Philippines sa thải gần 400 cảnh sát

Thứ Tư, 21/03/2018, 22:42
Philippines đã sa thải gần 400 cảnh sát, kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte đẩy mạnh chiến dịch "dọn sạch lực lượng khét tiếng vì lạm quyền".

Chánh án O-Gon Kwon của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) vừa tuyên bố lấy làm tiếc trước việc Philippines quyết định rút khỏi Quy chế Rome về thành lập ICC, và cho rằng việc này sẽ gây tổn hại tới các nỗ lực xét xử tội phạm của tòa án có trụ sở tại La Haye (Hà Lan). 

Ông O-Gon Kwon kêu gọi Philippines cân nhắc lại quyết định kể trên và đối thoại để giải quyết những khác biệt thay vì rút khỏi cơ quan này. Mấy ngày trước (14-3), Tổng thống Rodrigo Duterte đã tuyên bố rút Philippines khỏi Quy chế Rome về thành lập ICC. 

Việc này diễn ra sau khi ICC thông báo bắt đầu "cuộc điều tra sơ bộ" về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines. Ngoài việc rút Philippines khỏi ICC, Tổng thống Rodrigo Duterte còn dọa ném các nhà điều tra nhân quyền cho cá sấu ăn thịt! 

Bởi Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Zeid Ra'ad Al Hussein kêu gọi điều tra chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy ở Philippines, và rằng Tổng thống Rodrigo Duterte phải đi khám sức khỏe tâm thần. 

Khi phát biểu với binh sĩ tại Zamboanga hôm 10-3, ông Rodrigo Duterte đã kêu gọi các cơ quan thi hành pháp luật không trả lời khi các nhà điều tra nhân quyền của Liên hợp quốc chất vấn vì họ có quyền giữ im lặng. Đồng thời nhấn mạnh, ông sẽ nhận toàn bộ trách nhiệm liên quan đến chiến dịch chống ma túy. 

Tổng thống Rodrigo Duterte cũng từng tuyên bố, ICC không có cơ hội xét xử vì "một triệu năm nữa" ICC cũng không có thẩm quyền truy tố ông. Hơn 1 tháng trước (tối 12-2), Tổng thống Rodrigo Duterte từng nhấn mạnh, cuộc chiến chống tội phạm ma túy tại Philippines sẽ tiếp tục bất chấp việc ICC muốn tiến hành một "cuộc kiểm tra sơ bộ" do ông phát động.

Cảnh sát Philippines tham gia chống tội phạm.

Ngoài những tuyên bố gây sốc trên, Tổng thống Rodrigo Duterte còn vừa ký ban hành đạo luật gây tranh cãi khi trao cho cảnh sát trưởng và 2 quan chức cảnh sát cấp cao khác quyền được "phát lệnh hầu tòa". 

Bởi theo các nhà hoạt động nhân quyền, đạo luật này sẽ trao thêm quyền cho cảnh sát, vốn bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Nhóm hoạt động vì phụ nữ Gabriela coi đạo luật kể trên là "tín hiệu xanh" cho các vụ giết chóc ngoài vòng pháp luật, bắt giữ tùy tiện, chống lại giới bất đồng chính kiến và phe đối lập. 

Và những động thái này diễn ra trong bối cảnh Philippines đã sa thải gần 400 cảnh sát, kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte đẩy mạnh chiến dịch "dọn sạch lực lượng khét tiếng vì lạm quyền". 

Trong tuyên bố đưa ra mới đây, người phát ngôn cảnh sát Philippines John Bulalacao đã gọi chiến dịch kể trên là một "kiên quyết chống lại sự vi phạm kỷ luật". 

Đồng thời cho biết, đa số các vụ sa thải đều có liên quan tới cướp, tống tiền, bắt cóc và bảo kê buôn bán ma túy. Và không ai trong số những cảnh sát bị sa thải bởi hành vi có liên quan tới cuộc chiến chống ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động. 

Ông John Bulalacao cũng cho biết, cảnh sát đã nhận hơn 10.000 lời phàn nàn và khoảng 15% khiếu nại được điều tra và xác nhận. Theo giới truyền thông, ngoài số cảnh sát bị sa thải kể trên, khoảng 1.700 nhân viên khác đã bị kỷ luật từ khiển trách, giảm lương đến tạm đình chỉ công tác. 

Riêng những người tham gia vào các hoạt động tội phạm đều phải đối mặt với án phạt của tòa. Ông John Bulalacao cho biết, 167 sĩ quan bị phát hiện sử dụng ma túy hoặc có liên quan đến tội phạm ma túy.

Cảnh sát Philippines bắt tội phạm ma túy.
Trong thông báo đưa ra hôm 3-3, ông John Bulalacao xác nhận, có 102 nghi phạm ma túy bị tiêu diệt kể từ khi cảnh sát nối lại chiến dịch chống ma túy theo lời kêu gọi của Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra ngày 5-12-2017. 

Trước đó (tháng 10-2017), Tổng thống Rodrigo Duterte từng tuyên bố, Cơ quan Chống ma túy Philippines sẽ thay lực lượng cảnh sát trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy. 

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, ông Rodrigo Duterte đã cho phép cảnh sát nối lại công việc của họ vì cho rằng, 2.000 nhân viên của Cơ quan Chống ma túy Philippines hoạt động không hiệu quả. 

Theo số liệu được chính phủ Philippines công bố, có ít nhất 4.000 người đã bị cảnh sát bắn chết kể từ khi chiến dịch trấn áp tội phạm được phát động hồi tháng 7-2016. Nhưng theo nhiều nhóm hoạt động nhân quyền, số người thiệt mạng vì chiến dịch kể trên là 12.000 người. 

Tổng thống Rodrigo Duterte vấp phải chỉ trích sau quyết định cấm tờ Rappler đưa tin về mình. Lệnh cấm của Tổng thống Rodrigo Duterte được đưa ra sau khi trưởng cố vấn Bong Go bị triệu tập đến Thượng viện để giải trình vì một phóng viên Rappler viết bài cáo buộc ông từng can thiệp vào một dự án tàu khu trục trị giá 308 triệu USD của hải quân. Rappler được thành lập năm 2012, là một trong những cơ quan báo chí của Philippines có quan hệ không tốt với ông Rodrigo Duterte do phê phán cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống. 

Trịnh Huyền My
.
.
.