Quyết định đầy khó khăn của Mỹ, rút quân khỏi Somalia

Thứ Bảy, 12/12/2020, 07:00
Ngày 4-12, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho cơ quan này rút gần hết binh lính Mỹ đang đồn trú tại Somalia vào đầu năm tới.


Trong thông báo, Lầu Năm Góc cho biết Tổng thống Trump “đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ bố trí lại phần lớn nhân sự và tài sản ra khỏi Somalia vào đầu năm 2021”.

Hiện có khoảng 700 binh sĩ Mỹ được triển khai ở Somalia, nơi hơn 10 năm qua Mỹ giúp tiêu diệt chi nhánh al-Shabab địa phương của tổ chức khủng bố al Qaeda và gần đây là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Lực lượng quân đội Mỹ giúp huấn luyện và hỗ trợ lực lượng an ninh địa phương nhằm chống lại các nhóm chiến binh và thực hiện các cuộc không kích. Nhiệm vụ quân sự tại Somalia ít được dư luận Mỹ quan tâm nhưng với mối liên hệ giữa nhóm al-Shabaab với tổ chức khủng bố al-Qaeda, đây được coi là nền tảng trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ trên toàn cầu.

Một nhóm binh lính thuộc lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp của Mỹ ở khu vực Sừng châu Phi đóng tại Somalia.

Lầu Năm Góc nhấn mạnh động thái này không đồng nghĩa với việc rút hẳn lực lượng hay rút khỏi các cam kết của Mỹ ở châu Phi. "Mặc dù đây là một thay đổi về bố trí lực lượng, hành động này không phải là thay đổi trong chính sách của Mỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm suy yếu các tổ chức bạo lực cực đoan có thể đe dọa quê nhà của mình, trong khi vẫn đảm bảo duy trì lợi thế chiến lược của mình trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn", Lầu Năm Góc giải thích.

Lầu Năm Góc cho biết lực lượng được rút khỏi Somalia có thể được tái bố trí với các căn cứ của Mỹ trong khu vực gần đó để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của Washington và đồng minh chống lại các nhóm vũ trang cực đoan ở Somalia.

Trước đó, vào đầu năm nay, Mỹ đã rút quân khỏi thành phố Bossaso (Đông Bắc Somalia, giáp vịnh Aden của biển Ả Rập) và thành phố Galkayo (Bắc miền Trung Somalia). Các căn cứ ở Somalia còn có lính Mỹ đồn trú là thủ đô Mogadishu, thành phố cảng phía Nam Kismayo và căn cứ không quân Baledogle (gần Mogadishu).

Quyết định rút quân đội Mỹ ra khỏi Somalia đi ngược lại với kế hoạch của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, người ủng hộ sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở châu Phi. Trước đó, các quan chức Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ cũng đưa ra cảnh báo rằng các lực lượng Somali không thể chống đỡ được các mối đe dọa khủng bố trong nước nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng Mỹ.

Tuy nhiên, quyết định này được ủng hộ bởi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Chris Miller, và phù hợp với mục tiêu rút quân khỏi các vùng chiến sự mà Tổng thống Donald Trump muốn hoàn thành trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Binh sĩ Mỹ tuần tra tại Somalia.

Trong 13 năm qua, Mỹ duy trì hiện diện quân sự ở Somalia để đối phó nhóm khủng bố Hồi giáo al-Shabaab - một chi nhánh của Al-Qaeda - và các tay súng có liên hệ với khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tướng Stephen Townsend, Tư lệnh các lực lượng quân sự Mỹ tại châu Phi, khẳng định quân đội Mỹ sẽ gia tăng áp lực lên al-Shabaab từ vị trí đóng quân mới. Ông nói "đây không phải hành động rút quân" mà chỉ là tái bố trí để tiếp tục kế hoạch tại Đông Phi.

Đây là quyết định mới nhất của Tổng thống Donald Trump nhằm giảm sự tham gia của Mỹ trong các cuộc chiến ở xa. Tháng trước, Lầu Năm Góc thông báo sẽ cắt giảm 2.500 binh sỹ Mỹ 2.500 ở mỗi nước Irap và Afghanistan ngay trước thời điểm Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức.

Các động thái rút quân khỏi châu Phi của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã vấp phải sự chỉ trích của các nhà lập pháp của cả hai đảng trong Quốc hội khi cho rằng Mỹ cần tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình trong các khu vực xung đột tại đây. 
Ngọc Trang (Tổng hợp)
.
.
.