Thách thức mới trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc
Theo tờ Straits Times, với cương vị mới, ông Triệu Lạc Tế sẽ phải nỗ lực để giải quyết "vấn nạn tham nhũng trong xã hội", như tuyên bố của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tại lễ bế mạc Đại hội 19 hôm 24-10.
Theo giới chuyên môn, vì từng làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương nên ông Triệu Lạc Tế có nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức, thuận lợi khi tiếp quản công việc từ người tiền nhiệm Vương Kỳ Sơn. Với tư cách "Tổng tư lệnh" chiến dịch chống tham nhũng và làm trong sạch bộ máy, ông Triệu Lạc Tế phải phát huy thành tích mà người tiền nhiệm đã đạt được - trong 5 năm qua, gần 450 quan chức cấp cao bị điều tra (bao gồm 43 ủy viên Trung ương chính thức và dự khuyết) và trong số 1,5 triệu vụ việc được ghi nhận, có 58.000 trường hợp được chuyển tới cơ quan chức năng xử lý.
Ông Triệu Lạc Tế khi làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương. |
Trong số những quan chức cấp cao bị xử lý, đáng quan tâm có cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang; cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai và Tôn Chính Tài; cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng; cựu Phó Chủ tịch Chính Hiệp Lệnh Kế Hoạch.
Theo giới truyền thông, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương hôm 29-10, ông Triệu Lạc Tế tuyên bố, cơ quan này phải đạt được "thắng lợi bao trùm" trong cuộc chiến chống tham nhũng, và thành lập một khung pháp lý được thể chế hóa để quan chức không có cách nào để tham nhũng.
Theo thống kê, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2017, đã có 56 quan chức từ cấp tỉnh trở lên bị điều tra và trừng phạt. Theo giới truyền thông, Trung Quốc dự định thành lập một đơn vị mới (từ đầu năm 2018) để thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng.
Theo đó, đối tượng của chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" sẽ nhằm vào cả những viên chức không phải là đảng viên. Được biết, việc này đã được "chạy thử nghiệm" tại 2 tỉnh Sơn Tây, Chiết Giang và thủ đô Bắc Kinh từ tháng 1-2017 và sẽ được nhân rộng ra toàn quốc. Và ủy ban giám sát mới (có tên gọi Ủy ban Giám sát quốc gia, sẽ được thông qua tại kỳ họp quốc hội diễn ra trong tháng 3-2018) sẽ chia sẻ nơi làm việc và công việc với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật địa phương.
Theo tờ South China Morning Post, nhân viên giám sát trong tương lai được phép thẩm vấn nghi phạm tham nhũng và lục soát nhà cửa, tài sản của họ trước khi vụ việc được giao cho cơ quan tư pháp. Theo giới truyền thông, Ủy ban Giám sát Quốc gia mới sẽ tiếp quản công việc từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và hợp nhất nhiều đơn vị chống tham nhũng khác.
Theo tờ Nikkei Asian Review, từ nay đến năm 2022, Trung Quốc sẽ đưa thêm "hổ, cáo và ruồi" vào tầm ngắm khi thành lập thêm một cơ quan chống tham nhũng mới. Trước đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Bộ trưởng Bộ Giám sát Dương Hiểu Độ khẳng định, sau Đại hội 19, trọng điểm tấn công quan tham vẫn là những cán bộ lãnh đạo đang giữ cương vị quan trọng.
Trước khi được bổ nhiệm làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Triệu Lạc Tế (sinh ngày 8-3-1957 trong một gia đình trí thức ở thành phố Tây Ninh, thủ phủ của tỉnh Thanh Hải, nhưng tổ phụ lại ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây) là Bí thư tỉnh ủy Thanh Hải, Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây.
Ông Triệu Lạc Tế đi lên từ thông tín viên Sở Thương mại tỉnh Thanh Hải (1975-1977) và sau khi học chuyên ngành Triết học của Trường Đại học Bắc Kinh (1977-1980), ông về làm việc tại Phòng Chính trị Sở Thương mại, tỉnh Thanh Hải.
Sau khi làm Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Thanh Hải (1991-1993), ông Triệu Lạc Tế được bổ nhiệm làm Trợ lý Tỉnh trưởng Thanh Hải (1993-1994). Con đường công danh của ông Triệu Lạc Tế rộng mở kể từ khi làm Phó Tỉnh trưởng Thanh Hải, Bí thư Thành ủy Tây Ninh, Phó Bí thư, Quyền Tỉnh trưởng tỉnh Thanh Hải.
Từ năm 2000, ông Triệu Lạc Tế lần lượt được bổ nhiệm làm Phó Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Thanh Hải và Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hải. Khi đó, ông Triệu Lạc Tế là nhà lãnh đạo cấp tỉnh trẻ nhất ở Trung Quốc. Khi làm Tỉnh trưởng và Bí thư tỉnh ủy Thanh Hải, ông Triệu Lạc Tế đã tạo dấu ấn với việc tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và GDP tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2000-2007.
Sau khi làm Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây (2008-2012), ông Triệu Lạc Tế được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Ông Triệu Lạc Tế là lớp cán bộ tốt nghiệp đầu tiên sau Cách mạng Văn hóa và là Ủy viên Trung ương các khóa 16, 17, 18 và 19.