Thăng trầm của một số Thủ tướng Palestine

Thứ Sáu, 15/03/2019, 09:59
Hãng thông tấn Palestine (WAFA) vừa dẫn tuyên bố của ông Mohammad Shtayeh, người được Tổng thống Mahmoud Abbas bổ nhiệm làm tân Thủ tướng hôm 10-3. Theo đó, ông Mohammad Shtayeh hy vọng sớm thành lập tân chính phủ thông qua tham vấn với các phe phái Palestine và các tổ chức chính trị và xã hội.


"Tôi hiểu rõ tình hình chính trị, kinh tế và tài chính của chúng ta hiện nay. Do đó sẽ nỗ lực hợp nhất Nhà nước Palestine chủ quyền và độc lập, cũng như tiếp tục cuộc chiến vì quyền trở về của người Palestine", ông Mohammad Shtayeh tuyên bố, đồng thời cam kết nỗ lực phục vụ người dân, xóa bỏ bất công và khôi phục phẩm giá và lòng tự hào của người Palestine.

Ông Mohammad Shtayeh.

Trước khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng, ông Mohammad Shtayeh là thành viên Ban chấp hành trung ương đảng Fatah, là Chủ tịch Hội đồng Kinh tế về Phát triển và Tái thiết, từng là đại diện của Palestine tham gia các cuộc hòa đàm với Israel. Giới chuyên môn đánh giá cao ông Mohammad Shtayeh bởi tân Thủ tướng từng tu nghiệp tại Anh, là chuyên gia kinh tế, và là thân cận lâu năm của Tổng thống Mahmoud Abbas.

Ông Mohammad Shtayeh được cử thay thế người tiền nhiệm Rami Hamdallah (tuyên bố từ chức hôm 29-1) vì đã thất bại trong việc nỗ lực hòa giải với phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza. Hãng thông tấn WAFA dẫn phát biểu của Phó Chủ tịch đảng Fatah, ông Mahmoud al-Aloul cho biết, Tổng thống Mahmoud Abbas đã đề nghị ông Mohammad Shtayyeh đứng ra thành lập chính phủ mới.

Gần 2 tháng trước (29-1), Tổng thống Mahmoud Abbas đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Rami Hamdallah, nhưng yêu cầu chính phủ do ông lãnh đạo vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi chính phủ mới được thành lập.

Tổng thống Mahmoud Abbas đưa ra tuyên bố kể trên ngay sau khi Thủ tướng Rami Hamdallah và chính phủ đệ đơn xin từ chức, đánh dấu sự đổ vỡ hoàn toàn các nỗ lực hòa giải với Hamas. Và việc này diễn ra sau khi Ủy ban trung ương Fatah đề nghị thành lập một chính phủ có các đại diện của những phe nhóm thuộc Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) và một số thành viên độc lập đã rời bỏ Hamas.

Trước đó (27-1), ông Azzam al-Ahmad, ủy viên Ủy ban trung ương Fatah tiết lộ, PA đã lên kế hoạch thành lập chính phủ mới để đáp trả việc Hamas không chấp nhận trao lại quyền kiểm soát Gaza (kiểm soát từ năm 2007 đến nay). Theo tờ Wafa, Tổng thống Mahmoud Abbas đã tham vấn việc này với các thành viên thuộc PLO.

Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng Rami Hamdallah từ chức. Bởi gần 6 năm trước (20-6-2013), Tổng thống Mahmoud Abbas từng chấp thuận đơn từ chức của Thủ tướng Rami Hamdallah sau khi ông công bố ý định từ chức hôm 20-6-2013, chỉ 2 tuần sau khi nhậm chức. Và việc này diễn ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mahmoud Abbas với ông Rami Hamdallah, bàn về vướng mắc trong việc phân chia quyền lực.

Ông Rami Hamdallah.

Phó thủ lĩnh Hamas Khalil Al-Hayya từng tuyên bố, các nỗ lực hòa giải với Fatah chỉ có thể được bắt đầu sau khi các biện pháp trừng phạt đối với Gaza được bãi bỏ. Gần 1 năm trước (tháng 4-2018), Fatah đã đình chỉ thỏa thuận hòa giải sau khi đoàn hộ tống Thủ tướng Rami Hamdallah bị tấn công tại Gaza, đồng thời cáo buộc Hamas đứng sau "sự cố" này.

Hơn 2 tháng trước (2-1), cựu Thủ tướng Ismail Haniyeh, người đứng đầu Hamas từng tuyên bố, những quan ngại của Liên hợp quốc, Ai Cập và Qatar cho thấy, những gì đang diễn ra và có thể xảy ra ở Gaza sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ công cuộc đấu tranh của người dân Palestine và khu vực xung quanh. Theo giới truyền thông, khi làm Thủ tướng, ông Ismail Haniyeh từng nhiều lần bị mưu sát. Ông Ismail Haniyeh bị mưu sát cả trước, trong và sau khi rời ghế Thủ tướng.

Hơn 1 năm trước (31-1-2018), Mỹ đã liệt cựu Thủ tướng Ismail Haniyeh vào danh sách khủng bố và áp đặt trừng phạt đối với ông - mọi tài sản tại Mỹ bị phong tỏa, mọi cá nhân và công ty Mỹ đều bị cấm làm ăn với nhân vật này. Trước đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia khác đã liệt Hamas vào danh sách tổ chức khủng bố.

Quyết định bổ nhiệm ông Mohammad Shtayeh làm Thủ tướng diễn ra đúng thời điểm Chính quyền Palestine (PA) thông báo, đã áp dụng "ngân sách khẩn cấp" để đối phó với cuộc khủng hoảng tiền mặt do tranh cãi với Israel về việc trả tiền cho gia đình của những tù nhân và cựu tù nhân từng bị nước này giam cầm.

Đồng thời coi việc Israel khấu trừ doanh thu từ thuế chuyển hàng tháng cho PA là phi pháp. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Ramallah hôm 10-3, Bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch Shukry Bshara cho biết, quyết định kể trên được đưa ra trong cuộc họp giữa các quan chức PA với Tổng thống Mahmoud Abbas.

Vẫn theo ông Shukry Bshara, PA phải vay 50-60 triệu USD mỗi tháng trong 6 tháng tới và yêu cầu trợ giúp từ các ngân hàng và quỹ Arab & Hồi giáo. Và việc này diễn ra sau khi Hamas và Fatah phản đối mạnh mẽ đối với "Thỏa thuận thế kỷ" của Tổng thống Mỹ Donald Trump về tiến trình hòa bình Trung Đông.

Khắc Tuấn
.
.
.