Điều tra hàng chục quan chức dưới các thời Thủ tướng Abhisit và Yingluck
Hãng tin Sputnik của Nga dẫn lời một quan chức trong Văn phòng Tổng Kiểm toán Thái Lan cho biết, chịu trách nhiệm điều tra ban đầu về những thông tin này do Tổng cục Thuế đảm nhiệm. Sau khi thanh tra, xem xét, nếu Tổng cục Thuế phát hiện ra sai phạm sẽ có những bước xử lý tiếp theo như điều tra hình sự, truy tố...
Cũng theo hãng tin này, mục đích kiểm tra của Tổng cục Thuế là phát hiện xem các trường hợp trốn thuế trong khi đang tại nhiệm của 38 cựu quan chức này và liệu họ có lợi dụng chức quyền để giảm thuế hay miễn thuế cho các công ty có liên quan đến gia đình hoặc thân nhân trong gia đình mình.
Với các trường hợp có khối tài sản khổng lồ một cách nhanh chóng thì theo Tổng Kiểm toán Thái Lan Pisit Leelavachiropas, phải có giải trình rõ ràng, cụ thể nguồn gốc số tiền, tài sản. Đối với một số trường hợp cựu quan chức được cho là khai man tài sản thì phải làm rõ khối tài sản sở hữu lúc đó.
Tổng cục Thuế Thái Lan sẽ thanh tra hồ sơ thuế của 38 cựu quan chức chính phủ. |
Chẳng hạn, theo lời ông Pisit Leelavachiropas, chỉ một cựu thành viên nội các của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva khai có 291.000 USD nhưng nhiều người lại cho biết, số tài sản của họ trị giá từ 670.000 USD đến 84 triệu USD.
Đây là con số quá lớn so với thu nhập của một thành viên nội các theo lương ngân sách. Nhóm nghiên cứu Kom Chad Luek Online hồi cuối tháng 3 công bố một báo cáo cho thấy, nhiều khả năng, 19 thành viên của chính phủ Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã "giàu bất bình thường" từ tháng 12-2008 đến tháng 8-2001.
Đối với các quan chức dưới thời chính phủ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, ông Pisit Leelavachiropas cho rằng, có một nửa trong số đó là kê khai tài sản chưa đúng hoặc khai man thuế. Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Thái Lan chỉ nói đây là danh sách tình nghi và các tình tiết cụ thể chỉ được xác định sau khi Tổng cục Thuế thanh tra.
Theo luật pháp Thái Lan, các quan chức giữ vị trí cao phải kê khai tài sản và nợ lên Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (PACC) trong 3 thời điểm: khi được bổ nhiệm, khi mãn nhiệm và 1 năm sau khi rời khỏi vị trí trong chính phủ. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, Thái Lan thường xuyên phát hiện ra các vụ gian lận và trốn thuế, trong đó có nhiều đối tượng là quan chức.
Mới đây nhất, Thái Lan đã kết án 50 năm tù giam đối với cựu quan chức đứng đầu Uỷ ban Xúc tiến du lịch Thái Lan vì tội nhận hối lộ 1,8 triệu USD từ 2 nhà sản xuất Hollywood và tội trốn thuế.
Năm 2015, ông Siripong Riyakarntheera-chote, một quan chức cấp cao trong Bộ Tài chính Thái Lan cũng bị cách chức sau khi bị nghi ngờ dính líu đến vụ gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) gây thiệt hại gần 100 triệu USD cho Nhà nước.
Khi đó, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế Thái Lan đã phát hiện 30 pháp nhân lập các công ty xuất khẩu kim loại không có thật. Các công ty ma này đã nộp tài liệu giả mạo lên Phòng thuế quận Bang Rak xin hoàn thuế VAT.
Theo báo The Nation, tên của những thành viên hội đồng quản trị ở những công ty xuất khẩu giả mạo này và địa chỉ làm việc y hệt như nhau. Vụ gian lận được thực hiện thông qua một lỗ hổng trong điều 9 của Luật Hải quan Thái Lan. Điều 9 quy định VAT thu trên các vật liệu nhập khẩu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu có thể được hoàn lại...
Trở lại cuộc điều tra của Tổng cục Thuế, hồi cuối tháng 3, cơ quan này đã quyết định truy thu khoản tiền thuế gần 5 tỷ USD mà gia tộc Thaksin phải nộp trong vụ bán cổ phần Tập đoàn Shin Corp hồi năm 2006.
Hiện Tổng Kiểm toán Thái Lan Pisit Leelavachiropas đã có một văn bản đến Tổng cục Thuế để yêu cầu định giá các tài sản cố định và tình hình tài chính của những chính trị gia nói trên để rà soát xem những người này có phạm tội trốn thuế thu nhập hay không.
Trong danh sách này, 100 cựu quan chức có nhiều biến động và ít nhất 60 người trong số đó có khả năng phải đóng thuế thu nhập. Tuy nhiên, trước mắt, Tổng cục Thuế sẽ tạm thanh tra hồ sơ thuế của 38 quan chức cấp cao nhất.