Phá án bằng công nghệ di truyền học phả hệ
Truy tìm hung thủ bằng công nghệ phân tích DNA truyền thống chủ yếu tập trung vào việc tìm kiếm xem mẫu DNA mà cảnh sát có trong tay có khớp với bất cứ nghi phạm hoặc bất cứ mẫu nào trong kho dữ liệu. Tuy nhiên, có nhiều vụ án rơi vào bế tắc bởi việc truy tìm theo hướng này không ra hung thủ.
Công nghệ Snapshot ra đời nhằm để giải quyết những vụ án bế tắc đó và trên thực tế nó đã thành công với việc tìm ra hung thủ của hàng loạt vụ án mà công nghệ phân tích DNA truyền thống bó tay.
Bắt hung thủ sau hơn 30 năm truy tìm
Công nghệ DNA đã được áp dụng để phá án từ năm 1983, tuy nhiên xây dựng cây phả hệ của thủ phạm nhằm truy tìm tung tích hắn từ người thân trong gia đình, hoặc phác họa chân dung nạn nhân từ một mẩu DNA thu thập từ hiện trường… lại là một công nghệ hoàn toàn mới. Năm 2018, nhờ công nghệ này mà FBI đã bắt được kẻ giết người hàng loạt Joseph James DeAngelo sau 32 năm gây án.
Từ năm 1974 đến năm 1986, tại California đã xảy ra 13 vụ giết người, 50 vụ cưỡng hiếp và hơn 120 vụ trộm. Tuy nhiên, thủ phạm của những vụ án này như kẻ vô hình khi DNA và dấu vân tay của hắn không khớp với bất kì mẫu nào trong kho dữ liệu tội phạm của FBI và không nhân chứng nào có thể cung cấp được thông tin có giá trị, vì thế việc truy lùng hung thủ suốt nhiều năm rơi vào bế tắc.
Nhưng Paul Holes - một nhân viên điều tra kiêm chuyên gia giám định DNA - đã sử dụng một phuơng pháp nhiều nhà khoa học pháp chứng từng cho là không tưởng: lần tìm hung thủ từ… đời tổ tiên của hắn.
Lãnh đạo Công ty Parabon NanoLabs. |
Từ DNA của hung thủ, Paul Holes đã tìm ra người kị sống vào những năm 1800 của hắn, và từ người kị này, ông cùng nhóm chuyên gia về phả hệ đã vẽ ra 25 nhánh gia đình của hung thủ, bao gồm hàng nghìn người họ hàng. Một nhánh của cây phả hệ này dẫn Paul Holes đến Joseph James DeAngelo - một cảnh sát về hưu 72 tuổi đang sống bình lặng tại vùng ngoại ô Sacramento, California.
Chi tiết khiến Paul chú ý đến James đó là hai lần Joseph mua súng đều trùng với những vụ giết người của kẻ giết người hàng loạt vùng California. Giữa tháng 4/2018, sau nhiều ngày kiên nhẫn chờ đợi, FBI đã thu thập được DNA của Joseph từ một số đồ hắn đem vứt.
Kết quả là DNA của Joseph và tên giết người trùng 100%, và hắn bị bắt giữ vào cuối tháng 4/2008, kết thúc hàng thập kỉ truy tìm. Công nghệ được sử dụng có tên là công nghệ xác minh kiểu hình gen, và Công ty Parabon NanoLabs cùng bộ xét nghiệm Snapshot của họ hiện đang là công ty nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này.
Snapshot, công nghệ di truyền học phả hệ
Ông Steven Armentrout, Giám đốc Công ty Parabon NanoLabs, cha đẻ của công nghệ Snapshot nhớ lại, vào năm 2014, khi mới được sáng chế thành công, thực sự ở Mỹ không ai để mắt tới nó.
Ellen Greyatk - một thành viên chủ chốt khác của Parabon NanoLabs - kể rằng, nhân viên của công ty phải đi gặp từng vị khách hàng tiềm năng một và nài nỉ họ đến xem qua quầy quảng cáo của Parabon NanoLabs tại các hội thảo về an ninh.
Giờ đây, Parabon đã trở thành nơi đầu tiên cảnh sát tìm đến để phá giải những vụ án còn tồn đọng lâu năm. Sử dụng công nghệ tiên tiến, Snapshot có thể trích xuất và phân tích DNA từ những mẫu rất nhỏ như một chấm máu hay một sợi lông.
Từ bản phân tích này, Snapshot sẽ tìm kiếm những mẫu DNA có quan hệ gia đình với mẫu gốc từ kho lưu trữ DNA quốc gia. Đây chính là cách Snapshot giúp tìm ra thủ phạm của một loạt vụ cưỡng hiếp gần sông Potomac, Washington từ những năm 1990.
Chân dung kẻ sát nhân ở California. |
Các chuyên gia sử dụng công nghệ vẽ nên cây phả hệ từ mẫu DNA còn sót lại, lọc ra hàng nghìn cái tên. Sau khi loại trừ những người đã qua đời hoặc những người không phù hợp (quá già, quá trẻ, là phụ nữ…), họ tìm ra 5 người họ hàng của chủ nhân mẫu DNA.
Cảnh sát tìm kiếm 5 người họ hàng này, thu thập thông tin từ họ và tìm ra hung thủ: hắn là một công nhân xây dựng làm việc gần hiện trường suốt nhiều năm.
Tuy Parabon không phải công ty duy nhất sử dụng công nghệ di truyền học phả hệ để giúp đỡ cảnh sát phá án, nhưng hiện tại họ đang là công ty đưa ra kết luận chính xác nhất.
Ellen Greytak cho rằng công nghệ Snapshot sẽ thay đổi cách thức cảnh sát phá án: "Chúng tôi không chỉ giúp cảnh sát phá những vụ án tắc nhiều năm, mà chúng tôi còn khiến các vụ án không trở thành án tắc".
Công nghệ này không chỉ giúp xây dựng cây phả hệ, mà còn có thể tái tạo chân dung chủ nhân của mẫu DNA dựa trên nguyên tắc rằng DNA quyết định sắc tộc, độ tuổi và một số nét chủ chốt về ngoại hình của một người.
Năm 2017, vài người leo núi tình cờ tìm thấy một bộ hài cốt bên lề đường cao tốc ở vùng ngoại ô Baltimore. Sau nhiều tháng không thể xác minh được danh tính nạn nhân, Cục Cảnh sát Baltimore đã phải nhờ tới sợ giúp đỡ của Công ty Parabon.
Công nghệ Snapshot đã giúp dựng lại gương mặt của nữ nạn nhân từ bộ hài cốt. Dựa vào tung tích nạn nhân, cảnh sát Baltimore đã tìm ra hung thủ. Hiện hắn đã bị kết án và phải chịu 30 năm tù giam.
Ngoài việc giúp xác minh danh tính của những thi thể vô thừa nhận, Snapshot còn giúp phá giải những vụ án có quá ít chứng cứ.
Nhờ vào kết quả giám định của một giọt máu để lại tại hiện trường, Snapshot đã phác họa ra chân dung của một tên hiếp dâm tại New Mexico, giúp nhà chức trách tóm gọn và tống giam hung thủ.
Công nghệ tiên tiến này cũng giúp kết tội kẻ đã sát hại một phụ nữ 25 tuổi ở Texas và kẻ thủ ác thậm chí còn không nằm trong danh sách tình nghi.
Ellen Greylek tiết lộ thêm: "Đôi khi cảnh sát đang truy tìm nghi phạm theo hướng này, nhưng manh mối chúng tôi cung cấp lại đưa họ theo hướng ngược lại".
Ảnh dựng từ DNA và ảnh thật. |
Công nghệ Snapshot sử dụng thủ thuật xác minh kiểu hình DNA. Khác với công nghệ truyền thống, Snapshot không so sánh mẫu DNA với bất kì mẫu nào khác thu thập được từ hiện trường hoặc nghi phạm mà sử dụng mẫu DNA một cách độc lập.
"Chúng tôi đang mang đến những cách phân tích DNA hoàn toàn mới phục vụ cho ngành khoa học pháp lý", Greytak khẳng định.
"Công nghệ phân tích DNA truyền thống chủ yếu tập trung vào việc tìm kiếm xem mẫu DNA họ có trong tay có khớp với bất cứ nghi phạm hoặc bất cứ mẫu nào trong kho dữ liệu.
Giả sử họ tìm được manh mối theo cách đó thì tốt, nhưng nếu không thể tìm được mẫu khớp dựa vào bên thứ 3 thì coi như vô dụng. Chúng tôi có thể truy tìm manh mối chỉ dựa vào mẫu DNA thu thập được từ hiện trường". Parabon cho biết, Snapshot đưa ra những thông tin rất dễ nhận biết về hung thủ, ví dụ như màu da, màu mắt hoặc tóc.
Khi xây dựng cây phả hệ thì Snapshot sẽ dựa vào những kho dữ liệu như trang ancestry.com hoặc 23andme.com - hai trang web ghi chép và lưu giữ phả hệ lớn nhất thế giới.
Dù nhiều chuyên gia vẫn lên tiếng phản đối công nghệ Snapshot vì ít nhiều nó sẽ khiến cảnh sát đặt những người ruột thịt hoặc họ hàng của hung thủ vào vòng nghi vấn chỉ vì những thông số sinh học họ không thể chọn lựa và thay đổi.
Tuy nhiên, Giám đốc Công ty Parabon NanoLabs thì lại cho rằng: "Truy tìm hung thủ dựa vào cây phả hệ cũng không khác gì việc cảnh sát gõ cửa từng nhà tìm nhân chứng. Manh mối là manh mối, cho dù nó có được thu thập từ đường dây nóng, từ camera đặt gần hiện trường, hoặc từ DNA thu thập từ các kho dữ liệu".