Pháp lại gồng mình chống khủng bố
Được biết, ngày 6-11, đại diện Tạp chí Charlie Hebdo cho biết, những lời đe dọa được đưa ra sau khi họ đăng hình vẽ và lời lẽ châm biếm miêu tả học giả Tariq Ramadan (giáo sư của Đại học Oxford, có quan điểm Hồi giáo bảo thủ tại Pháp) là "cột trụ thứ 6 của Hồi giáo" trong ấn phẩm phát hành hôm 1-11-2017.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Văn phòng Công tố Paris đã tiến hành điều tra lời đe dọa viết tay và hành động mang tính khủng bố này. Theo ông Laurent "Riss" Sourisseau, biên tập viên của Charlie Hebdo, những mối đe dọa và thư hăm dọa nhằm vào tạp chí này "chưa bao giờ chấm dứt" sau các vụ tấn công khủng bố xảy ra cách đây hơn 2 năm.
Cảnh sát Pháp được tăng cường ở các địa điểm nhạy cảm. |
Đồng thời thừa nhận, khó có thể biết được những mối đe dọa này có nghiêm trọng hay không, nhưng về nguyên tắc họ luôn coi đó là những mối đe dọa nghiêm trọng và báo cáo với nhà chức trách. Sự việc của Tạp chí Charlie Hebdo diễn ra sau khi cơ quan chức năng buộc tội 8 đối tượng (tuổi từ 17 đến 29), trong đó có 3 trẻ vị thành niên tham gia âm mưu tấn công mang tính tội phạm và có quan hệ với Logan Alexandre Nisin, một phần tử cực hữu bị bắt gần Marseille hôm 28-6.
Logan Alexandre Nisin là kẻ sáng lập nhóm cực hữu có tên gọi OAS (từng ca ngợi Anders Behring Breivik, kẻ đã gây ra vụ thảm sát kinh hoàng bằng súng ở Na Uy năm 2011 khiến 77 người chết), bị bắt sau khi tung lên mạng kế hoạch tấn công người da màu, các phần tử thánh chiến và người nhập cư.
Hơn 20 ngày trước (17-10), các cơ quan chống khủng bố đã bắt 10 đối tượng tình nghi âm mưu tấn công các thánh đường Hồi giáo và chính trị gia, kể cả người phát ngôn của Chính phủ Christophe Castaner và thủ lĩnh cánh tả cấp tiến Jean-Luc Melenchon.
Theo giới truyền thông, vì ấn phẩm của Tạp chí Charlie Hebdo phát hành hôm 1-11, đúng thời điểm Bộ trưởng Nội vụ Gerard Collomb tuyên bố, khoảng 20 người sẽ bị quản thúc tại gia, theo một đạo luật chống khủng bố mới có hiệu lực, nên dư luận và giới chuyên môn càng quan tâm.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 1-11, Bộ trưởng Nội vụ Gerard Collomb cho biết, con số kể trên là một nửa số người hiện đang bị quản thúc tại gia sau khi Pháp áp đặt tình trạng khẩn cấp liên quan tới các vụ tấn công tại Paris trong năm 2015, cướp đi sinh mạng của 130 người.
Và theo tình trạng khẩn cấp từ khi đó, hàng trăm đối tượng đã bị quản thúc tại gia, nhưng theo luật chống khủng bố mới được ban hành, số lượng này giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo con số thống kê, hiện các cơ quan chức năng vẫn đang theo dõi khoảng 12.000 đối tượng khả nghi.
Khoảng 10 ngày trước (30-10), Tổng thống Emmanuel Macron đã ký ban hành đạo luật chống khủng bố mới, trong đó trao nhiều quyền cho lực lượng bảo vệ pháp luật như lục soát nơi ở, đóng cửa các địa điểm tôn giáo và hạn chế đi lại đối với những người bị tình nghi là phần tử cực đoan.
Và luật này có hiệu lực ngay sau khi lệnh tình trạng khẩn cấp hết hạn vào lúc 0h ngày 2-11 (sau khi được gia hạn tới 6 lần). "Đạo luật này sẽ cho phép chúng ta chấm dứt tình trạng khẩn cấp từ ngày 1-11, trong khi đảm bảo hoàn toàn an ninh của công dân", ông Emmanuel Macron phát biểu sau khi ký ban hành đạo luật kể trên. Chính phủ coi đây là câu trả lời "bền vững cho mối đe dọa lâu dài" để bảo vệ toàn vẹn các quyền tự do, cũng như an toàn cho người dân Pháp.
Hai kẻ khủng bố tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo năm 2015. |
Theo giới truyền thông, luật chống khủng bố mới bị nhiều người chỉ trích vì ảnh hưởng đến quyền tự do công dân. Bởi cảnh sát có quyền nghe trộm các thiết bị điện tử, cho phép Bộ Nội vụ được tiến hành một chiến dịch quy mô lớn nếu xác định được mối đe dọa, hạn chế sự đi lại của công dân tại một khu vực nào đó.
Tuy nhiên, theo một cuộc điều tra dư luận được tiến hành hồi thượng tuần tháng 10, có tới 80% người dân Pháp đồng tình với các quy định trong luật chống khủng bố mới. Ngày 3-10, với 415 phiếu thuận, 127 phiếu chống và 19 phiếu trắng, Hạ viện đã thông qua đạo luật chống khủng bố mới.
Cảnh sát đã bắt 2 nghi can (ở Toulon, cách Marseille 65km về phía Đông) có liên quan đến Ahmed Hanachi (bị cảnh sát bắn chết tại hiện trường), kẻ gây ra vụ tấn công bằng dao hôm 1-10 ở thành phố cảng Marseille, miền Nam nước Pháp. Cảnh sát Italia đã bắt em trai của Ahmed Hanachi là Anis Hanachi, theo lệnh truy nã quốc tế do Pháp đưa ra. Cảnh sát Thụy Sĩ cũng đã bắt 2 người Tunisia do nghi ngờ có liên quan đến vụ tấn công khiến 2 phụ nữ thiệt mạng ở Marseille. |