Thổ Nhĩ Kỳ "dằn mặt" Mỹ bằng chiến dịch tấn công miền Bắc Syria?

Thứ Bảy, 10/08/2019, 09:55
Ngày 6- 8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố nước này đã sẵn sàng loại bỏ mối đe dọa từ các tay súng "Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd", vốn bị Ankara coi là khủng bố tại miền Bắc Syria, đồng thời cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải trả giá lớn hơn nếu không có biện pháp an ninh cần thiết tại miền Bắc Syria.


Thổ Nhĩ Kỳ từng cảnh báo về việc thực hiện các hoạt động quân sự ở phía Đông sông Euphrates, tuy nhiên đã tạm dừng chiến dịch sau khi thỏa thuận với Mỹ thiết lập vùng an toàn tại Đông Bắc Syria dọc khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Mỹ đình trệ tiến trình thiết lập vùng an toàn. 

Cuối tháng 7- 2019, trong tuyên bố trước thềm đàm phán Mỹ-Thổ về Syria, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã cảnh báo Ankara sẽ tiến hành chiến dịch quân sự chống dân quân người Kurd tại bờ Đông sông Euphrates nếu một "vùng an toàn" không được thiết lập theo thỏa thuận được hai bên đạt được năm ngoái. 

Ankara từ lâu thể hiện sự khó chịu với Mỹ do Washington không thể yêu cầu dân quân người Kurd rời khỏi thành phố Manbij của Syria theo thỏa thuận Mỹ-Thổ đạt được năm ngoái. "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động nếu vùng an toàn không được thiết lập", ông Cavusoglu cảnh báo.

Dân quân người Kurd, với nòng cốt là "Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd" (YPG) trực thuộc Các lực lượng dân chủ Syria (SDF), từ lâu xác lập quyền kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn ở Đông Bắc Syria, song lại bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố dù. Nhưng YPG lại được coi là một đồng minh của Mỹ tại Syria. 

Bên cạnh đó, SDF được cho là được huấn luyện và trang bị vũ khí từ Mỹ. Tháng 12- 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn việc cấp lô vũ khí trị giá 393 triệu USD cho những lực lượng mà Washington gọi là đối tác tại Syria, bao gồm YPG. 

Tháng 1-2018, Mỹ thông báo kế hoạch tạo ra một lực lượng 30.000 chiến binh gồm các tay súng người Kurd và triển khai nhóm này dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã cáo buộc hành động này của Mỹ là "có kế hoạch thành lập một đội quân khủng bố ở Syria" bởi YPG là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị Thổ Nhĩ Kỳ cấm hoạt động.

Tháng 1-2018, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm phiến quân đối lập Syria mang tên "Quân đội Syria tự do" (FSA) đã mở chiến dịch "Nhành ô liu" tấn công vào các vị trí của SDF ở Khu tự trị tự xưng Afrin của người Kurd Syria, hiện nằm dưới sự quản lý của Liên đoàn Dân chủ Bắc Syria. 

Thực hiện chiến dịch quân sự này, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã huy động khoảng 72 máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon tới các sân bay tuyến 1 và tuyến 2 gần biên giới Syria; Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng điều động khoảng hơn 6.000 quân thuộc Lữ đoàn đặc nhiệm số 1 của Quân đoàn 2. Nhưng chiến dịch này không đạt mục đích.

Tháng 4 - 2018, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan chỉ trích Mỹ và đồng minh từ chối bán vũ khí cho Ankara nhưng lại vũ trang cho lực lượng người Kurd. 

"Chúng tôi không thể mua vũ khí từ Mỹ dù có tiền. Thật không may, Mỹ và lực lượng đồng minh lại đưa số vũ khí, đạn dược đó cho các tổ chức khủng bố mà không lấy tiền. Vậy mối đe dọa đến từ đâu? Chủ yếu đến từ các đối tác chiến lược đấy", ông Erdogan nói.  

Tháng 6 - 2018, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã đưa ra một lộ trình, trong đó kêu gọi YPG rút quân khỏi thành phố Manbij và trao quyền kiểm soát thành phố này cho lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Đầu năm 2019, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí đàm phán về việc thiết lập vùng an toàn ở Đông Bắc Syria sau khi Nhà Trắng thông báo rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này. 

Ankara nhiều lần đề nghị thiết lập vùng an toàn 32 km sâu bên trong lãnh thổ Syria, phía Đông sông Euphrates, đồng thời nhấn mạnh mong muốn YPG phải bị loại khỏi khu vực này. Mỹ hy vọng có thể thuyết phục được Thổ Nhĩ Kỳ tránh can thiệp quân sự thông qua việc đạt được thỏa thuận về thiết lập một khu vực an toàn ở miền Bắc Syria. 

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối. Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ chậm triển khai tiến trình thiết lập vùng an toàn và yêu cầu Mỹ cắt đứt quan hệ với các đơn vị YPG trực thuộc SDF.

Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân đội ở biên giới với Sirya.

Trong tuyên bố ngày 6-8, ông Erdogan nhấn mạnh việc tiêu diệt khủng bố tại miền Bắc Syria là ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ và nước này sẽ tiến hành giai đoạn tiếp theo của chiến dịch quân sự tại Syria. 

Ông Erdogan nói rằng cả Nga và Mỹ đã được Thổ Nhĩ Kỳ thông báo về chiến dịch quân sự song ông không nói rõ nó sẽ được thực hiện vào lúc nào. Đây sẽ là cuộc tấn công lớn thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria trong nhiều năm qua.

Trước đó, lãnh đạo lực lượng vũ trang người Kurd hoạt động ở phía Bắc và phía Đông Syria đã tuyên bố phản đối sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực vì bất kỳ hoạt động gây hấn nào của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo cơ hội để IS xuất hiện trở lại, đồng thời nó cũng mở rộng phạm vi xâm chiếm của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Lực lượng người Kurd cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng ngăn chặn việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công quân sự tại khu vực phía Bắc Syria.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper Mỹ tuyên bố bất kỳ hoạt động quân sự nào của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền  Bắc Syria "là không thể chấp nhận được". Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nước này sẽ ngăn chặn hành động của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngọc Trang
.
.
.