Thánh chiến trên biển?

Thứ Ba, 17/10/2017, 10:29
Ngày 16-7-2015, một chiếc thuyền đánh cá ngoài khơi al-Arish trên Bán đảo Sinai của Ai Cập đã phát tín hiệu khẩn cấp. Con tàu gần nhất, một tàu khu trục của Hải quân Ai Cập đã đáp lại. Khi tiếp cận, những kẻ khủng bố đã bắn tên lửa chống hạm phá hủy tàu Ai Cập. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ phục kích này.


Sự kiện đã gây chấn động Cairo, nhưng phần lớn bị bỏ qua ở Washington. Xét cho cùng, theo quan điểm của Lầu Năm Góc, cuộc chiến chống IS trước tiên phải tập trung ở Iraq và Syria. Washington cũng dành sự chú ý hạn chế đối với tình trạng thế lực IS ngày càng tăng ở Libya và Ai Cập. 

Tuy nhiên, sự tập trung chủ yếu là vào các vùng đất bị IS chiếm đóng. IS lúc đó chủ yếu tập trung ở Mosul và Raqqa, nơi hoàn toàn bị khóa trong đất liền. IS ở Afghanistan cũng vậy. Còn đối với Libya và Sinai? Bất kỳ lối thoát ra biển nào của IS cũng rất nhỏ và không an toàn.

Tuy nhiên, cuộc phục kích tại Địa Trung Hải nảy sinh một câu hỏi không thể bỏ qua: Chiến lược thánh chiến trên biển là gì?

Những kẻ khủng bố Al-Qaeda đã tấn công chiếc tàu USS Cole ngoài khơi Aden vào năm 2000, nhưng sự kiện đó đã bị lu mờ trước những cuộc đụng độ khác giữa Mỹ và Al-Qaeda, điển hình là các vụ tấn công ngày 11-9-2001, cũng như cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Afghanistan sau đó. Tuy nhiên, người Ảrập và thế giới Hồi giáo có di sản hàng hải phong phú và lâu dài, IS có thể tìm thấy nguồn cảm hứng từ điều này.

Sau thất bại của IS ở Iraq và ảnh hưởng của nó ở Syria cũng đang bị bóp nghẹt, rất có thể là tổ chức này sẽ phân tán, nhưng sẽ không biến mất. Nó có thể tạo ra một cuộc nổi dậy tại những địa bàn cũ của nó và trên toàn Trung Đông. Nó có thể chìm đắm trong các quốc gia thất bại khác và tiến hành khủng bố ở những nơi khác như Bỉ, Pháp, Anh, Nga và Úc. Nhưng nó có thể làm gì trên biển?

Một báo cáo của Đại học Thủy quân lục chiến gần đây do Norman Cigar, một trong những nhà phân tích và nhà ngôn ngữ Ảrập tài năng nhất, là một tài liệu quý giá về vấn đề này. Ông Cigar trước đây từng công bố về các lực lượng tên lửa chiến lược của Ảrập Xêút. Gần đây, ông đã chuyển sự chú ý tới IS, Al-Qaeda và các phần tử cực đoan khác. 

Ông Cigar lưu ý: "Một cuộc chiến thánh chiến hàng hải giữ một vị trí đặc biệt trong hệ thống phân cấp truyền thống của các lực lượng thánh chiến, và như một cơ quan hợp pháp của Al-Qaeda đã chỉ ra, được coi là đáng khen ngợi hơn so với thánh chiến trên đất liền”. Tuy nhiên, Al-Qaeda khá chậm chạp và kém phát triển trong hoạt động thánh chiến hàng hải.

Ông Cigar cho biết, chiến lược gia quân sự của Al-Qaeda, Abu Ubayd al-Qurayshi chính là người đầu tiên tìm cách lồng ghép hoạt động hàng hải vào một chiến lược thánh chiến rộng lớn hơn. Al-Qurayshi cho rằng điều này đặc biệt quan trọng để đạt được mục tiêu phá hoại nền kinh tế Mỹ, vì tầm quan trọng của thương mại và tự do hàng hải. 

Theo Qurayshi: “Nếu các chiến binh thánh chiến muốn đạt quy mô cuộc chiến trên toàn cầu, bước tiếp theo là kiểm soát biển và các cửa ngõ hàng hải. Cũng giống như chiến binh thánh chiến đã thành công trong việc phát triển các đơn vị tử vì đạo trên đất liền, thánh chiến trên biển đại diện cho chiến lược tiếp theo hướng tới việc thống trị thế giới và phục hồi tổ chức Caliphê Hồi giáo".

Còn IS, cho dù không được trang bị đầy đủ “lý luận chính trị”, không có nhiều văn kiện chiến lược như Al-Qaeda, nhưng cuộc tấn công vào tàu khu trục của Ai Cập không phải là hành động ngẫu hứng và đơn lẻ. 

Năm 2015, IS từng tuyên bố: “Ngày nay, những người thờ lạy Thập giá và những kẻ ngoại giáo làm ô nhiễm biển của chúng ta bằng tàu chiến, tàu thuyền, tàu sân bay, nuốt chửng tài sản của chúng ta và giết chúng ta trên biển... Cảm ơn Chúa, hậu duệ của những con sư tử chiến đấu trên biển vẫn còn sống và đã thành lập cho chúng ta một nhà nước Hồi giáo... Và, sau khi nắm quyền kiểm soát trên đất, nhờ ơn Chúa, IS cũng sẽ kiểm soát biển chỉ trong một khoảng thời gian ngắn”.

Ðông Văn
.
.
.