Pháp: Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy tái xuất chính trường

Thứ Ba, 31/03/2015, 14:00
Giới chuyên môn cho rằng, ông Nicolas Sarkozy đã chính thức tái xuất chính trường sau khi đắc cử lãnh đạo UMP hồi tháng 11/2014 (UMP sẽ chọn ứng cử viên Tổng thống trong năm 2016), mở đường cho cựu Tổng thống mở chiến dịch tranh cử Tổng thống diễn ra năm 2017.

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Đảng bảo thủ Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) do cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy lãnh đạo đã dẫn đầu trong cuộc bầu cử địa phương tổ chức hôm 22/3. Bởi UMP giành được 31% phiếu bầu và Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu (FN) do bà Marine Le Pen lãnh đạo nhận được 24%, còn Đảng Xã hội cầm quyền chỉ có 19% cử tri ủng hộ. Được biết, UMP và Đảng Xã hội có thể sẽ kêu gọi liên minh khi cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vòng 2 diễn ra ngày 29/3.

Giới chuyên môn cho rằng, ông Nicolas Sarkozy đã chính thức tái xuất chính trường sau khi đắc cử lãnh đạo UMP hồi tháng 11/2014 (UMP sẽ chọn ứng cử viên Tổng thống trong năm 2016), mở đường cho cựu Tổng thống mở chiến dịch tranh cử Tổng thống diễn ra năm 2017.

Theo giới bình luận, đối với những cử tri cánh tả, ông Nicolas Sarkozy là người duy nhất có khả năng tập hợp sự ủng hộ từ phía trung lập để UMP giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2017.

Vợ chồng cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy-Carla Bruni.

Hơn nửa năm trước (19/9/2014), trên Facebook của mình, ông Nicolas Sarkozy thông báo, sẽ tranh cử tổng thống, đồng thời cho biết sẽ thiết lập lại hệ thống chính trị dựa trên một "dự án mới" nếu tái đắc cử. Và động thái này đã chấm dứt đồn đoán về khả năng cựu Tổng thống có trở lại chính trường hay không.

Theo giới truyền thông, ông Nicolas Sarkozy quyết định tái xuất chính trường sau khi nhận được sự ủng hộ của vợ - siêu mẫu, ca sĩ Carla Bruni. Sở dĩ nói như vậy vì từng có tin đồn, bà Carla Bruni phản đối chồng ra tranh cử chức Chủ tịch UMP (tháng 11/2014) vì lo ngại sẽ bị giới truyền thông săm soi.

Được biết, sau khi rời Điện Elysee, bà Carla Bruni kiếm được khá nhiều tiền - được trả hơn 2 triệu euro/năm để đại diện cho thương hiệu nữ trang Bvlgari của Italia, nhận trước hơn 1 triệu euro cho album ra mắt năm ngoái... Tuy nhiên, những thách thức mà ông Nicolas Sarkozy phải đối mặt cũng khá nhiều, nhất là cáo buộc gây quỹ tranh cử trái phép năm 2007. Ông Nicolas Sarkozy vẫn chưa thoát khỏi cáo buộc từng nhận các khoản quyên góp tranh cử trái phép từ cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi và nhiều người khác.

Và cơ quan điều tra Pháp đã tổ chức nghe lén điện thoại của ông Nicolas Sarkozy (từ đầu năm 2013) để làm rõ cáo buộc cựu Tổng thống từng nhận 50 triệu euro tài trợ trái phép của cố Tổng thống Muammar Gaddafi khi vận động tranh cử tổng thống năm 2007. 

Vụ nghe lén này tuy giúp cơ quan điều tra tự tin bắt giam ông Nicolas Sarkozy 15 giờ (một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Cộng hòa Pháp kể từ sau Thế chiến thứ hai), nhưng đã tạo ra những phản ứng khác nhau từ xã hội. 

Hơn 8 tháng trước (2/7/2014), quyết định bắt giữ cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và ông bị thẩm vấn tại Nanterre, gần thủ đô Paris trong khoảng 15 tiếng từng khiến chính trường Pháp rúng động.

Theo các công tố viên Pháp, ông Nicolas Sarkozy bị cáo buộc phạm các tội tham nhũng và sử dụng ảnh hưởng của mình để tư lợi trong một cuộc điều tra hình sự. Đây là lần đầu tiên một cựu Tổng thống Pháp bị bắt giam và việc này diễn ra một ngày sau khi luật sư của ông Nicolas Sarkozy là Thierry Herzog cùng 2 thẩm phán khác bị cơ quan điều tra xét hỏi. Giới truyền thông và dư luận từng coi vụ việc kể trên sẽ giáng mạnh vào nỗ lực tái tranh cử Tổng thống của ông Nicolas Sarkozy.

Sau khi đảng đối lập UMP tố cáo vụ nghe lén, ông Francois Fillon, Thủ tướng dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy đã yêu cầu quốc hội thành lập ủy ban điều tra, làm rõ vụ bê bối này. Khi đó, Chủ tịch UMP Jean-Francois Cope thậm chí còn yêu cầu Tổng thống Francois Hollande trả lời câu hỏi: Có biết vụ nghe lén hay không? Và UMP chỉ nhận được câu trả lời đơn giản từ Bộ trưởng Tư pháp Chritiane Taubira - chỉ biết có chuyện này khi đọc tờ Le Monde.

Nhưng theo tờ Le Canard Enchaine, Bộ trưởng Nội vụ Manuel Walls và bà Chritiane Taubira đã được báo cáo về việc nghe lén ngay từ đầu. Còn Thủ tướng Jean-Marc Ayrault xác nhận, chính phủ có biết việc nghe lén cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, nhưng ông không biết gì về nội dung các cuộc nói chuyện này.

Ngoài vụ nhận tiền từ cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy còn bị cáo buộc có liên quan tới tài chính với nữ tỷ phú Liliane Bettencourt, người thừa kế Tập đoàn mỹ phẩm lớn nhất thế giới L'Oreal và vụ bán tàu ngầm lớp Agosta cho Pakistan trong thập niên 1990. Theo tờ Daily Mail, quỹ từ thiện Sarkozy-Bruni của cựu Đệ nhất phu nhân Carla Bruni từng nhận tiền của bà Liliane Bettencourt hồi tháng 9/2009.
Nhiệm Bình
.
.
.