Radar xuyên tường gây tranh cãi của Cảnh sát Mỹ

Thứ Tư, 01/04/2015, 15:00
Một thiết bị được gọi là radar xuyên tường cho phép nhân viên cảnh sát phát hiện chuyển động của đối tượng ở vị trí cách xa 50m, thậm chí xuyên qua tường đang gây tranh cãi ở Mỹ. Nhiều người nói rằng, sử dụng radar xuyên tường vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của công dân. Được biết, thiết bị này đã được ít nhất 50 cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ bí mật sử dụng trong hai năm qua.

Thông tin đăng tải trên tờ USA Today cho biết, ít nhất 50 cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ âm thầm triển khai hệ thống radar cho phép họ có thể nhìn thấy hoạt động bên trong ngôi nhà mà ít khi thông báo cho Toà án hoặc cộng đồng. Những cơ quan, bao gồm cả FBI và Cục Cảnh sát Mỹ bắt đầu triển khai hệ thống radar hơn hai năm trước.

Các radar làm việc như máy dò chuyển động. Các chuyển động của con người, nhẹ như là hơi thở ở khoảng cách hơn 50 mét cũng có thể bị phát hiện. Nhờ hệ thống radar này, cảnh sát có thể phát hiện xem ai ở bên trong ngôi nhà, cho dù đang di chuyển. Các quan chức liên bang nói rằng, thông tin thu thập được rất quan trọng để phát hiện đối tượng, xây dựng phương án đối phó và giải cứu con tin.

Thiết bị Range-R và cơ chế hoạt động của nó.

"Công nghệ ra đời từ ý tưởng là làm thế nào để cơ quan chức năng có thể gửi tín hiệu thông qua bức tường ngôi nhà để tìm hiểu những gì đang xảy ra bên trong", Christopher Soghoian, chuyên gia công nghệ của American Civil Liberties Union cho biết. "Công nghệ cho phép cảnh sát nhìn vào bên trong ngôi nhà và là một trong những công cụ xâm nhập mà cảnh sát có", Christopher Soghoian nói tiếp. Theo USA Today, công nghệ mới này đã được Cục Cảnh sát Mỹ triển khai từ năm 2012 và đến nay, đơn vị này đã chi ít nhất 180.000 USD để mua thiết bị.

Radar xuyên tường mà Cục Cảnh sát Mỹ và các cơ quan chức năng khác sử dụng được biết đến nhiều nhất là thiết bị Range-R và L-3. Hai thiết bị này khá nhỏ gọn và cho phép người dùng phát hiện những chuyển động của đối tượng ở phía bên kia bức tường.

Nhà sản xuất của Range-R, L-3 ước tính đã bán khoảng 200 thiết bị cho 50 cơ quan thực thi pháp luật với chi phí khoảng 6.000 USD/chiếc. Một thiết bị radar khác hiện đại hơn cũng đã được đưa vào sử dụng. Thiết bị này bao gồm cả màn hình ba chiều hiển thị đầy đủ hình ảnh của mọi người bên trong một tòa nhà. Thiết bị này cũng có thể ghi nhận được bản thiết kế nội thất của tòa nhà và xác định chính xác vị trí của những người trong nhà.

Được biết, các radar đầu tiên được thiết kế để sử dụng tại Iraq và Afghanistan.

Những tranh cãi về radar xuyên tường nổi lên vào tháng 12 năm ngoái, khi một tòa án phúc thẩm liên bang ở Denver cho rằng, các quan chức đã sử dụng thiết bị trước khi đột nhập vào một căn nhà để bắt giữ người đàn ông phạm tội. Tòa án cho rằng, các nhân viên cảnh sát đã sử dụng công nghệ mới mà không có lệnh của tòa án và "sử dụng công cụ như vậy để tìm kiếm bên trong ngôi nhà đặt ra câu hỏi về quyền riêng tư của công dân".

Việc các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ bí mật trang bị cho sĩ quan các thiết bị radar xuyên tường gây nên sự quan ngại mới về mức độ giám sát của chính phủ với quyền riêng tư của công dân. Đại diện Tòa án Tối cao của Mỹ cho biết, cán bộ nói chung không thể sử dụng cảm biến công nghệ cao để theo dõi bên trong căn nhà của một người mà không có lệnh khám xét theo quy định.

Những người ủng hộ quyền riêng tư đã bày tỏ lo ngại rằng, việc các cơ quan thực thi pháp luật sử dụng radar mà không có sự giám sát công cộng là "rất nguy hiểm". Những người ủng hộ quyền riêng tư của công dân cho biết thêm, họ cần có câu trả lời trực tiếp từ các quan chức Mỹ về vấn đề này. Làm sao các thiết bị công nghệ giám sát đã được sử dụng ít nhất hai năm mà không có bất kỳ sự phản hồi nào.

"Vấn đề không phải là công nghệ, mà là cách cơ quan chức năng sử dụng nó vào mục đích gì và như thế nào?", Hanni Fakhoury, một luật sư của Electronic Frontier Foundation nói. Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Mỹ, Patrick Rodenbush cho biết, các quan chức Mỹ đang xem xét quyết định của Toà án và sẽ đưa ra cách giải quyết phù hợp trong thời gian tới.

Được biết, trước đó, Cục Cảnh sát Mỹ cũng từng bị chỉ trích vì che giấu các công cụ giám sát khác. Gần đây nhất, Cục Cảnh sát Mỹ bị cáo buộc đã giám sát thông tin qua điện thoại di động của công dân.

Phạm Tường (tổng hợp)
.
.
.