TICAC - đơn vị cảnh sát chống tội phạm xâm hại trẻ em của Thái Lan

Thứ Hai, 14/01/2019, 09:54
Trong thời đại kinh tế và xã hội số hóa hiện nay, loại tội phạm khai thác trẻ em diễn ra trên môi trường Internet cực kỳ phức tạp - theo tướng Tamasak Wicharaya, lãnh đạo TICAC và phó tổng thanh tra lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan (RTP). Mỗi năm, TICAC dò tìm phát hiện khoảng 50.000 hình ảnh khiêu dâm trẻ em lưu thông trên Internet.


Tháng 1-2016, chính phủ Thái Lan bắt đầu thành lập đơn vị cảnh sát chống tội phạm khai thác trẻ em trên Internet (TICAC) để thi hành nhiệm vụ điều tra tội phạm khai thác trẻ em trên Internet, với sự hỗ trợ từ Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm an ninh quốc gia Prawit Wongsuwon và nhân viên Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) làm việc trong Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Bọn tội phạm sử dụng hình ảnh khiêu dâm với mục đích tống tiền và buộc nạn nhân phải làm mọi thứ theo lệnh của chúng. Ngoài ra, hình ảnh khiêu dâm có thể dẫn đến tội phạm quấy rối tình dục và cưỡng dâm. TICAC đặc biệt chú ý đến những du khách người nước ngoài từng có tiền án về tội xâm hại tình dục trẻ em hay xem và sản xuất hình ảnh khiêu dâm trẻ em.

Nhân viên TICAC kiểm tra thường xuyên mạng xã hội và tin tức trên Internet để nhanh chóng phát hiện những mối đe dọa cho trẻ em.

TICAC lập tức giám sát chặt chẽ số đối tượng đặc biệt này sau khi nhận được cảnh báo từ các cơ quan nước ngoài như là Trung tâm Quốc gia về Người mất tích và Trẻ em bị Khai thác (NCMEC) - tổ chức phi lợi nhuận đặt trụ sở tại Mỹ. Nếu phát hiện các đối tượng có hành vi tải hình ảnh khiêu dâm trẻ em trên Internet, TICAC sẽ nhanh chóng xin lệnh từ tòa án để khám xét nhà đối tượng cũng như kiểm tra điện thoại di động và máy tính cá nhân nhằm thu thập bằng chứng buộc tội.

Tướng Tamasak Wicharaya báo cáo: "Một số đối tượng người nước ngoài giả vờ có tư cách đạo đức để dụ dỗ trẻ em. Sau khi bẫy được con mồi, bọn chúng sẽ tìm cơ hội để xâm hại tình dục và ghi hình nạn nhân. Cuối cùng những hình ảnh nhạy cảm được sử dụng làm công cụ đe dọa".

Tuy nhiên, TICAC cũng có trách nhiệm giám sát bảo vệ những trẻ vị thành niên dễ bị thương tổn. Eric McLouglin, quan chức DHS từ Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok báo cáo loại tội phạm liên quan đến tình dục có tỷ lệ tái phạm tội cao hơn các loại tội phạm khác. Thông tin chia sẻ từ các cơ quan an ninh nước ngoài cũng giúp TICAC điều tra tội phạm hiệu quả hơn. Ví dụ vào năm 2016, 26 người Mỹ có tiền án xâm hại tình dục trẻ em bị cấm du lịch vào Thái Lan.

Tướng Tamasak bình luận: "Tội phạm buôn người, nhất là liên quan đến trẻ em, là loại tội phạm nghiêm trọng nhất. Cộng đồng có quyền biết đối tượng nào là kẻ xấu. Chúng tôi muốn gửi thông điệp mạnh mẽ - Thái Lan không còn là thiên đường an toàn cho bọn tội phạm nữa".

John Schachnovsky, đại diện Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) ở Thái Lan, nhận định cuộc chiến chống tội phạm khai thác hình ảnh khiêu dâm trẻ em của TICAC cần sự hợp tác đa phương từ trong nước lẫn nước ngoài - bao gồm cơ quan hành pháp, nhân viên xã hội, các tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng như các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.

Theo Schachnovsky, cách đây nhiều năm cảnh sát Thái Lan và các NGO không muốn hợp tác với nhau nhưng tình hình hiện nay đã khác trước: hai bên rất cần bắt tay nhau để lôi bọn tội phạm ra trước tòa án và bảo vệ người dân vô tội. Trong số những cuộc điều tra được TICAC kết luận, 68% số vụ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ đối tác nước ngoài và các NGO cung cấp thông tin cụ thể. HSI - Bộ phận điều tra đặc biệt của DHS - và FBI cũng cam kết hỗ trợ toàn diện cho TICAC trong việc bắt giữ và truy tố những người Mỹ phạm tội ở Thái Lan.

Vào giữa tháng 7-2017, FBI và HIS cũng như Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok phối hợp tổ chức khóa huấn luyện đặc biệt về kỹ thuật phỏng vấn thẩm tra bằng chứng từ các nạn nhân nhỏ tuổi và nhân chứng cho TICAC, kể cả một số NGO bao gồm: HUG ở Chiang Mai, A21 ở Pattaya và Quốc tế Vì Tự do (FFI) ở Phuket.

Những học viên tham dự khóa huấn luyện được truyền dạy những kỹ thuật trò chuyện với nạn nhân của bọn tội phạm (buôn người, khai thác trẻ em và cưỡng bức lao động) để tạo cảm giác an toàn cho họ và bảo đảm họ không cảm thấy bị thương tổn trong suốt quá trình phỏng vấn.

Theo quan chức DHS Eric McLouglin, cuộc phỏng vấn nạn nhân của tội phạm tình dục bị thất bại dẫn đến nguy cơ không truy tố được hung thủ và có thể phá hủy cuộc sống của nạn nhân nhỏ tuổi. Wirawan "Boom" Mosby, nữ giám đốc dự án "Hy vọng, Thấu hiểu và Vị tha" (HUG) ở Chiang Mai, đang là thành viên tích cực của TICAC.

Ngoài sự hợp tác điều tra với TICAC, Wirawan Mosby còn giúp đỡ những trẻ em nạn nhân của tội phạm buôn người và xâm hại tình dục. Mosby cũng là người đi đầu trong việc mở cửa Trung tâm bảo trợ trẻ em Thái Lan (ACT House) - loại hình hoạt động từ thiện đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á - có chi nhánh ở Pattaya và Phuket.

Ngày 8-12-2015, chính quyền Thái Lan sửa đổi luật hình sự quy định mức án phạt nặng hơn đối với tội sở hữu hình ảnh khiêu dâm trẻ em cũng như tội truyền bá hay phát tán chúng trên Internet - như là tù giam 5 năm, khoản tiền phạt 100.000 baht đối với tội sử dụng cho cá nhân và tăng lên 7 năm, 140.000 baht cho tội sử dụng với mục đích thương mại.

Tướng Tamasak báo cáo TICAC hoạt động khá hiệu quả trong thời gian qua đồng thời hy vọng sự hợp tác của các NGO sẽ giúp tạo dựng thêm nhiều trung tâm bảo trợ trẻ em ở một số địa phương khác trong tương lai gần như là: Bangkok, Nakhon Ratchasima, Khon Kaen, Nakhon Pathom và Songkhla. Hiện nay, TICAC quy tụ 40 sĩ quan điều tra dạn dày kinh nghiệm từ RTP. Dự kiến trong thời gian sắp tới TICAC sẽ tuyển mộ thêm hơn 100 người nữa.

Diên San
.
.
.