Thâm nhập thế giới "tín dụng đen" châu Á: Những "cá mập" Ah Long - Kỳ 2

Chủ Nhật, 02/12/2018, 15:15
Ah Long (bắt nguồn từ cụm từ tiếng Quảng Đông “đại nhĩ lung") là một thuật ngữ thô tục chỉ hoạt động cho vay nặng lãi bất hợp pháp ở Malaysia và Singapore, cũng như những kẻ cho vay nặng lãi.

Thất học nhưng xài hàng hiệu

Họ mặc đồ hiệu, đeo đồng hồ Rolex, đi xe hơi hạng sang và tiêu tiền như nước ở các câu lạc bộ đêm. Đó là những “đại ca Ah Long” - những đại ca xã hội đen trong hoạt động cho vay nặng lãi ở Singapore hoặc Malaysia. 

“Nếu bạn xếp các tổ chức cho vay cá mập theo 5 cấp độ, họ có thể ở cấp độ thứ ba hoặc thứ tư”, Lionel de Souza, một cựu sĩ quan cảnh sát, cho biết. Ông De Souza có hơn 25 năm phục vụ trong lực lượng cảnh sát, hiện là Giám đốc của LJ Investigation & Consultancy Services.

Những ký hiệu khủng bố bên ngoài nơi ở của một con nợ.

Các đại ca Ah Long thường có những đặc điểm chung như: thất học, đa số chỉ học tới lớp 6 hoặc cao lắm cũng chưa hết cấp 3; nhiều năm hoạt động tội phạm, họ thường xây dựng băng đảng của mình trong thời gian ở tù. Nhờ những mối quan hệ bất hảo đó, họ được những ông trùm Ah Long chú ý tuyển dụng sau khi được ra tù. Tiền đối với họ rất dễ kiếm, vì họ được chia lời khá lớn cùng các ông chủ của họ. 

Điển hình là các tay sai của anh em Chua Tiong Tiong (52 tuổi, biệt danh Ah Long San) và Chua Tiong Chye, 44 tuổi, người đứng đầu một tổ chức cho vay bất hợp pháp nhiều triệu USD trước khi sa lưới vào năm 1998. Chua em có biệt danh Lau Ter Kor, nghĩa là “Tên điên ở Phúc Kiến”, có thu nhập tới 300.000USD/tháng vào lúc đỉnh cao “sự nghiệp” cho vay nặng lãi và thường xuyên lượn lờ trên chiếc Lexus sang trọng.

Lau Ter Kor điều hành một mạng lưới cho vay nặng lãi với các đàn em là những đại ca Ah Long. Theo đó, hắn sẽ chia cho mỗi đại ca Ah Long dưới trướng 50.000USD để họ đi cho vay và thu lời về. Nếu một đại ca Ah Long đem 50.000USD đó đi cho vay và mang về số tiền lời được đúng bằng số tiền vốn, Lau Ter Kor sẽ cho phép anh ta giữ một nửa. 

Trong thực tế, những con cá mập cho vay dùng một khoản vay từ các ông trùm để đi cho vay nặng lãi, nhưng lãi suất họ phải trả cho các ông trùm dĩ nhiên ít hơn mức lãi suất 20% bình thường. Vì vậy, khi đã cho vay họ có áp lực buộc con nợ phải nhanh chóng trả tiền, nếu  không ông trùm sẽ săn đuổi chính các đại ca Ah Long.

Bắt con nợ đi đòi nợ

Các đối tượng bọn cho vay Ah Long nhắm đến là những người không thể tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng hoặc các nguồn hợp pháp khác, chủ yếu là các con bạc thường xuyên. Thông thường, bọn Ah Long kín đáo quảng cáo bằng cách dán thông báo, chủ yếu trên các cột đèn và hộp tiện ích xung quanh các khu phố. 

Theo ông De Souza, trong những năm gần đây các đại ca Ah Long ngày càng khôn khéo hơn trong các chiến thuật cho vay. Chẳng hạn, họ chỉ sử dụng số điện thoại di động trả trước đăng ký dưới tên con nợ của họ. Nhiều trong số các con nợ này bị buộc phải trở thành kẻ đòi nợ như một cách để trả bớt nợ. Vì vậy, khi cảnh sát bắt giữ một con nợ bị biến thành kẻ đòi nợ và truy các số điện thoại di động, họ chỉ tìm được các con nợ khác. 

Một chiêu khác là sử dụng con nợ để mở tài khoản ngân hàng nhưng thẻ ATM và mật mã truy cập, số điện thoại để truy cập... đều do các đại ca Ah Long nắm giữ. Khi các con nợ trả tiền, họ gửi tiền vào tài khoản của mình và kẻ cho vay nặng lãi lập tức dùng thẻ ATM để rút tiền, như vậy sẽ giảm nguy cơ bị cảnh sát tóm được.

Ông De Souza nói thêm: “Có một nhóm đại ca Ah Long thậm chí mồi chài con nợ bằng cách khuyến khích họ đánh bạc trên các con tàu. Họ sẽ nói với con nợ: Đừng bận tâm nếu bạn không có tiền để trả lại cho chúng tôi, cứ chơi đi khi nào thắng thì trả. Và như vậy, con nợ của họ sẽ càng nặng nợ hơn”. 

Một “cá mập” Ah Long bị Cảnh sát Singapore bắt giữ.

Họ thường cho vay với lãi suất tức thời là 20%. Đối với khoản vay 1.000 USD, người vay chỉ nhận được 800 USD vì 200 USD bị trừ tiền lãi ngay lập tức. Nếu bạn trả 600 USD vào tuần tiếp theo, tức là vẫn chưa đủ 1.000 USD, những người cho vay tiền chỉ tính là 400USD được hoàn trả, vì 200 USD đã bị tính vào lãi suất. Cứ như vậy, khoản vay sẽ bị tính lên mãi.

Không trả nợ, bị bắt vợ

Khi một người không trả tiền trong thời gian, Ah Long sẽ phun sơn, té sơn hoặc chất bẩn, hay viết những lời đe dọa hoặc đánh dấu trên các bức tường của ngôi nhà hoặc tài sản của con nợ như một cách đe dọa làm họ sợ hãi hay có lẽ thậm chí xấu hổ. Một nội dung phổ biến trong các bức tranh đe dọa con nợ bao gồm các ký tự "O$P$" nghĩa là "nợ tiền, trả tiền", cũng như số hiệu của con nợ. 

Theo cơ quan cảnh sát ở Singapore và Malaysia, đã có trường hợp người đi vay và thậm chí cả các thành viên gia đình của họ bị đánh đập hay tài sản bị hư hỏng hoặc bị phá hủy, và một số nạn nhân đã chọn cách tự tử. 

Trong các trường hợp khác, chúng đập các chậu hoa được đặt bên ngoài nhà của các con nợ; cửa nhà hoặc cổng nhà con nợ đôi khi bị cột lại; trường hợp cực đoan hơn, nhà cửa hoặc xe của con nợ bị đốt cháy. Đôi khi bọn đòi nợ còn treo đầu lợn bên ngoài ngôi nhà của con nợ, như một loại đe dọa cũng như một cách để “đánh dấu” người đó đã không thể trả nợ. 

Ah Long đôi khi đột nhập vào nhà nạn nhân và đánh cắp các món đồ có giá trị ngang với các khoản vay. Phương pháp này thường được sử dụng để tiết kiệm thời gian và nỗ lực. 

Gần đây, các Ah Long còn phóng to thẻ căn cước của con nợ trên một biểu ngữ khổng lồ và treo nó trên hàng rào. Vì các Ah Long chỉ cần chứng minh nhân dân của người vay là đã cho vay tiền, nên chiêu này trở nên phổ biến vì nó làm con nợ cảm thấy xấu hổ. Thường những người đi vay sử dụng chứng minh thư cũ để vay tiền, với ý định không trả nợ.

Báo New Straits Times cho biết nếu con nợ không thể trả nợ, các đại ca Ah Long có thể bắt vợ hoặc con gái họ đi làm mại dâm để thế nợ. Theo Datuk Michael Chong, Giám đốc Dịch vụ công và Khiếu nại MCA, đây là phương cách cuối cùng bọn cho vay nặng lãi dùng đến khi cảm thấy không còn cách nào khác để thu hồi nợ. Ông Chong cho biết thay vì để bị truy đuổi hay đánh đập, một số con nợ đã chọn cách này. “Các Ah Long cũng chụp hình khỏa thân của những người phụ nữ và gửi đi bằng các tin nhắn”, ông Chong cho biết.

Trong khi những người đòi nợ thuê bị tóm và bỏ tù vì các tội như phá hoại của công hoặc cho vay tiền bất hợp pháp, các đại ca Ah Long phải đối mặt với các hình phạt cứng rắn hơn. Họ có thể bị giam giữ theo Luật hình sự ở Singapore, còn được gọi là giam giữ không xét xử. 

Đạo luật được áp dụng chỉ khi một tội phạm nghiêm trọng đã cấu thành nhưng không thể truy tố vì nhân chứng không sẵn sàng hoặc quá sợ hãi để làm chứng tại tòa án. Chỉ có cấp bộ trưởng trở lên mới có thể ký lệnh giam giữ này. Nó có giá trị trong 2 năm và có thể được tái tục.

Hòn Rồng
.
.
.