Theresa May Thủ tướng Brexit

Thứ Sáu, 24/02/2017, 10:39
Sở dĩ gọi như vậy vì ý nguyện nhân dân muốn nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) đã khiến người tiền nhiệm của bà từ chức, nhường lại chiếc ghế cao nhất của chính phủ cho bà. Và dĩ nhiên, Theresa May sẽ là người dẫn dắt người dân xứ sương mù đi trọn con đường Brexit như họ đã chọn.


Bà Theresa Mary May sinh ngày 1-10-1956 tại Eastbourne, Sussex, là con một của bà Zaidee Mary và Hubert Brasier. Mẹ bà là người ủng hộ mạnh mẽ Đảng Bảo thủ, trong khi cha bà là một mục sư. Ở tuổi 25, bà mất cả cha lẫn mẹ: Cha bà chết vì tai nạn xe hơi, và mẹ bà chết vài tháng sau đó vì đau buồn. Bà theo học cả trường công lẫn trường tư trước khi tới Oxford, nơi bà gặp người chồng tương lai, Philip.

Sau khi tốt nghiệp khoa Địa lý trường St Hugh’s College Oxford, Theresa May làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, đầu quân cho Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). Năm 1986, bà bắt đầu hoạt động chính trị và năm 1997 được bầu làm thành viên Quốc hội của đảng Bảo thủ tại Maidenhead.

Bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ năm 2010, trở thành 1 trong 4 phụ nữ từng nắm giữ những vị trí cao nhất trong chính phủ Anh hiện đại. Những người kia là Margaret Thatcher (Thủ tướng), Margaret Beckett (Ngoại trưởng) và Jacqui Smith (Bộ trưởng Nội vụ).

+ Merkel của Anh, hay “bà đầm thép”?

Tờ Financial Times (FT) tháng 7-2014 có bài viết gọi bà là Merkel của nước Anh. Merkel tức Angela Merkel, Thủ tướng Đức - người từng nhiều lần lọt vào danh sách top những người quyền lực nhất hành tinh do tạp chí Time bình chọn.

Tại sao gọi như vậy? Vì bà có đủ những phẩm chất của người đứng đầu nước Đức đang có: tài năng, cương quyết và đam mê công việc. “Bà là một chính trị gia không ý thức hệ, luôn hoàn tất công việc mình không kiêng nể ai”, FT viết. Bà là 1 trong 2 người phục vụ lâu nhất trong Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), với thời gian trên 60 năm. Người kia là James Chuter Ede, phục vụ 60 năm 2 tháng trong NSC.

Bà còn những điểm giống Merkel nữa: Cả hai là con của mục sư, có chồng nhưng không con. Tuy nhiên, bà khác với Merkel khi đồng ý với hôn nhân đồng tính nhưng lại bảo thủ trong vấn đề di dân.

Ngay từ năm 2014, FT đã dự báo bà có thể là sự thay thế lý tưởng cho Thủ tướng lúc đó là ông David Cameron ở vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, bởi được những người trong đảng kính nể và e sợ. Có câu nói lưu truyền trong Chính phủ của ông Cameron lúc đó rằng bà May là người “quá được lòng với các nhà hoạt động để bãi nhiệm, nhưng cũng quá nguy hiểm để đề bạt”.

Khi bà May xung đột với Bộ trưởng Giáo dục Michael Gove vào tháng 6-2014 về vấn đề học sinh Hồi giáo trong các trường học ở Birmingham, ông Cameron đã tỏ ra giận dữ với cả 2 vị bộ trưởng. Nhưng một nhân vật cấp cao ở phố Downing lúc đó đã nói với ông: “Không thể đụng đến Theresa”. 1 tháng sau, Bộ trưởng Gove - một trong những người bạn thân nhất của ông Cameron -đã mất chức khi chính phủ sắp xếp lại.

Trong thời gian giữ cương vị Bộ trưởng Nội vụ, bà May đã có nhiều đóng góp trong công tác đảm bảo an ninh biên giới, giải quyết các vấn đề nhập cư, chống chủ nghĩa khủng bố, phòng chống tội phạm... Người ta nói rằng ông Cameron ngưỡng mộ tài năng và những việc bà May đã làm được ở cương vị này, nhưng giữa 2 người luôn có khoảng cách.

Lý do? Vì ông “dự cảm” được bà May chính là đối thủ lớn nhất của mình trong việc lãnh đạo đảng Bảo thủ. Ông lo ngại bà sẽ là đối thủ cản trở Bộ trưởng Ngân khố George Osborne, người được ông ủng hộ, lên làm thủ tướng sau khi ông về hưu. Vì vậy, khi William Hague từ bỏ chiếc ghế Ngoại trưởng trong cuộc cải tổ chính phủ, Cameron không chỉ định bà May lên thay thế, mà chọn ông Philip Hammond, lúc đó đang là Thứ trưởng Ngoại giao.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích lại gọi bà là “bà đầm thép” thứ hai của nước Anh, so sánh bà với nữ thủ tướng đầu tiên của nước Anh, bà Margaret Thatcher.

Điều này cũng dễ hiểu. Bà Thatcher nổi tiếng là một chính trị gia cứng rắn và cuồng công việc, bà May cũng vậy. Khi đứng đầu Bộ Nội vụ, bà được tín nhiệm và được đánh giá rất cao, kể cả từ những nhà phê bình khó tính nhất. Trong 6 năm điều hành, nữ bộ trưởng đã tạo dựng được danh tiếng là một chính trị gia cứng rắn trong nhiều vấn đề như nhập cư lậu, tội phạm và tuyên truyền Hồi giáo.

+ Lối thoát Brexit

Trong bối cảnh Anh lâm vào khủng hoảng chính trị với những rạn nứt xã hội sâu sắc sau trưng cầu dân ý Brexit, Theresa May được cho là đã thực hiện một chiến lược tranh cử khôn ngoan, khi nhấn mạnh mục tiêu đoàn kết nội bộ đảng, đoàn kết đất nước để đương đầu với những thách thức trước mắt.

“Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất của Đảng lúc này là đoàn kết. Chúng ta không phải là người rời đi hay người ở lại, chúng ta là những thành viên đảng Bảo thủ trong Chính phủ với nhiều công việc phải làm”, Theresa May nhấn mạnh.

Trước cuộc trung cầu Brexit, bà nói với tư cách cá nhân: “Tôi nghĩ những lý do kinh tế rất rõ. Theo tôi là một phần của khối thương mại trị giá 500 triệu EUR là quan trọng cho chúng ta. Tôi cho rằng một trong những vấn đề là rất nhiều nhà đầu tư đầu tư vào Anh vì Anh là một phần của EU. Nếu chúng ta không phải là EU, tôi nghĩ sẽ có nhiều công ty và doanh nghiệp sẽ tìm đến nới khác ngoài Anh. Vì vậy, tôi nghĩ ở lại là có lợi cho chúng ta về mặt kinh tế”.

Trong thực tế, việc nhiều công ty và nhà băng đa quốc gia tìm kiếm nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng khác ngoài Anh đã xảy ra.

Về an ninh, bà May cũng tin rằng nước Anh sẽ an toàn hơn nếu ở trong EU vì cơ chế chia sẻ thông tin an ninh toàn EU và những thứ khác. “Rõ ràng có những thứ chúng ta có thể làm khi là thành viên EU, những điều tôi cho rằng sẽ giúp Anh an toàn hơn”, bà May nói.

Sau cuộc trung cầu, giới quan sát tin rằng bà Theresa May là người duy nhất có khả năng tập hợp được các phe phái xung khắc trong nội bộ Đảng Bảo thủ. Mặc dù sát cánh cùng Thủ tướng David Cameron vận động cho phe Ở lại EU, nhưng sự hoài nghi châu Âu cùng với bản tính điềm tĩnh và kinh nghiệm chính trường của Theresa May đã giúp bà gây được cảm tình ở cả phe ủng hộ lẫn phản đối Brexit.

Nữ chính trị gia đã lên tiếng khẳng định tại một cuộc họp báo: “Brexit nghĩa là Brexit. Chiến dịch vận động đã diễn ra. Cuộc bỏ phiếu đã được tiến hành. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao. Dân chúng đã đưa ra quyết định. Không được phép có thêm nỗ lực nào để ở lại EU nữa, để gia nhập EU bằng cửa sau hay một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai nữa”.

+ Ảnh hưởng Trump?

Ngày 1-2 vừa qua, với tỷ lệ 498 phiếu thuận và 114 phiếu chống, các nghị sĩ thuộc Hạ viện Anh đã nhất trí thông qua giai đoạn đầu tiên của một dự luật, mở đường cho bà May “kích hoạt” Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon để Anh rời EU.

Trước đó, Thủ tướng May còn đặt ra mục tiêu chính thức kích hoạt Điều 50 để rời EU vào ngày 9-3. Thậm chí, để thực được tham vọng này, chính quyền của bà đã tự tìm ra cách “kích hoạt” Điều 50 mà không cần thông qua Quốc hội để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, sau đó, Tòa án Tối cao Anh đã ra phán quyết buộc Chính phủ của bà May phải nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội.

Tại sao lại có sự thay đổi nhanh đến chóng mặt trong hướng đi của Thủ tướng Anh chỉ trong một thời gian ngắn? Người ra cho rằng đó là do tác động của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump từng khẳng định rằng sự kiện người dân nước Anh chọn Brexit là sự kiện tuyệt vời và cảnh báo EU có thể phân rã, nếu giới lãnh đạo liên minh không thay đổi.

Thậm chí, ông cũng thẳng thừng tuyên bố  rằng ông ủng hộ thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh thời hậu Brexit, bởi điều đó là tốt cho cả hai quốc gia. “Chúng tôi sẽ cố gắng nhanh chóng hoàn tất thoả thuận phù hợp với tình hình hai nước, theo đúng tiêu chuẩn của các hiệp định thương mại song phương”.

Và tất nhiên, để đạt được những gì như ông Trump nói thì Anh quốc phải đảm bảo rằng không còn sự ràng buộc nào từ EU.  Vậy nên nếu như bà Theresa May muốn có một thỏa thuận song phương nào với ông Donald Trump thì việc đẩy nhanh quá trình Brexit là điều tất yếu.

Có thể thấy rằng, trên thực tế chính ông Trump mới là người tác động mạnh mẽ đến quá trinh “ly hôn” với EU của nước Anh chứ không phải là thủ tướng Theresa May.

Anh Khoa (Tổng hợp)
.
.
.