Khi vợ và người tình của cảnh sát biểu tình
"Còn quá trẻ để trở thành góa phụ" là một trong những biểu ngữ được hơn 100 bà vợ và người tình của cảnh sát giơ lên khi tuần hành qua Paris hôm 22-4, để phản đối tình trạng bạo lực nhắm vào cảnh sát, sau khi cảnh sát Xavier Jugele bị bắn chết và 2 cảnh sát khác bị thương trong khi đang đi tuần tại trung tâm Thủ đô.
Ngoài biểu ngữ, những người biểu tình còn cầm các quả bóng màu đen đại diện cho các cảnh sát thiệt mạng khi làm nhiệm vụ. Các bà vợ cùng người tình của cảnh sát cũng giơ cao những quả bóng màu hồng tượng trưng cho gia đình họ.
Cuộc biểu tình kể trên diễn ra sau khi sát thủ Karim Cheurfi, 39 tuổi, trú tại tỉnh Seine-et-Marne (cách Paris gần 55km), gây án tại đại lộ Champs-Elysees tối 20-4. Karim Cheurfi đã bị bắn hạ ngay sau khi sát hại cảnh sát Xavier Jugele và làm bị thương 2 người khác.
Cùng ngày 22-4, một người đàn ông cầm dao đe dọa cảnh sát tại nhà ga Gare du Nord ở Paris đã bị bắt giữ. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh an ninh công cộng đang được siết chặt sau vụ nổ súng trên đại lộ Champs-Elysees và cuộc bầu cử Tổng thống vòng 1 diễn ra hôm 23-4.
Trước đó, công tố viên Francois Molins công bố thông tin chi tiết về vụ nổ súng trên đại lộ Champs-Elysees. Theo đó, Karim Cheurfi đã lái chiếc Audi tới hiện trường và bắn vào xe cảnh sát, khiến cảnh sát Xavier Jugele trúng 2 viên đạn vào đầu, chết tại chỗ, 2 cảnh sát khác bị thương, trong đó có 1 người bị thương nặng.
Sát thủ đã bị cảnh sát bắn hạ và họ tìm thấy gần thi thể hắn 1 mẩu giấy ghi "muốn tử vì đạo để vinh danh Thánh Allah", còn mẩu giấy thứ 2 ghi nhiều địa chỉ cơ quan cảnh sát. Túi xách trong cốp xe có 1 khẩu súng, đạn, dao kéo và kinh Coran.
Cảnh sát Pháp được tăng cường nhằm thắt chặt an ninh. |
Công tố viên Francois Molins trước đó đã công bố danh tính 2 nghi phạm (Clement Baur, 23 tuổi và Mahiedine Merabet, 29 tuổi) bị bắt tại thành phố Marseille với cáo buộc đã lên kế hoạch chuẩn bị tấn công khủng bố. Và 2 tên này đều có liên quan tới nhóm thánh chiến ở Bỉ.
Khi khám căn hộ của 2 nghi phạm, cảnh sát đã tìm thấy 1 lá cờ IS, 1 tiểu liên Uzi, 2 súng lục, chất gây nổ TATP (thường được khủng bố sử dụng trong đánh bom cảm tử) và 1 quả lựu đạn tự chế.
Theo tờ Le Parisien, Karim Cheurfi có nhiều tiền án, 2 lần định giết cảnh sát, bị kết án 4 lần về các tội giết người, đánh người, trộm cắp và đã ngồi tù tổng cộng 14 năm.
Nhưng cơ quan điều tra vẫn chưa kết luận Karim Cheurfi là phần tử Hồi giáo cực đoan hay chỉ là kẻ căm thù cảnh sát. Bởi theo công tố viên Francois Molins, trong thời gian ngồi tù, Karim Cheurfi không có biểu hiện nào về tư tưởng cực đoan hay bị lôi kéo. Cảnh sát cũng khuyến cáo, phần tử thánh chiến Hồi giáo âm mưu phá cuộc bầu cử.
Trong khi giới chức Pháp công bố danh tính hung thủ là Karim Cheurfi, nhưng IS lại tuyên bố, kẻ tấn công là người Bỉ, tên là Abu Yousif. IS lên tiếng nhận trách nhiệm trong vụ việc này và gọi đó là cuộc tấn công "vào trung tâm thành phố Paris".
Theo giới truyền thông, cảnh sát Pháp đang truy lùng nghi can thứ hai trong vụ nổ súng tại Paris sau khi có sự ủy quyền của các cơ quan an ninh Bỉ. Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Pháp Pierre-Henry Brandet, các cơ quan an ninh Bỉ đã nhận dạng 1 người đàn ông là nghi can thứ 2 và cảnh sát Pháp đang truy lùng đối tượng này.
Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon cho biết, đối tượng có liên quan tới vụ nổ súng ở trung tâm Thủ đô Paris là công dân Pháp. Cảnh sát nghi ngờ vụ tấn công là động thái nhằm phá hoại vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống.
Phát biểu trong tối 20-4, Tổng thống Francois Hollande khẳng định, tất cả những việc cần thiết đang được thực hiện để lực lượng cảnh sát, hiến binh và quân đội thực thi nhiệm vụ.
Theo đó, chính quyền huy động toàn bộ lực lượng để đảm bảo cho quá trình bầu cử, đồng thời khẳng định quyết tâm chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Ông Francois Hollande cũng đã họp khẩn với Thủ tướng Bernard Cazeneuve và Bộ trưởng Nội vụ Matthias Fekl ngay sau biết tin. Ông Bernard Cazeneuve tuyên bố, Pháp đã huy động toàn bộ lực lượng và tất cả lực lượng tinh nhuệ đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao.
Ngay sau khi xảy ra vụ nổ súng, Bộ trưởng Nội vụ Matthias Fekl đã huy động thêm lực lượng, cho dù trước đó đã bố trí hơn 50.000 cảnh sát và hiến binh cùng sự có mặt của 10.000 binh sĩ tham gia chiến dịch Sentinelle (triển khai quân đội bảo vệ các vị trí nhạy cảm) để đảm bảo an ninh và bảo vệ 67.000 điểm bỏ phiếu, khi 45,7 triệu cử tri đi bỏ phiếu vòng 1 hôm 23-4. Và cuộc chiến chống khủng bố sẽ là ưu tiên hàng đầu của tân Tổng thống và Chính phủ mới.