Tấn công mạng và nguy cơ phóng bom nguyên tử

Thứ Ba, 30/01/2018, 14:50
Các hoạt động tấn công trên không gian mạng có thể dẫn đến việc vô tình kích hoạt hệ thống tấn công hạt nhân của các nước, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chatham House có trụ sở ở Anh.


Theo một nghiên cứu của Chatham House, vũ khí hạt nhân là trung tâm của chiến lược địa chính trị và chiến lược quân sự hiện đại nhưng nó đã được ra đời ở thời kỳ mà chiến tranh điện tử sơ khai, không có gây nhiễu vô tuyến hay virus máy tính. Hay nói cách khác, các hệ thống hạt nhân ngày nay đã được phát triển ở thời đại tiền kỹ thuật số, nên nó ít được chú ý tới tính dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công nguy hiểm trên không gian mạng.

Vào thời kỳ cao điểm Chiến tranh Lạnh, các kho vũ khí hạt nhân ở Đông và Tây đã sử dụng các biện pháp bảo vệ khác nhau. Người Mỹ đã sử dụng các cơ chế khóa cơ điện tinh vi để bảo vệ bom, người Anh tin tưởng vào các phím bấm đơn giản. Trong khi đó Liên Xô thích sử dụng một hệ thống bí mật được tự động hóa với rất ít sự tham gia của con người.

Tuy nhiên hiện nay, việc sử dụng công nghệ số tinh vi trong các cơ chế chỉ huy, điều khiển và truyền thông của các hệ thống hạt nhân đã tạo ra những lỗ hổng nghiêm trọng. Theo nghiên cứu của Chatham House, những lỗ hổng này có thể là sai lầm của con người hoặc một cuộc tấn công mạng từ kẻ thù địch: các nhóm khủng bố, tội phạm có tổ chức, điệp viên và thậm chí cả các cá nhân độc ác hoặc tinh nghịch.

Một tàu ngầm hạt nhân của Anh ở Faslane, Scotland.

Vấn đề là các cuộc tấn công mạng ngày nay đã thay đổi về tính chất. Cuộc tấn công xảy ra ngay cả khi hệ thống được bảo vệ “off-line” hoàn toàn, có nghĩa là không được kết nối với bất kỳ máy tính nào. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra virus Stuxnet làm tê liệt chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, hay người Mỹ có thể phá hủy các cuộc thử nghiệm tên lửa của CHDCND Triều Tiên bằng cách thâm nhập. Các nhà khoa học Israel thậm chí có thể truy cập dữ liệu từ một máy tính thông qua âm thanh của... quạt làm mát.

Một số trong những lỗ hổng này là hiển nhiên, ví dụ như đường dây cố định và kết nối internet đến các căn cứ tên lửa hoặc liên kết dữ liệu với máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, ngay cả những hệ thống trước đây được coi là an toàn tuyệt đối thì nay cũng đang đứng trước nguy cơ rủi ro cao.

Ví dụ, các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân. Trước đây, giới quân sự cho rằng tàu ngầm không bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công mạng vì toàn bộ thời gian chúng lặn dưới nước và chỉ có một khoảng thời gian liên lạc vô tuyến tối thiểu. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng tàu ngầm rất dễ bị tổn thương khi ở trong cảng hoặc nếu một cuộc tấn công thông qua các bộ phận như vi xử lý hoặc chip nhớ, được lắp đặt trong các hệ thống khác nhau của tàu.

Kết quả của tất cả điều này là có thể một quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân được phóng đi bất ngờ ngoài tầm kiểm soát, giống như trong phim “Điệp viên 007”. Viễn cảnh này khiến cho các hệ thống vũ khí hạt nhân trở nên không đáng tin cậy.

Chức năng chính của vũ khí hạt nhân là để ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân hoặc các cuộc tấn công thông thường của kẻ thù. Để thực hiện chức năng này, hệ thống vũ khí phải tuyệt đối đáng tin cậy. Nếu một yếu tố rủi ro thì hệ thống này sẽ phản tác dụng. Trong bối cảnh căng thẳng trên thế giới đang gia tăng, một cuộc tấn công mạng có thể kích hoạt các cường quốc hạt nhân sử dụng kho vũ khí của mình để tự vệ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra một số giải pháp toàn diện chống tấn công mạng bao trùm từ các nhà sản xuất điện tử, các phòng thí nghiệm và phân tích liên tục các mối đe dọa, tổn thương và hậu quả.

Một công cụ khả dĩ là sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra khả năng phòng thủ chủ động để tìm ra và chống lại các cuộc tấn công. Tuy nhiên, AI là con dao hai lưỡi có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn nếu nó bị trục trặc và bắt đầu đưa sai thông tin. Nghiên cứu cho thấy vấn đề chiến tranh mạng tác động đến tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và chính phủ các nước này phải được nhận thức về vấn đề.

Tóm lại, báo cáo của Chatham House đã kêu gọi thử nghiệm kỹ lưỡng hơn về khả năng phục hồi của không gian mạng trong các hệ thống hạt nhân và làm chậm quá trình tham gia vào các cuộc tấn công, nhằm tăng thời gian để đánh giá tình hình và phát hiện các hệ thống bị xâm nhập.

Đông Văn
.
.
.