Săn một cái tên

Thứ Năm, 04/12/2014, 15:06
Mạnh cho cô gái ở chợ biên giới xem ảnh của Mỹ Hương. Cô ta lắc đầu nhưng rồi chợt nhíu mắt nhìn về phía xa. Rất có thể đây là đầu mối để tìm ra tung tích của tội phạm Mỹ Hương, kẻ trốn trại đã sáu năm qua. Nhưng khi nghe Mạnh nói đây là tội phạm đã gây án đang bị truy nã, thì cô gái nói không biết, rồi vùng dậy bỏ chạy. Mạnh đuổi theo không kịp nữa vì bóng cô gái đã thoắt lẩn vào cánh rừng.

Cô gái đó là Lý Mán Mẩy, người đã từng bị Mỹ Hương bán sang làm vợ ở bên kia biên giới, nhưng đã trốn về được. Rình mãi phiên chợ này, Mạnh mới gặp được Lý Mán Mẩy. Vậy là công cốc. Không ngờ cô ta hoảng hốt đến thế.

Đột nhiên có một thanh niên người dân tộc Dao đứng giữa đường chặn Mạnh. Anh ta quay chai rượu lên trời như múa vậy. Đôi chân anh ta lảo đảo. Miệng anh ta nồng nặc hơi men. Mạnh dừng chân nở một nụ cười hỏi anh ta muốn gì. Anh ta gằn giọng nói với Mạnh, vì sao làm vợ hắn bỏ cả thùng hàng để chạy về nhà, chọc ghẹo gái bản hả. Mạnh vừa định bước tới, thì bất ngờ bị vấp vào hòn đá, mà ai đó vừa lăn ra từ vách núi. Một cuộn dây tung tới quấn chặt lấy chân Mạnh làm anh loạng choạng. Vừa lúc đó hai thanh niên từ phía sau lao tới ôm ghì lấy anh. Cả ba buộc chặt vòng dây thừng để trói Mạnh lại rồi khênh lên vai. Chúng hể hả trong cơn say, rồi cười vang ngỡ vừa bắt được một chú bò lạc về bản. Khi ấy ánh hoàng hôn đã dần tắt sau đỉnh núi. Mạnh nói ngay mình là công an đang đi truy tìm kẻ tội phạm trốn trại, chứ không có trêu đùa gì Lý Mán Mẩy cả. Nhưng rượu đâu có nghe, ba người cười váng lên và hò nhau khênh anh lên rừng.

Nhìn người bị trói nằm cạnh bếp lửa, Lý Mán Mẩy nhận ra người đã hỏi chuyện mình ở chợ về tấm hình của Mỹ Hương. Cô ta hốt hoảng nói với chồng hãy thả Mạnh ra vì đây là một anh Công an ở dưới xuôi lên. Lý Sáng, chồng của Lý Mán Mẩy còn say sỉn cười gằn, lục túi Mạnh lấy ra tấm ảnh cô gái có cái trán dô, bất ngờ hú lên một tiếng. Mạnh thấy lạ, bèn nói với anh ta rằng, đó là cô gái mình đang cần truy bắt. Lúc này mấy người mới vội vàng cởi trói cho Mạnh. Chồng của Lý Mán Mẩy chăm chú nhìn lại gương mặt của cô gái trong tấm hình. Anh ta đột nhiên nói oang oang, tao mà gặp lại con Tuyết này thì sẽ moi tim nó ra để uống rượu. Dám bán vợ tao đi à. Mày còn trốn được bao lâu nữa. Ngỡ như mày chết rũ tù rồi chứ.

Mạnh vội hỏi Lý Sáng, vì sao lại gọi tên tội phạm này là Tuyết, mà không phải Mỹ Hương. Gương mặt của Lý Sáng đỏ phừng phừng vì cơn tức giận chứ không còn phải là những lời nói trong cơn say nữa. Anh ta nói to, nó là Tuyết ở dưới thị trấn Sa Pa đây mà, kẻ thù của tao đây. Sau đó Lý Sáng kể, vợ mình đã bị Tuyết dụ dỗ cấp vốn cùng đi buôn ở bên kia biên giới, hóa ra đó là một vụ lừa đảo. Chuyến thứ hai, Lý Mán Mẩy bị bỏ lại bên đất người, rồi có hai người bắt đi. Từ đó Lý Sáng mất vợ. Tìm khắp nơi cũng không thấy con Tuyết đâu. May sao sau ba tháng bị ép làm vợ người ta Lý Mán Mẩy cùng bạn tìm đường trốn về. Nhưng khi Mạnh hỏi Lý Sáng về địa chỉ cụ thể của Tuyết, thì anh ta cũng không biết, mà chỉ nghe nói cô ta ở Sa Pa thôi.

Đến lúc này Mạnh mới biết Mỹ Hương chỉ là tên khai ở trại giam, khi tội phạm bị bắt trong lần vượt biên bán hai đứa trẻ. Lợi dụng khi các chiến sĩ Công an chưa kịp xác minh những lời khai, thì Mỹ Hương đã trốn ngay trong đêm. Từ đó, thời gian đã trôi đi sáu năm trời, cái tên Mỹ Hương vẫn là một vụ án chưa có thể phá. Hàng chục lần Mạnh cùng các chiến sĩ lần theo địa chỉ khai của tội phạm mang cái tên giả là Mỹ Hương, quê ở Đoan Hùng, Phú Thọ. Nhưng mọi tia hi vọng khép lại khi Công an địa phương trả lời không có ai tên Mỹ Hương, sinh năm 1970, giống như trong tấm hình cả.        

Vậy là mọi chuyện sẽ lại bắt đầu từ Sa Pa, theo lời khai của Lý Sáng. Hồ sơ vụ án bổ sung tư liệu cần điều tra với những cô gái tên Tuyết. Cho dù những thông tin mới biết được, từ vợ chồng Lý Sáng chưa hẳn chính xác, nhưng vẫn được coi là những tia hy vọng để phá vụ án. Dù sao nó cũng được khai thác từ một nạn nhân có liên quan tới Tuyết, ắt có cơ sở để khám phá. Có người còn đoán Tuyết đã vượt biên sống ở nước ngoài sau khi trốn trại nên mới bặt vô âm tín đến thế. Nhưng hi vọng vẫn là hi vọng. Một cuộc vây bắt mới được triển khai. Từ một cái tên giả là Mỹ Hương, giờ đây cuộc săn đuổi đã chuyển sang cái tên Tuyết.

Nhưng rồi mọi chuyện lại trở nên công dã tràng khi hơn 30 cái tên Tuyết, ở Sa Pa sinh năm 1970, khồng hề giống người trong ảnh. Mà cũng không có ai đã từng đi xa khỏi địa phương và lại đều có gia đình. Nhưng cuối tuần bất ngờ có nguồn tin cơ sở báo về, có một cô gái tên Tuyết đang làm ở trại chè ở Sa Pa, có khuôn mặt giống người trong ảnh, nhưng lại sinh năm 1972, chứ không phải năm 1970 như trong hồ sơ. Vậy giờ đây lại đẻ ra chuyện năm sinh của tội phạm. Liệu kẻ trốn trại Mỹ Hương hay Tuyết kia có khai đúng năm sinh của mình. Mọi chuyện trở nên khá rắc rối. Đi truy tìm một cái tên, không hề dễ dàng như mọi vụ án trốn trại khác, cho dù vẫn còn tấm hình của tội phạm. Bỏ qua tất cả, sau 6 năm cuộc săn lùng trở lại những bước đi ban đầu, chỉ với một tấm hình của tội phạm có cái trán dô bướng bỉnh. Dù sao cũng bắt đầu từ nguồn tin cơ sở về cô gái hái chè có khuôn mặt giống người trong ảnh kia. 

Vì đây chỉ là giả thuyết thăm dò nên các trinh sát bí mật làm việc trước với ban giám đốc nông trường. Xem kỹ hồ sơ ở phòng tổ chức, chị Tuyết cũng đã từng có án dân sự khi đã gây thương tích cho một người hàng xóm chỉ vì chuyện trẻ con đánh nhau, cách đây một năm. Tuyết bị xử án treo ba tháng. Chị ta đã vào làm ở nông trường đã 4 năm nay và đang ở với hai con ở khu tập thể nông trường. Nhìn ảnh chị Tuyết trong hồ sơ quả là khá giống Mỹ Hương, nhất là cái trán dô cao, và đôi môi mỏng dính. Theo dấu chứng nhận của chính quyền địa phương trong lý lịch, thì Tuyết ở Định Hóa, Thái Nguyên.

Lại một địa chỉ mới mà các chiến sĩ điều tra về tận nơi để tìm hiểu trước khi vào làm ở nông trường chè Sa Pa, Tuyết làm gì và ở đâu. Cán bộ xã nói, trước đó Tuyết rời địa phương đi từ khi mới 20 tuổi. Nói là đi học nghề nhưng làm gì không ai hay Tuyết làm gì và ở đâu. Cách đây 4 năm chị ta về địa phương xin đóng dấu xác nhận lý lịch để đi làm trên Sa Pa. Vậy có thời gian khó xác định nên cần phải gặp trực tiếp chị Tuyết để điều tra thêm. Cho dù khó có kết quả như mong muốn nhưng gương mặt Tuyết giống ở ngoại hình của tội phạm cũng là một câu chuyện cần khai thác. 

Một buổi chiều như bao ngày khi nắng dần tắt. Hai nữ trinh sát đi cùng Lý Mán Mẩy được mời đi theo để nhận mặt Tuyết tại khu tập thể nông trang. Trong khi đó Trung úy Mạnh đóng vai người lên mua chè, xin ngủ lại ở nhà khách công đoàn từ hôm trước. Có một chi tiết đáng quan tâm ở chị Tuyết là hai đứa con được sinh ra, nhưng đều không xác định được cha của chúng. Vậy trong sáu năm qua liệu tội phạm vượt trại giam kia, nếu đúng là Tuyết thì đã có con với ai và sống ở đâu trước đó bốn năm. Chính vì thế Mạnh đã cho dẫn Lý Mán Mẩy về tận nông trường chè để cùng nhận diện người đã từng bán mình qua biên giới. Bởi đây cũng là một đầu mối có thể tìm ra tội phạm mà bấy lâu nay đi vào ngõ cụt.

Hai đứa con nhỏ của chị Tuyết vừa đi học về. Các nữ trinh sát làm như vô tình đứng trước cổng nhà tập thể vồn vã chào hỏi mẹ đã về chưa, rồi đưa chúng về nhà. Mạnh và Lý Mán Mẩy đứng ở lưng đồi, nơi những người hái chè trở về, để đón chị Tuyết từ trên đồi đi xuống. Anh muốn tránh để cho hai đứa trẻ thấy mẹ chúng trong cảnh bị bắt giữ nếu điều đó xảy ra. Quả nhiên, Tuyết đi xuống tỏ ra lúng túng nhìn anh Mạnh và cô gái chào hỏi. Bất ngờ Lý Mán Mẩy gọi to: “Chị Tuyết à!”. Tuyết giật mình, trợn tròn mắt vì nhận ra cô gái người Dao ở trên núi Mẫu Sơn ngày nào mà mình làm quen để lừa bán qua biên giới. Tuyết nhìn sang anh Mạnh, biết có chuyện không hay đến với mình, đột ngột bỏ chạy rất nhanh xuống chân đồi. Lúc này chuông điện thoại reo lên, anh Mạnh biết là hai nữ trinh sát đã đón ở dưới nên không cần đuổi theo nữa.

Cả ba chiến sĩ không thể ngờ cuộc vây bắt tội phạm Tuyết lại gặp may mắn đến thế sau những năm tưởng như đi vào ngõ cụt, với cái tên Mỹ Hương kia. Tuyết nhìn hai đứa con mà ứa nước mắt, nhưng mọi sự đã muộn và phải đền tội. Tuyết sực nhớ đến hai đứa trẻ mà mình đem bán sang nước ngoài nhưng đã bị bắt lại. Khi bị bắt, hai đứa trẻ ấy đã òa khóc và kêu gào thống thiết làm sao. Giờ đây hai đứa con của Tuyết tuy vậy đã được gửi lại cho những chị em cùng đội sản xuất nuôi dưỡng. Mạnh còn đề xuất với ban giám đốc nông trường, khi Tuyết thụ án ở đâu, trại giam sẽ xin đưa hai đứa bé về nuôi dưỡng để cho chúng được gần mẹ. Nghe thấy thế Tuyết òa khóc như một đứa trẻ.

Tuyết xin được ôm hai đứa con lần cuối rồi vội vã quay đi như một cuộc trốn chạy. Chúng không biết vì sao mẹ chúng phải đi xa. Nhưng Tuyết nhận ra cuộc trốn chạy đã kết thúc và phải đền tội trước pháp luật, khi bán những trẻ em và phụ nữ qua biên giới. Mạnh và các chiến sĩ thở phào khi vừa kết thúc cuộc săn đuổi một cái tên vô định, nhưng đã tìm ra kẻ tội phạm trốn biệt tăm bấy lâu nay.

Chu Quỳ
.
.
.