Thấy gì từ việc phát hiện đường dây sản xuất hàng nghìn bằng đại học giả?

Thứ Ba, 07/05/2019, 17:15
Không cần đi học, không cần đến trường vẫn có bằng đại học. Đó không phải là quảng cáo của các trường đại học từ xa, cấp chứng chỉ qua Internet mà là lời dụ dỗ của các đối tượng làm bằng giả, giấy tờ giả…

Không chỉ làm được bằng cao đẳng, trung cấp, đại học… các đối tượng làm giấy tờ giả còn nhận làm nhiều loại, giấy tờ chứng chỉ cá nhân một cách nhanh gọn.

1.200 con dấu và một tấn phôi

Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã triệt phá một đường dây làm bằng giả với số lượng tang vật thu được thuộc vào loại “khủng”. Các đối tượng bị bắt giữ bao gồm Lê Văn Hoàng (SN 1985) và Lê Hoàng Phi (SN 1996, em ruột Hoàng, trú tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) và Tạ Quang Minh (SN 1994, trú tại phố Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội). 

Công an quận Nam Từ Liêm cũng đã hoàn thiện thủ tục tiến hành tố tụng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, làm rõ hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Sau khi khám xét khẩn cấp chỗ ở của đối tượng Lê Văn Hoàng tại phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), cơ quan điều tra đã thu giữ khoảng một tấn phôi bằng, chứng chỉ các loại. 

Đặc biệt, khoảng 1.200 con dấu bằng đồng của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên cả nước nghi là giả cũng được tìm thấy, thu giữ cùng nhiều máy móc, công cụ, phương tiện phục vụ việc làm giả con dấu, tài liệu…

Phôi giả bị thu giữ trong một đường dây bị triệt phá.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu Hoàng khai nhận, khi “lang thang” trên mạng xã hội, nhận thấy nhu cầu cần mua văn bằng, chứng chỉ giả rất lớn nên đối tượng này đã nảy sinh ý định làm giấy tờ giả để kiếm tiền. Nghĩ là làm, đối tượng móc nối với nhiều kẻ khác có mục tiêu kiếm tiền bất chính như mình, lập ra đường dây sản xuất, kết nối với người có nhu cầu để mua bán bằng giả.

Như lời khai của đối tượng này, việc thành lập đường dây sản xuất cũng không mấy khó khăn. Hoàng chỉ cần lên mạng Internet để nghiên cứu cách thức và tìm mua các loại phôi bằng, con dấu và các công cụ máy móc phục vụ cho việc làm giấy tờ giả. Tổng chi phi để lập lên “hệ thống” sản xuất này chỉ mất khoảng hơn 100 triệu đồng.

Để tìm được người mua, đối tượng lập website lambangdaihoc.com.vn và đăng quảng cáo một cách công khai về việc chuyên cung cấp bằng đại học, cao đẳng, trung cấp và làm bằng tiến sỹ, thạc sỹ, chứng chỉ các loại. Lê Hoàng Phi trợ giúp anh trai đóng dấu, ký nháy các văn bằng giả, đồng thời vận chuyển bằng đến cho khách hàng… Mỗi văn bằng giả, các đối tượng thu về từ 3 đến 5 triệu đồng.

Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, đường dây làm giấy tờ giả này “sản xuất” tại TP Hồ Chí Minh nhưng phục vụ khách hàng chủ yếu ở khu vực Hà Nội. Trong khoảng 1 năm hoạt động, đường dây này đã cho “xuất xưởng” hàng nghìn tấm bằng giả các loại của nhiều trường đại học, cao đẳng và thu về một số tiền lớn.

Các đối tượng trong đường dây bị Công an quận Nam Từ Liêm bắt giữ.

Vẫn còn nhiều đường dây khác

Sau khi đường dây làm giấy tờ giả này bị Công an quận Nam Từ Liêm bắt giữ, tưởng rằng sẽ làm cho những kẻ khác phải “ẩn mình” một thời gian, nhưng qua tìm kiếm trên Internet, chỉ với từ khóa “làm bằng giả”, một loạt các trang web nhận làm giấy tờ giải khác hiện ra trên đầu trang tìm kiếm, được quảng cáo một cách khá chuyên nghiệp.

Khi click vào trang web lambanggiatot.com, đập vào mắt người xem đó là một loạt những lời quảng cáo “thuyết phục”, cùng cách thức làm việc “uy tín”, (chỉ nhận tiền khi bằng tới tay). 

Theo lời quảng cáo của trang web này, bằng giả được làm một cách vô cùng chất lượng, sẽ được công chứng theo yêu cầu để sử dụng trong trường hợp cần thiết. Trang web này cũng “cam kết” với người mua là không thể phân biệt giữa bằng thật và bằng giả, ngay cả khi đi công chứng những cơ quan chức năng cũng khó có thể phát hiện bằng cấp giả.

“Việc bị phát hiện chỉ ở mức độ hy hữu bởi rất ít người có những nghiệp vụ hay học được cách kiểm tra bằng đại học thật hay giả. Mặt khác các cơ quan công chứng đều nhận rất nhiều hồ sơ trong một lúc nên mức độ kiểm tra cũng không quá khắt khe”, trang web này quảng cáo.

Còn theo trang web lambangdaihoc48h.com thì quảng cáo rằng, họ dùng phôi thật 100% nên việc phát hiện bằng giả là rất khó.

“Việc phát hiện bằng đại học giả cũng cần có nghiệp vụ và kiến thức chuyên sâu nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm bởi, việc làm bằng đại học có hồ sơ gốc của chúng tôi giúp khả năng nhận ra được bằng giả là không thể. Hơn nữa việc làm từ phôi thật nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi đi công chứng bất cứ đâu khi bạn cần”, thông tin từ trang web này cho biết.

Liên hệ với số điện thoại được đăng tải trên trang web này, một người tên Tuấn nhấc máy và tư vấn nhiệt tình về quy trình mua bán bằng đại học giả này. Để khẳng định “chất lượng” của những tấm bằng giả này, Tuấn cho biết: “Dịch vụ làm bằng đại học của chúng tôi sẽ đảm bảo bằng việc không lấy tiền cọc, và khi nhận bằng mới nhận tiền. Bạn có thể mượn bằng gốc của ai đó sau đó so sánh kết quả mà chúng tôi đưa cho bạn, nếu không giống chúng tôi sẽ hoàn lại tiền. Chúng tôi cũng đảm bảo sau khi giao dịch, mọi thông tin của bạn sẽ được xóa sạch trên hệ thống để bạn an tâm hơn khi sử dụng bằng”.

Quy trình làm bằng cụ thể như sau: Khách hàng phải cung cấp cho Tuấn các thông tin cá nhân cần thiết như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, ngành học… Đây là những thông tin sẽ được thể hiện trên tấm bằng giả sau này mà đường dây này hoàn thiện. Ngoài ra, bên cạnh bằng đại học, Tuấn còn cho biết có thể làm các giấy tờ, chứng chỉ kèm theo như bảng điểm, tất cả đều cam kết có hồ sơ gốc, phôi thật, tem thật chuẩn theo Bộ GD&ĐT, có dấu mộc giáp lai 100%.

Đối tượng này cho biết, chậm nhất là 48 tiếng sau khi cung cấp thông tin, khách hàng sẽ nhận đầy đủ các giấy tờ cần thiết của mình. Lúc này, người mua mới phải trả tiền cho người giao hàng khi nhận được giấy tờ. Đó là một cách để các đối tượng đảm bảo “uy tín” với khách hàng. Sau khi nhận bằng, khách có thể mang đi công chứng để làm hồ sơ xin việc. Bằng đại học, cao đẳng có giá 3 triệu đồng, còn các chứng chỉ khác có giá từ 2 triệu đồng.

Quảng cáo làm bằng giả một cách công khai.

Ai đang dùng bằng giả?

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra khách hàng đã mua những tấm bằng giả này là ai? Chắc chắn người đi mua bằng giả không phải để mang về cất. Thời gian qua, không ít cơ quan đã phát hiện cán bộ, viên chức sử dụng bằng giả. Mới đây nhất, tháng 2-2019, Thanh tra huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) khi vào cuộc xác minh đã phát hiện 7 trường hợp sử dụng Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình giả mạo.

Từ đơn thư tố cáo của người dân về gian lận trong kỳ thi viên chức, Thanh tra huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vào cuộc xác minh. Qua đó, cơ quan chức năng phát hiện 7 trường hợp sử dụng Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình là giả mạo. Làm việc với Thanh tra huyện, những người này thừa nhận mua chứng chỉ giả với giá 12.000.000 - 15.000.000 đồng…

Trước đó, trong quá trình công tác, nhiều lãnh đạo chủ chốt của xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã sử dụng bằng cấp giả để bổ sung vào hồ sơ công chức. Sự việc bị phát hiện và những cán bộ này đã bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo…

Vì thế để triệt xóa tận gốc, việc cần làm là phải xử lý nghiêm những người dùng bằng giả, bởi nếu vẫn có người cần sử dụng bằng giả thì bắt đường dây này, sẽ có đường dây sản xuất khác.

Hành vi sử dụng bằng giả là vi phạm pháp luật. Cụ thể, tại Điều 16 Nghị định 138/2013 quy định mức xử phạt hành chính đối với người vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ. Trong đó người có hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa, mức phạt từ 2 triệu đến 8 triệu đồng.

Ngoài bị phạt tiền, người sử dụng bằng giả còn bị tịch thu bằng giả đã sử dụng.

Trong trường hợp việc mua bán văn bằng, chứng chỉ đủ yếu tố cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, mức phạt đối với người có hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật là phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm.

Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng như sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng… thì mức phạt cao nhất là bảy năm tù.

Ngoài việc bị xử lý với hình phạt chính như trên, người phạm tội có thể bị phạt bổ sung với hình thức phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.

Đặc biệt, theo Nghị định số 34/2011 và Nghị định số 27/2012, cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả bị xử lý kỷ luật như sau: Cán bộ bị tòa án phạt tù (vì hành vi sử dụng bằng giả) mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc.

Nếu công chức, viên chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thì bị xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.

Riêng đối với trường hợp sử dụng bằng giả để học ở bậc học cao hơn thì bị xử lý với hình thức là đuổi học (nếu chưa học xong) hoặc hủy bỏ kết quả học tập, bằng (nếu đã học xong).

Hiền Lê
.
.
.