Công khai hoạt động của “Biệt đội tử thần Davao”
Edgar Matobato tự nhận mình là một trong những thành viên của “Biệt đội tử thần Davao” và đã tiết lộ những bí mật động trời về đơn vị này.
Người phát ngôn của PNP đồng thời là Phó Giám đốc PNP Dionardo Carlos nói: “Chúng tôi đang rà soát lại các thông tin và sẽ công khai danh tính những ai vẫn còn đang hoạt động trong “Biệt đội tử thần Davao” để đề nghị họ xuất hiện trước cuộc điều trần tại Thượng viện dự kiến tiếp tục vào đầu tháng 10.
Những bài báo nói về “Biệt đội tử thần Davao”. |
Đối với những người không còn làm việc trong biệt đội này nữa, chúng tôi cũng sẽ mời lên làm việc để hỏi rõ một số thông tin. Cá nhân tôi đã được nhìn qua danh sách các thành viên của biệt đội này.
Tôi nghĩ lực lượng cảnh sát ở Davao sẽ phải có buổi làm việc để nói rõ về đơn vị này”. Cũng theo lời ông Dionardo Carlos thì danh tính của người đứng đầu “Biệt đội tử thần Davao” vẫn đang được giấu kín.
Về những thông tin mà Edgar Matobator khai tại cuộc điều trần ở Thượng viện, ông Dionardo Carlos cho biết, lực lượng thanh tra cảnh sát đang tiến hành điều tra và việc này không chỉ có cảnh sát tham gia, mà còn có nhiều đơn vị, ban ngành khác cùng điều tra theo yêu cầu của Thượng viện.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson cho rằng, cần phải có thêm những cuộc điều trần tiếp theo về hoạt động của “Biệt đội tử thần Davao”. Chủ tịch Ủy ban Tư pháp và Nhân quyền Richard Gordan và Thượng nghị sĩ Leila De Lima cũng đồng tình với quan điểm này và khẳng định, phải làm rõ về số người được cho là đã bị các thành viên của “Biệt đội tử thần Davao” giết (khoảng 1.000 người theo lời khai của Edgar Matobator).
Thêm vào đó là thông tin về vai trò của con trai Tổng thống Rodrigo Duterte, ông Paolo Duterte như lời khai của Edgar Matobator.
Hãng tin Reuters đưa tin, trong lời khai tại phiên điều trần ở Thượng viện, Edgar Matobator cho biết, “Biệt đội tử thần Davao” được thành lập dưới thời ông Rodrigo Duterte còn là Thị trưởng, có khoảng 10 thành viên, sau đó tăng lên hàng trăm người. Đơn vị này được quản lý bởi một sĩ quan đương chức.
Edgar Matobator tại phiên điều trần ở Thượng viện hồi cuối tháng 9. |
Các thành viên trong “Biệt đội tử thần Davao” được cấp súng đạn và được cho thông tin cụ thể về mục tiêu cần diệt. Chiến thuật điển hình của đơn vị này là đi từng nhóm nhỏ hai hoặc ba người trên những chiếc xe máy không gắn biển số để tiếp cận mục tiêu.
Nạn nhân sẽ bị bất ngờ đâm bằng dao hoặc bắn bằng súng ngay giữa thanh thiên bạch nhật, tại những nơi như quán bar, chợ, siêu thị hoặc những nơi đông người khác, sau đó sát thủ lên xe máy chạy thoát…
Một nguồn tin khác từ hãng AP cho hay, sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte ngỏ lời mời Liên hợp quốc (LHQ), Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) điều tra về những cáo buộc vi phạm nhân quyền trong chiến dịch truy quét tội phạm ma túy của mình, LHQ đã cử một phái đoàn gồm 18 chuyên gia tới quốc gia này. Phái đoàn này sẽ kiểm tra những thông tin xung quanh chiến dịch truy quét tội phạm ma túy và những cáo buộc vi phạm nhân quyền được đưa ra trước đó.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết, phái đoàn chuyên gia này đã tới Philippines từ ngày 28-9 và sẽ lưu lại ít nhất 1 tuần. Báo cáo cụ thể về cuộc điều tra của phái đoàn sẽ được công bố vào ngày 11 tháng 10 tới.
Trước đó, vào đầu tháng 9, bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào, Philippines cũng đã có động thái bảo vệ cuộc truy quét tội phạm ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte bằng việc phát một cuốn sách nhỏ tuyên truyền về chiến dịch này tới các đại biểu dự hội nghị.
Cuốn sách dày 38 trang, được trình bày bắt mắt với nhiều hình ảnh của Tổng thống Rodrigo Duterte, trong đó có hình ảnh ông viếng một quan chức cảnh sát bị một tội phạm ma túy bắn chết.
Cuốn sách cho biết, đã có hơn 600.000 người đầu hàng trong chiến dịch truy quét này và gần 13.000 con nghiện bị bắt giữ. Các chiến dịch truy quét của cảnh sát đã làm giảm tỉ lệ tội phạm ở Philippines 49% so với năm trước…