Pakistan:

Phá đường dây làm dược phẩm giả từ vôi vữa và thuốc diệt chuột

Thứ Bảy, 12/09/2015, 10:00
Cách đây chưa lâu, Interpol phối hợp cùng cảnh sát Pakistan phá một đường dây làm bằng và chứng chỉ giả quy mô quốc tế tại nước này. Vụ việc chưa lắng thì mới đây, một đoạn video do CNN công bố đã ghi lại cảnh các công nhân tại một xưởng làm thuốc bên trong một con hẻm gần khu chợ dược phẩm Pakistan.
Trong đoạn phim trên có hình ảnh một người đàn ông quàng khăn che kín đầu và mặt, chỉ để lộ đôi mắt, đang nghiền nhỏ vữa tường, chế biến và cho vào các gói thuốc. Người công nhân này tiết lộ, họ làm tất cả các loại thuốc từ dạng viên nang, viên nén cho tới sirô, bất cứ loại gì theo yêu cầu của thị trường.

"Con gái tôi bị viêm phổi nên tôi mua một vài loại thuốc bột ở chợ địa phương" - Shazill Maqsood, một người dân Pakistan nhớ lại. Nhưng sau khi dùng thuốc, tình trạng của cô bé chẳng hề khá hơn. Quá lo lắng, ông Maqsood phải đến gặp bác sĩ và được khuyên dừng ngay việc cho con gái uống những thứ thuốc đó, bởi đây là thuốc giả chứa đầy chất độc gây chết người.

Con gái ông Maqsood là một trong những bệnh nhân may mắn giữ được tính mạng vì kịp thời phát hiện và sớm dừng uống thuốc giả. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, có đến 1 triệu người chết mỗi năm trên thế giới do uống phải thuốc giả. Tại Pakistan, chỉ trong một vụ việc năm 2012, đã có 120 người chết do uống phải thuốc giả. Các cửa hàng dược phẩm tại Pakistan cung cấp đủ loại thuốc nhưng ít ai kiểm chứng được đâu là hàng thật và đâu là thuốc giả.

Người đàn ông được đề nghị giấu tên trong đoạn video do CNN công bố tiết lộ: "Chúng tôi làm tất cả các loại thuốc theo yêu cầu của thị trường. Các chai lọ đều chứa những thành phần giống nhau, các loại sirô đều là một, chỉ khác nhau về màu sắc".

Người đàn ông này cũng cho biết, việc mua nguyên vật liệu hết sức dễ dàng từ chai, hộp, nắp chai đến viên nang... Javed Iqbal, một nhân viên bán nguyên liệu làm thuốc giả thừa nhận, có thể cung cấp cho khách bất cứ thứ gì nhưng lại không biết khách hàng sẽ làm gì với những thứ mua từ cửa hàng mình: "Họ mua sản phẩm từ chúng tôi, đây là công việc làm ăn. Nhưng chúng tôi không biết họ đựng gì vào các loại chai, có thể là rượu, hoặc là thuốc". John Clark, cựu quan chức của Cơ quan Xuất nhập cảnh và Hải quan Mỹ (ICE), tiết lộ kết quả phân tích các loại thuốc giả bị thu giữ tại Mỹ cho thấy, thành phần của chúng bao gồm: thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, bột vữa tường, sơn và một số chất khác.

Năm 2010, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pakistan Rehman Malik đã kêu gọi Quốc hội hành động vì 40-50% các loại thuốc đang lưu hành ở Pakistan là giả hoặc chất lượng không đạt tiêu chuẩn. Sau đó, nước này đã thành lập một ủy ban kiểm định chất lượng thuốc, tiến hành các cuộc truy quét thuốc giả trên thị trường "đen".

Nhưng cho đến nay, tình hình vẫn chưa có nhiều thay đổi. Hiệp hội Dược sĩ Pakistan thống kê, có gần 4.000 nhà thuốc được cấp phép, nhưng có đến 100.000 tiệm buôn bán thuốc bất hợp pháp. "Bao bì thuốc thường được thiết kế đẹp và bắt mắt khiến người mua không biết bên trong có gì" - Farmann Abbass, một dược sĩ cho hay. Dược sĩ này nói rằng: "Đây là một hành vi phạm tội vì các loại thuốc này đều không có hiệu quả và bệnh nhân sẽ không khỏi bệnh. Tất nhiên đã có những luật lệ, nhưng chúng không được thực thi ở đất nước này".

Hầu hết những loại thuốc giả ở Pakistan không chỉ lưu hành nội địa, mà còn xuất sang các nước châu Âu và Mỹ qua con đường mua bán trực tuyến. Theo các số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, thị trường làm thuốc giả thu lãi 431 triệu USD trong năm 2012, chủ yếu là từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Một người Pakistan bán thuốc giả trực tuyến (giấu danh tính) cho biết: "Đó là công việc của chúng tôi. Nhưng chúng tôi không khuyên bất cứ người thân quen nào mua những loại thuốc này. Chúng có chất lượng không tốt". Còn bệnh nhân buộc phải chấp nhận rủi ro để mua được thuốc. "Chúng tôi chẳng phân biệt được đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả. Chúng trông đều giống nhau" - Yasir Hassan, một người bệnh bất lực nói.

Cơ quan công an và quản lý thuốc ở thành phố Nam Kinh (Trung Quốc) mới tìm thấy những viên Viagra giả giống y như thật tại một số cửa hàng dành cho người lớn, vốn chỉ mở cửa ban đêm. Những viên thuốc này giống đến nỗi ngay cả nhà chức trách cũng không phân biệt được, mà phải nhờ đến nhà sản xuất Viagra là hãng Pfizer xác minh.

Pfizer không bao giờ bán sản phẩm với bao gói như vậy. Ngoài ra, một số vỉ thuốc chỉ có tiếng Anh, không có phiên âm sang tiếng bản địa.

Các cửa hàng này mua thuốc giả với giá từ 1-2 nhân dân tệ mỗi viên, và bán lại với giá hơn 50 nhân dân tệ. Trong khi đó, thuốc thật được bán với giá hơn 100 nhân dân tệ mỗi viên.

Trường Minh - S.H. (tổng hợp)
.
.
.