Thách thức của nữ Bộ trưởng Tư pháp da màu đầu tiên

Thứ Hai, 04/05/2015, 08:30
Với tỷ lệ 56 phiếu thuận và 43 phiếu chống, công tố viên liên bang kỳ cựu tại New York Loretta Lynch đã được Thượng viện phê chuẩn là người thay thế Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder. Trước đó (26/2), Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã bỏ phiếu ủng hộ (12 phiếu thuận và 8 phiếu chống) bà Loretta Lynch trở thành Bộ trưởng Tư pháp, sau khi người tiền nhiệm Eric Holder từ chức hồi tháng 9/2014. 

Vậy là sau hơn 5 tháng được Tổng thống Barack Obama đề cử (8/11/2014), ngày 23/4, bà Loretta Lynch chính thức trở thành bóng hồng gốc Phi đầu tiên đảm trách cương vị Bộ trưởng Tư pháp. Còn bà Janet Reno là nữ Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của nước Mỹ (1993-2001). 

Với tư cách Bộ trưởng Tư pháp gốc Phi đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, nên ông Eric Holder (là một trong những thành viên nội các lâu năm nhất trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama) vô cùng vui mừng trước thông tin kể trên và chúc mừng bà Loretta Lynch trên cương vị này.

Tân Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest từng tuyên bố, bà Loretta Lynch là công tố viên mạnh mẽ, độc lập, từng 2 lần đứng đầu một trong những văn phòng công tố quan trọng nhất nước Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Chuck Grassley (người của đảng Cộng hòa) cho rằng, rất hiếm có công tố viên nào phấn đấu vươn lên đến chức Bộ trưởng Tư pháp. Tân Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch từng tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Havard, là nữ chính khách được đánh giá cao với những thành tích trong việc trấn áp tham nhũng, khủng bố và có nhiều kinh nghiệm trong các vụ án dân sự và kinh tế.

Theo giới truyền thông, một trong những thách thức của tân Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch là cải thiện hoạt động của lực lượng cảnh sát sau những bê bối mới đây. Theo đó, phải đưa ra những chỉ dẫn nhằm chấm dứt tình trạng cảnh sát bắt người dựa trên yếu tố sắc tộc, sau sự kiện một thiếu niên da đen không vũ trang bị một cảnh sát da trắng bắn chết ở thành phố Ferguson, bang Missouri.

Bởi ông chủ Nhà Trắng từng tuyên bố, người Mỹ da màu không cảm thấy họ được cảnh sát đối xử công bằng, tạo nên "sự mất lòng tin âm ỉ" trong cộng đồng và làm suy yếu đất nước. Và ông Barack Obama cũng đã đề xuất chi hơn 260 triệu USD cho lực lượng cảnh sát trên cả nước để trang bị 50.000 máy ghi hình đeo thân cho cảnh sát để quay lại những tương tác của họ với người dân, cũng như tài trợ huấn luyện nhiều hơn cho cảnh sát.

Tiếp đến là giải quyết hệ lụy của cáo buộc: Bộ Tư pháp đã xâm phạm sự riêng tư của người dân khi sử dụng máy bay hạng nhẹ mang theo thiết bị thu sóng điện thoại di động để thu thập tín hiệu.

Theo tờ Wall Street Journal, việc này được điều hành bởi Cục Cảnh sát trực thuộc Bộ Tư pháp. Và từ năm 2007, Mỹ đã điều máy bay do thám loại nhỏ triển khai đến ít nhất 5 sân bay lớn để tiến hành thu thập thông tin nhờ thiết bị Dirtboxes có khả năng thu phát tín hiệu tương tự tháp di động.

Theo kỹ thuật viên trưởng của tổ chức Liên đoàn Quyền tự do Công dân Mỹ Christopher Soghoian, không thể chỉ để bắt một nghi can, mà người ta có quyền xâm phạm sự riêng tư của hàng ngàn, hàng triệu người. Sau đó là cuộc chiến chống lại kế hoạch khủng bố của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cân bằng giữa quyền riêng tư của người dân với nỗ lực giám sát của chính phủ, hay có quyết định truy tố cựu nhân viên CIA Edward Snowden…

Cuối cùng là vấn đề đóng cửa nhà tù tại Guantanamo. Bởi trong 6 năm điều hành Bộ Tư pháp, người tiền nhiệm Eric Holder từng đưa ra một số quyết sách gây tranh cãi sâu sắc với đảng Cộng hòa khi siết chặt buôn bán và sở hữu súng đạn, chỉ trích hệ thống nhà tù Mỹ, đề xuất xét xử những nghi can khủng bố tại tòa dân sự thay vì tòa án quân sự, mở rộng điều tra những trường hợp cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức và kiện chính quyền bang Arizona về đạo luật chống di dân; kiện bang Bắc Carolina và Texas về những hạn chế bỏ phiếu xâm phạm quyền của các sắc tộc thiểu số.

Dư luận từng bàn luận sau tuyên bố từ chức hôm 25/9/2014 của ông Eric Holder bởi khi đó Bộ trưởng Tư pháp không nói nguyên nhân ra đi, mặc dù giới truyền thông từng đề cập tới những bất đồng sâu sắc với đảng Cộng hòa và Quốc hội Mỹ của Bộ trưởng Tư pháp phục vụ lâu thứ tư trong lịch sử nước Mỹ.

Mặc dù đã xác nhận và thông qua quyết định từ chức của ông Eric Holder, nhưng Tổng thống Barack Obama vẫn yêu cầu người đồng minh lâu năm đảm trách cương vị Bộ trưởng Tư pháp cho tới khi tìm được người thay thế. Trong khi Tổng thống Barack Obama ca ngợi những đóng góp của Bộ trưởng Tư pháp trong lĩnh vực quyền dân sự, chống khủng bố và tham nhũng, thì đảng Cộng hòa lại coi như không biết tới sự tồn tại của ông Eric Holder trong nội các.

Nhiệm Bình
.
.
.