Thâm nhập thế giới "tín dụng đen" châu Á - Kỳ 1
- "Sống trong sợ hãi" vì lâm nạn tín dụng đen
- “Đập tan” ổ nhóm côn đồ chuyên bảo kê tín dụng đen...
- Chặn đứng “vòi bạch tuộc” tín dụng đen
Mạng lưới ngầm yamikinyu
Ở Nhật Bản, hoạt động cho vay cắt cổ được gọi là yamikinyu và những người cho vay gọi là sarakin. Họ sẽ gọi đến công sở của con nợ hàng chục lần mỗi giờ để đòi nợ; gửi giấy đòi nợ đến nhà vào lúc nửa đêm. Nếu con nợ nói không thể trả tiền, họ sẽ “gợi ý” con nợ bán bớt một quả thận hoặc một con mắt để lấy tiền và “tình nguyện” làm việc lấy thận hoặc mắt cho anh ta.
14 triệu con nợ
Theo báo Economist (Anh), khoảng 14 triệu người (10% dân số Nhật Bản) đã vay tiền của các sarakin. Hiện có khoảng 10.000 “công ty” hoạt động trong lĩnh vực yamikinyu, đã giảm nhiều so với 30.000 cách nay một thập niên. Tổng giá trị thị trường này vào khoảng 100 tỷ USD. Những công ty yamikinyu lớn thậm chí còn niêm yết trên thị trường chứng khoán và thường có quan hệ mật thiết với các ngân hàng lớn và cả với yakuza - mafia Nhật Bản. 7 công ty lớn nhất chiếm tới 70% thị phần.
Toyoki Yoshida nhớ lại mùa đông năm 2002 khi đã quyết định treo cổ tự tử sau khi bị các phần tử yakuza đòi nợ nhiều tuần liền do món nợ 500.000 yen (6.300USD). May mắn là sợi dây thừng bị đứt, khiến anh giữ được mạng sống. Các khoản vay với lãi suất tới 5.000%/năm, là những món nợ Yoshida vay từ 96 sarakin, trong đó có nhiều người liên quan đến các tổ chức tội phạm.
Làm ở bộ phận thanh toán của một công ty điện tử Tokyo, Yoshida đã vay các công ty tài chính tiêu dùng và rơi vào vòng xoáy của nợ nần. “Tôi phải vay tiền từ các sarakin sau khi các công ty hợp pháp từ chối cho tôi vay”, Yoshida kể. “Tôi đã hoảng loạn và không có thời gian để suy nghĩ”.
Yakuza là thế lực ngầm trong hoạt động cho vay nặng lãi ở Nhật Bản. |
Yoshida bắt đầu tích lũy nợ vào đầu những năm 1990, khi anh khai thác dịch vụ vay tiêu dùng cho giải trí. Đến năm 2000, ông còn nợ 30 triệu yen. Sau khi chủ nợ gọi đến công sở để đòi nợ, anh đã phải bỏ việc và bắt đầu chuyển qua kênh vay nặng lãi. Bị lôi cuốn bởi một tờ báo lá cải quảng cáo một kế hoạch tín dụng “trái tim nóng”, anh đã vay khoản vay yamikin đầu tiên với 50.000 yen, lãi suất 27.000 yen/tuần, tức 2.800%/năm.
“Để trả nợ các khoản vay từ một tổ chức phi ngân hàng, tôi đã vay tiền từ một yamikin”, Yoshida kể. “Và để trả nợ đó, tôi vay mượn từ yamikin khác”. Chẳng bao lâu, anh mang nợ với 96 người cho vay nặng lãi khắp thủ đô Nhật Bản. Bọn cho vay bắt đầu đe dọa anh và bố mẹ anh. Họ cũng đề nghị anh bán bớt một quả thận để trả bớt nợ. Cơn ác mộng của Yoshida chỉ kết thúc sau khi được luật sư chấm dứt các hợp đồng vay nợ thông qua một đơn khai phá sản và thanh toán từng phần.
Vào giữa những năm 2000, số người tự tử vì lý do kinh tế ở Nhật Bản lên đến gần 9.000 người/năm. Tình hình nghiêm trọng khiến vào năm 2006, Quốc hội Nhật Bản phải thông qua một đạo luật siết lại hoạt động cho vay cắt cổ. Nhờ đó, số người tự sát vì kinh tế đã giảm còn 6.400 năm 2011, tội phạm cho vay giảm 24% và sự tham gia của yakuza hoặc băng đảng tội phạm đã giảm xuống còn 83%, từ mức 1.425, theo báo cáo của Cảnh sát Quốc gia.
Một phần của nền kinh tế
Một số nhà lập pháp cho rằng luật đã đi quá xa trong việc siết hoạt động cho vay phi ngân hàng và như vậy sẽ cắt phao tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ. Năm 2012, đảng Dân chủ tự do (LDP - khi đó là đảng đối lập) vận động chiến dịch để nâng trần lãi suất tín dụng từ 20% lên 30%.
“Cho vay ngắn hạn rất quan trọng đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ, những người thường dựa vào nguồn tài chính phi ngân hàng để mua hàng trước khi nhận được thanh toán từ khách hàng”, Masaaki Taira, lãnh đạo chiến dịch của LDP, nói. Thậm chí, trong đảng Dân chủ (DPJ) đang cầm quyền lúc đó cũng có một số người tin cần phải nới lỏng.
Tại Nhật Bản, Luật Kiểm soát cho vay yêu cầu nhà cho vay chỉ cần đăng ký ở cấp tỉnh. Sau thập niên mất mát, các ngân hàng cạn tiền cho vay nên các quy định cho vay ngày càng khắt khe, khiến việc tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp khó khăn hơn. Do đó, hoạt động vay bất hợp pháp đã trở thành một vấn đề xã hội. Các sarakin thường tính lãi suất 30-50% trong 10 ngày, tức khoảng 1.442.000% hoặc 267.500.000% mỗi năm!
Vượt xa mức trần 20%/năm do pháp luật quy định. Quy định chặt chẽ hơn đã giúp giảm số người vay nợ với ít nhất 5 công ty tài chính tiêu dùng xuống còn 440.000 tính đến tháng 3-2012, so với 1,7 triệu người 5 năm trước đó. Các khoản cho vay từ các công ty như vậy đã giảm 40% trong 5 năm, còn 26.100 tỷ yen tính đến tháng 3-2011.
Cổ phiếu niêm yết trên sàn Tokyo của Acom, nhà cho vay tiêu dùng lớn nhất Nhật Bản, đã giảm 68% trong 6 năm kể từ khi luật siết tín dụng ra đời. 2.300 công ty tài chính tiêu dùng của Nhật Bản, thường bán nợ để lấy tiền cho vay chứ không nhận tiền gửi, cung cấp 5,1% trong 685.000 tỷ yen tín dụng doanh nghiệp và tiêu dùng ở Nhật Bản. Các ngân hàng cho vay ít hơn, 650.000 tỷ yen.
Chuyện của một sarakin
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một số nghiên cứu gần đây cho thấy hoạt động cho vay yamikin đã tăng trở lại. Năm 2011, có 580.000 khoản vay yamikin, tăng từ 420.000 năm 2009. Một samarin lấy tên giả là Longtail tiết lộ rằng công việc kinh doanh của hắn rất ít chịu ảnh hưởng bởi những luật mới ra. “Các công ty cho vay đang cảm thấy áp lực của các quy định mới, nhưng việc kinh doanh của tôi là bất hợp pháp, nên cũng không thực sự rắc rối hơn so với trước đây”, Longtail nói.
Trước tiên, Longtail cho biết những samarin như hắn không có văn phòng, vì vậy cảnh sát không thể tìm thấy chúng, và chúng sử dụng điện thoại di động để kinh doanh. Mọi người nói về yamikin như tất cả đều giống nhau, nhưng thật ra họ có nhiều cách tiếp cận khác nhau.
‘Có những yamikin đăng ký dưới hình thức công ty và có vẻ bị ảnh hưởng bởi các luật mới; còn những kẻ không đăng ký như tôi nữa”, Longtail nói. Tuy nhiên, luật mới không cho phép yamikin quảng cáo một cách công khai nữa. Vậy, làm sao Longtail “dụ dỗ” được con nợ mới?
Theo Longtail, có rất nhiều “kỹ thuật” khác nhau. Chẳng hạn thành lập một cửa hàng cho thuê đồ nội thất. Sau đó, bạn có thể dán quảng cáo đánh vào tâm lý những người muốn thuê được đồ nội thất nhanh chóng. Một cách khác là thu hút con mồi qua điện thoại, hoặc chỉ kinh doanh theo mạng lưới truyền miệng... Longtail nói hắn sử dụng 2 phương pháp: phát tờ rơi và danh sách. Các tờ rơi hắn dán trên cột điện thoại và bốt điện thoại công cộng.
“Rất nhiều người gặp rắc rối, nhìn thấy tờ rơi và gọi. Còn danh sách, đó là danh sách các yamikin hoạt động trong thế giới ngầm. Chúng tôi cũng hoạt động như một bộ máy, các samarin cung cấp giá cả, điều kiện cho vay và lãi suất của mình cho một ông trùm, ông trùm này công bố các đường dây yamikin cho các khách hàng có nhu cầu. Khách hàng có thể so sánh điều kiện, giá cả của một samarin và quyết định. Họ sẽ chọn một yamikin và gọi…”, Lontail tiết lộ. Và như vậy, các yamikin vẫn tồn tại ngoài vòng pháp luật.