình hình ở Afghanistan sẽ càng bất ổn.
Theo thoả thuận hoà bình mà Mỹ-Taliban đã ký kết, trong giai đoạn đầu, Washington sẽ giảm sự hiện diện của quân đội từ 13.000 binh sĩ hiện nay xuống còn 8.600 binh sĩ. Nếu Taliban tuân thủ các cam kết của họ, Washington sẽ rút hết các binh sĩ còn lại trong hơn 14 tháng.
Vào thời điểm ký kết, thỏa thuận Mỹ-Taliban được quảng cáo là cơ hội hòa bình tốt nhất của Afghanistan sau 40 năm chiến tranh không ngừng nghỉ trong khi đưa ra một lối thoát cho Mỹ sau gần 19 năm tham chiến ở đây.
Tuy nhiên, trong tuần qua, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự thất vọng ngày càng tăng với Chính phủ Afghanistan và lực lượng an ninh không có khả năng quản lý các vấn đề của nước này. Đó là chưa kể đến sự mâu thuẫn trong nội tại Afghanistan khi mà Tổng thống Ashraf Ghani đã đắc cử nhưng đối thủ của ông là Abdullah Abdullah - nhân vật thứ 2 trong cuộc bầu cử vẫn tuyên thệ nhậm chức, tự nhận là Tổng thống đối lập, đồng thời hối thúc sự đoàn kết ở Kabul.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani là người đưa ra đề xuất trao đổi tù binh có điều kiện để sớm hoà đàm với Taliban. Ảnh: Reuters. |
Nỗi lo khủng bố trỗi dậy
Trong một diễn biến liên quan, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 10/3 đã thông qua một nghị quyết hoan nghênh tiến triển gần đây trong tiến trình hòa bình ở Afghanistan. Nghị quyết 2513, nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của Hội đồng Bảo an gồm 15 nước ủy viên, hoan nghênh các bước đi đáng kể hướng đến chấm dứt cuộc xung đột và mở ra cánh cửa đàm phán giữa các bên ở Afghanistan được thúc đẩy bởi 2 thỏa thuận được ký kết giữa Mỹ với lực lượng Taliban và Chính phủ Afghanistan.
Nghị quyết cũng hối thúc Chính phủ Afghanistan thúc đẩy tiến trình hòa bình, trong đó có việc tham gia đàm phán. Tuy nhiên, những mối lo mới đã xuất hiện khi có những bất đồng nảy sinh giữa Afghanistan và Taliban cũng như nguy cơ phân chia quyền lực và sự hình thành 2 nhà nước với 2 Tổng thống ở quốc gia Trung Nam Á này. Cái đáng lo ngại nhất chính là nguy cơ sự trỗi dậy của các thành phần khủng bố.
Tờ Washingtonpost viết: "Theo thỏa thuận Mỹ-Taliban, Taliban sẽ ngăn chặn bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào, kể cả mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, sử dụng đất đai của Afghanistan để đe dọa an ninh của Mỹ và các đồng minh của Mỹ và Mỹ sẽ rút lực lượng trong vòng 14 tháng.
Việc giảm bạo lực trong 7 ngày nhằm chứng minh cam kết của Taliban nhưng lại không phải là điều kiện để loại bỏ bạo lực khi các cuộc tấn công tiếp diễn. Taliban vẫn gia tăng các cuộc tấn công vào lực lượng Afghanistan.
Mạng lưới Taliban, Al-Qaeda và Haqqani được gắn kết bởi các liên kết lâu năm với các mối quan hệ giáo dục và đào tạo và giao thoa. Trong một báo cáo hồi tháng 6 năm ngoái được trình lên Hội đồng Bảo an LHQ, người ta đã lưu ý rằng Al-Qaeda đang phát triển mạnh mẽ hơn dưới chiếc ô Taliban trên khắp Afghanistan và hoạt động mạnh hơn so với những năm gần đây. Taliban, tiếp tục là đối tác chính cho tất cả các nhóm khủng bố nước ngoài hoạt động ở Afghanistan, ngoại trừ tổ chức IS.
Những câu hỏi này được đưa ra không chỉ là về tương lai bấp bênh của Afghanistan và mối quan hệ công khai của Taliban với các đồng minh khủng bố lâu năm, mà là một chiến thắng được Taliban tuyên bố và hình ảnh về sự rút lui của Mỹ sẽ truyền cảm hứng cho tất cả những kẻ khủng bố Hồi giáo khác".
Các tay súng Taliban. Ảnh: Getty. |
Thực tế, cho dù Mỹ đã đàm phán với Taliban song nhiều quốc gia khác vẫn lo ngại về khả năng khủng bố đe doạ và trỗi dậy, dùng những chiêu thức đàm phán và ký kết hoà bình để củng cố sức mạnh. Bản thân Taliban, theo đánh giá của các nhà phân tích, hiện đã vượt qua cả IS và trở thành tổ chức Hồi giáo cực đoan nguy hiểm nhất thế giới.
Một báo cáo hồi cuối tháng 1 từ Trung tâm chống khủng bố và nổi dậy Jane (Jtic) có trụ sở tại London (Anh) cho biết, số vụ tấn công Taliban được ghi nhận vào năm 2019 đã tăng 87,6% so với năm ngoái và dẫn đến 4.617 người chết, - tăng từ 2.980 người vào năm 2018.
Ngược lại, các cuộc tấn công của IS đã giảm 18,4%, sau một cuộc suy thoái đáng kể về hoạt động tại Iraq và Syria. Và số người chết không phải là chiến binh từ các cuộc tấn công của IS đã giảm xuống còn 2.381 người- giảm khoảng 25% so với 3.151 người chết năm 2019.
Báo cáo cảnh báo rằng, IS tiếp tục gây ra mối đe dọa đáng kể ở vùng Tây Phi và Sahel - dải đất bán khô cằn phía Nam sa mạc Sahara từ Mauritania và Senegal ở phía Tây đến Sudan và Eritrea ở phía Đông.
"Việc công bố dữ liệu được đưa ra khi Mỹ bắt đầu rút khỏi Afghanistan. Những phát hiện này đã gây bối rối cho chính quyền Tổng thống Donald Trump và Chính phủ Mỹ đã bị chỉ trích về thỏa thuận hòa bình với Taliban. Frank McKenzie, người đứng đầu lực lượng Mỹ tại Trung Đông, đã trình bày trước Quốc hội rằng ông không tin Taliban sẽ đáp ứng các cam kết theo thỏa thuận", tờ The Time bình luận.