Quyết chiến với tội phạm sản xuất tân dược giả
- Interpol mạnh tay tới tân dược giả
- Tràn lan tân dược giả, nhập lậu
- Phát hiện cả ngàn lọ, vỉ tân dược giả
Trước đây, thuốc giả chỉ mang lại lợi nhuận gấp từ 20 đến 45 lần so với buôn bán ma túy. Nhưng nay con số này đã tăng tới mức “khủng” khiến cho vấn nạn thuốc giả càng khó triệt phá. Chính vì mức lợi nhuận siêu khủng như vậy nên việc truy tìm và bắt chủ mưu của loại tội phạm này vô cùng khó khăn, phức tạp. Do đó, Interpol kêu gọi sự hợp tác của tất cả các nước.
Theo thống kê, 8 năm qua, Interpol đã tổ chức nhiều chiến dịch quy mô tại 115 quốc gia nhằm vào tội phạm thuốc giả. Và chỉ riêng năm 2015, hơn 2 tấn thuốc giả trị giá 7 triệu USD đã bị thu giữ. Interpol cũng cho biết, mặc dù chiến dịch “Bão tố” được thực hiện khá thành công tại 13 quốc gia châu Á - truy quét hàng trăm cơ sở sản xuất và triệt phá nhiều đường dây buôn bán thuốc giả, nhưng cuộc chiến chống lại vấn nạn này vẫn còn nhiều cam go.
Thu hồi tân dược giả. |
Theo người đứng đầu đơn vị An ninh và Sức khỏe toàn cầu của Interpol Aline Plancon cho biết, chiến dịch “Bão tố” cho thấy các tổ chức tội phạm tinh vi và xảo quyệt có liên quan đến tội phạm dược, tạo ra mối nguy hại cho sức khỏe cộng đồng và sự an toàn của người dân. Bởi bọn chúng sản xuất đủ loại thuốc giả, từ kháng sinh, huyết áp tới rối loạn sinh lý nam giới...
Bà Aline Plancon cho rằng, thuốc giả và thuốc kém chất lượng gần như được nhập khẩu qua con đường chính thống vào các nước và để quy trình sản xuất, buôn bán tân dược giả vận hành thuận lợi, chúng phải bắt tay, liên kết với tội phạm tham nhũng. Và Interpol cũng đã phát hiện một số vụ tội phạm làm giả tân dược có liên quan đến quan tham.
Theo thống kê của Interpol, mỗi năm có khoảng 1 triệu người chết do sử dụng thuốc giả. Thuốc dùng để cứu người, nhưng thuốc giả đang gián tiếp làm hại người tiêu dùng tại nhiều nước trên thế giới, từ quốc gia nghèo khó như Ghana đến những nước phát triển như Mỹ, Canada, Anh... Ủy ban châu Âu vừa cảnh báo, kể cả tại các quốc gia có mức sống cao và chất lượng y tế tốt như châu Âu, tình trạng thuốc giả vẫn đang trở nên ngày càng nghiêm trọng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, có tới 50% trang bán thuốc trực tuyến đang nhẫn tâm cung cấp thuốc giả cho người tiêu dùng. Theo thống kê của hải quan quốc tế, thị trường thuốc giả thế giới có giá trị tới 200 tỉ USD và internet đang tiếp tay cho vấn nạn này. Giới chuyên gia cho biết, mức chiết khấu hấp dẫn, cùng với việc không phải xuất trình đơn thuốc là 2 nguyên nhân chính thu hút tới 25% số người dùng internet tại các quốc gia phát triển mua thuốc trên mạng.
Tiêu hủy tân dược giả. |
Giới truyền thông cũng vừa dẫn thống kê của WHO, lợi nhuận của việc buôn bán thuốc giả trên thế giới mỗi năm có thể lên tới 431 tỷ USD và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, đặc biệt tại các quốc gia nghèo và đang phát triển. Và Pakistan được coi là thung lũng sản xuất thuốc giả trên thế giới.
Cựu Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rahman Malik từng tuyên bố, thuốc giả chiếm hơn 50% thị trường tân dược tại nước này. Còn theo thống kê của Hiệp hội thuốc Pakistan, hiện có tới 100.000 cơ sở pha chế, sản xuất thuốc giả trái phép trên khắp đất nước Pakistan. “Ở đây chúng tôi có thể sản xuất mọi loại thuốc, từ chữa cảm cúm tới chữa ung thư”, một chủ cơ sở sản xuất thuốc giả chia sẻ.
Theo thống kê của Chính phủ Pakistan, số cơ sở phân phối thuốc bất hợp pháp nhiều gấp 25 lần số nhà thuốc được đăng ký. Chính điều này đã đẩy người dân phải đối mặt với những hiểm họa khôn lường vì thuốc giả được phân phối từ các cơ sở sản xuất bất hợp pháp, phần lớn có chứa độc tố. Và bất chấp nỗ lực truy quét của Chính phủ trong thời gian qua, Pakistan vẫn nằm trong top 20 nước sản xuất thuốc giả lớn nhất thế giới. Điều đáng quan tâm là việc bán thuốc giả tại Pakistan đã được mở rộng sang online, giúp chi phí trung gian và vận chuyển giảm đi đáng kể, tăng lợi nhuận cho các ông chủ.