Sự quá tải của Cảnh sát châu Âu

Thứ Năm, 18/02/2016, 08:19
Ngày 12-2, Thủ tướng Pháp Manuel Valls khuyến cáo, châu Âu không thể tiếp nhận tất cả người di cư từ Syria, Iraq hay châu Phi, mà phải lấy lại kiểm soát đối với các biên giới, cũng như các chính sách nhập cư và tị nạn. 


Cùng ngày 12-2, nhà chức trách Rumani cho biết, nước này đang tăng cường các biện pháp an ninh tại biên giới với Serbia để ngăn chặn dòng người di cư vì lo ngại, Rumani sẽ trở thành tuyến đường quá cảnh mới cho những người không thể vượt qua được các quốc gia vùng Balkan. Cảnh sát Rumani mới bắt 60 người di cư đang tìm cách vượt qua Serbia để vào nước này.

Trước đó (3-2), cảnh sát Bulgaria đã triệt phá một băng nhóm buôn người gồm 7 đối tượng (6 người Bulgaria và 1 người Afghanistan) liên quan tới các vụ đưa lậu hàng trăm người di cư qua các nước thuộc khu vực Balkan tới Tây Âu. Băng nhóm này bị cáo buộc tổ chức buôn người từ tháng 1-2015. Cũng trong cuộc vây bắt kể trên, cảnh sát Bulgaria còn tạm giữ 40 người di cư đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, đang trên đường tới Serbia.

Cảnh sát Đức.

Ngày 11-2, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen thông báo, NATO đã nhất trí khởi động sứ mệnh trên biển Aegean để giúp kiểm soát dòng người tị nạn và ngăn chặn những kẻ buôn người.

Ngày 11-2, tờ The Guardian đưa tin, NATO đã triển khai một đội tàu tuần tra hải quân tới phía Đông Địa Trung Hải để đối phó với nạn buôn người. Máy bay của NATO cũng sẽ thực hiện các sứ mệnh theo dõi và thu thập tình báo, giám sát dòng người di cư và đây là động thái đánh dấu sự can thiệp lần đầu tiên của tổ chức này vào cuộc khủng hoảng đang khiến châu Âu phải oằn mình chật vật đối phó.

Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, hành động này nhằm giúp Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu kìm hãm dòng người nhập cư và tị nạn hiện nay, cũng như góp phần chống lại mạng lưới tội phạm và buôn người. Liên minh châu Âu cho biết, trong năm nay sẽ tăng gấp 3 chi tiêu tại các khu vực biên giới, đồng thời thành lập lực lượng phản ứng nhanh với 1.500 người để hỗ trợ Cơ quan giám sát biên giới (Frontex) xử lý tốt hơn dòng người di cư qua Địa Trung Hải vào châu Âu.

Ngày 7-2, cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt 7 đối tượng (5 người Tây Ban Nha gốc Syria, Jordan và Maroc, cùng 2 công dân Syria và Maroc) tình nghi có liên hệ với Al-Qaeda và IS. Cảnh sát Tây Ban Nha cho biết, những tên này đã chuyển tới Syria và Iraq các nguyên liệu chế tạo chất nổ, vũ khí, tiền... trong những thùng hàng dưới vỏ bọc hàng viện trợ nhân đạo.

Trước đó (5-2), Chính phủ Bỉ cam kết triển khai thêm 1.000 cảnh sát liên bang từ nay đến năm 2019, trong đó khoảng 300 người trong năm 2016 và thêm 500 người trong năm 2017. Theo Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon, đây là kế hoạch "chống cực đoan hóa, bạo lực và khủng bố" trong khu vực gồm 7 quận của thủ đô Brussels. Bộ trưởng Jan Jambon còn quyết tâm quét sạch khu vực Molenbeek, nơi được mệnh danh là "làng thánh chiến" của Bỉ với nhiều đối tượng có liên quan đến vụ khủng bố tối 13-11-2015 ở thủ đô Paris (Pháp).

Người tị nạn tại nhà ga Munich, Đức.

Ngày 5-2, cảnh sát Đức cho công bố bức ảnh Farid A. người Algeria, đối tượng cầm đầu và là một trong ba tên bị bắt một ngày trước đó trong chiến dịch truy quét nhóm khủng bố Hồi giáo đang lên kế hoạch tấn công khủng bố tại Đức. Trước đó (4-2), 450 cảnh sát và các nhà điều tra Đức đã truy bắt các đối tượng người Algeria tại Berlin, Nordrhein-Westfalen và Niedersachen. Báo chí Đức dẫn các nguồn tin cho biết, các đối tượng người Algeria đang lên kế hoạch tấn công khu vực Alexanderplatz hay điểm du lịch Checkpoint Charlie ở Berlin.

Cũng trong ngày 5-2, Cục trưởng Cục Bảo vệ hiến pháp Đức (BfV) Hans-Georg Maaßen cho biết, các phần tử IS đã xâm nhập vào châu Âu dưới vỏ bọc những người tị nạn, trong đó khoảng 100 tên đã tới Đức. Đồng thời nhấn mạnh, lực lượng cảnh sát và an ninh nước này đang nỗ lực tìm kiếm và xác định danh tính những phần tử nguy hiểm kể trên, nhất là khi Đức phải đối mặt với một vụ tấn công khủng bố tương tự như ở Pháp. Trong khi đó tờ Berliner Zeitung cho biết, BfV đã nhận được hơn 100 tin báo về các tay súng IS trà trộn trong số người tị nạn đến Đức.

Cơ quan Cảnh sát hình sự châu Âu (Europol) vừa cảnh báo về sự “mất tích” của ít nhất 10.000 trẻ em tị nạn không có người thân đi kèm sau khi tới châu Âu. Tổng Giám đốc Europol Brian Donald cho rằng, tội phạm xuyên châu Âu đang nhằm mục tiêu vào người tị nạn và nhiều em kể trên có thể đã rơi vào tay các tổ chức buôn người. Ông Brian Donald cũng xác nhận, Europol đang có trong tay bằng chứng cho thấy một số trẻ tị nạn ở châu Âu đã bị bóc lột tình dục. Theo thống kê của tổ chức Cứu trẻ em (Save the Children), có khoảng 26.000 trẻ em không có người thân đi kèm đã đến châu Âu trong năm ngoái.
Quốc Tuấn
.
.
.