Hàng trăm người chết vì rượu giả

Chủ Nhật, 09/08/2015, 08:00
Rượu giả, "tiên tửu" thời gian gần đây tung hoành ở Trung Quốc và Ấn Độ khiến hàng trăm người chết, hàng chục người bị ngộ độc. Cảnh sát vào cuộc và những sự thật được phanh phui.

Rượu có chứa các chất hóa dẻo

Cảnh sát Trung Quốc vừa phá một đường dây pha chế "tiên tửu" giả ở thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây và tịch thu hơn 5.300 chai rượu được pha thêm thuốc cường dương Viagra. Vụ việc đã được chuyển giao cho cảnh sát xử lý. Tất cả những sản phẩm này được bán ra thị trường đều có kèm nhãn mác an toàn đối với sức khỏe con người.

Theo các quan chức an toàn thực phẩm Liễu Châu, hai cơ sở chế biến rượu trong thành phố này đã cho thêm thuốc Viagra vào trong rượu và quảng cáo với khách hàng rằng, loại "tiên tửu" này có chứa "tinh chất bảo vệ sức khỏe". Khi khám xét hai cơ sở chế biến rượu trên, cảnh sát đã phát hiện một khối lượng lớn bột trắng có tên gọi là Sildenafil. Đây chính là thành phần để chế tạo thuốc chống rối loạn cương dương Viagra cho các quý ông.

Cảnh sát Trung Quốc đột kích một cơ sở chế biến "tiên tửu" bằng Viagra.

Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Liễu Châu cho biết, loại bột trên được pha thêm vào 3 loại rượu rất phổ biến tại Trung Quốc. Các điều tra viên tiết lộ, số rượu phi pháp mà họ tịch thu có giá trị 700.000 nhân dân tệ (khoảng 2,5 tỉ đồng).

Các bác sĩ khuyến cáo, nam giới trưởng thành khi được chỉ định sử dụng Viagra chỉ nên uống một viên mỗi ngày, còn những người trên 65 tuổi thì nên sử dụng liều thấp hơn. Tuy nhiên, khi loại thuốc này được pha vào rượu, người uống sẽ không kiểm soát được liều lượng mà mình thu nạp và có thể gây hậu quả khôn lường.

Đây không phải là lần đầu tiên "tiên tửu" của Trung Quốc dính bê bối về an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2012, Tân Hoa Xã cho hay, hầu hết các sản phẩm rượu địa phương đều có chứa các hóa chất độc hại, các xét nghiệm cho thấy, nhãn hiệu rượu nổi tiếng này có chứa các chất hóa dẻo. Bởi cơ quan giám sát chất lượng tại tỉnh Hồ Nam đã phát hiện ra chất này trong các mẫu phẩm của một thương hiệu tiên tửu hàng đầu. Chất hóa dẻo là loại hóa chất gây hại cho hệ miễn dịch và hệ sinh sản của con người.

Hồi tháng 1 năm nay, lực lượng chức năng Bắc Kinh đã đột nhập một cơ sở sản xuất rượu, thu giữ nhiều chai rượu không rõ nguồn gốc như Ngũ Lương Dịch, Mao Đài, 1573, Lục Hải,… Đây đều là những nhãn hiệu rượu nổi tiếng của Trung Quốc, có giá thành khá cao trên thị trường hiện nay.

Cảnh sát đã tạm giữ chủ cơ sở và một số người bị tình nghi có liên quan để tiến hành điều tra. Bên cạnh đó, tịch thu nhiều máy móc thiết bị và nguyên vật liệu chế biến rượu giả. Cảnh sát cho biết, đây đều là những nguyên liệu khá rẻ tiền, chất lượng kém, nhập lậu qua cửa khẩu để chế biến thành nhiều loại rượu giả đem đi tiêu thụ.

Theo chuyên gia y tế, các loại rượu giả thường có nồng độ dung môi isopropanol (một loại hóa chất thường được tìm thấy trong các sản phẩm vệ sinh công nghiệp), ethyl acetate và acetaldehyde khá cao. Khi vào cơ thể người, chúng gây hại đến các cơ quan, đặc biệt là gan. Nếu sử dụng rượu giả trong một thời gian dài, người dùng có thể chịu những tổn thương vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

Ngày càng nhiều người chết vì "rượu đế" 

Phó cảnh sát trưởng thành phố Mumbai, Dhananjay Kulkarni, cho biết, số người tử vong vì ngộ độc rượu giả mới đây đã trên 100 người.

Người thân đau buồn khi có thành viên gia đình ra đi vì rượu ở Ấn Độ.

Ông nói: "Đã có 90 người chết. Hơn 40 người khác đang được cứu chữa tại bệnh viện và có thể số người tử vong sẽ trên 100 người".

Tới nay, đã có 5 người bị bắt vì có liên quan tới hành vi phân phối và bán rượu giả tại một khu nhà ổ chuột ở vùng ngoại ô Malad West, phía Bắc thành phố Mumbai.

Cũng theo ông Kulkarni, 8 cảnh sát đã bị đình chỉ công tác vì thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng buôn bán rượu giả gây chết người tại khu vực thuộc trách nhiệm quản lý của họ. Một cuộc điều tra cũng vừa được tiến hành về việc sử dụng lượng methanol quá cao trong các loại rượu giả chết người liên quan. Loại rượu lậu được pha chế từ methanol thường được bán nhiều ở các vùng nông thôn Ấn Độ với giá rất rẻ, chỉ gần 1 USD cho một chai 25cc. Và các ca tử vong liên quan đến rượu giả chỉ xảy ra ở khu vực nông thôn, rất hiếm có tại các thành phố lớn như Mumbai. Hồi tháng 1 vừa qua, có ít nhất 29 người đã thiệt mạng sau khi uống phải loại rượu chất lượng kém ở bang Uttar Pradesh.

Đáng chú ý, những vụ tử vong vì uống rượu kém chất lượng diễn ra khá thường xuyên tại Ấn Độ - nơi người dân thường hay uống những loại rượu rẻ tiền.

Nguyễn Minh - L.K (tổng hợp)
.
.
.