Trung Quốc chuẩn bị xét xử nguyên Phó Chủ tịch Quân Ủy trung ương:

Ông Từ Tài Hậu phải đối diện với mức án nào?

Thứ Bảy, 22/11/2014, 09:30

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân uỷ trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình đã triệu tập hơn 200 tướng lĩnh quân đội về thị trấn Cổ Điền, huyện Thượng Hàng, thành phố Long Nham, tỉnh Phúc Kiến để họp quân chính trong hai ngày 29 và 30/10. Bởi diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Viện Kiểm sát quân sự công bố kết luận đối với ông Từ Tài Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Quân uỷ trung ương, đồng thời chuyển hồ sơ để khởi tố, nên cuộc họp quân chính kể trên được dư luận đặc biệt quan tâm.

Trước đó, ông Từ Tài Hậu đã bị khai trừ khỏi Đảng, bị tước quân hàm Thượng tướng. Kết luận nêu rõ, ông Từ Tài Hậu đã lợi dụng quyền hạn, chức vụ để gây ảnh hưởng hoặc tác động tới người khác nhằm mưu cầu lợi riêng, mua bán chức quyền, trực tiếp hoặc thông qua người nhà nhận hối lộ với số tiền lớn. Ông Từ Tài Hậu đã thừa nhận tội danh và không phản đối kết luận này.

Hơn 7 tháng trước (20/3), tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, ông Từ Tài Hậu bị bắt (hôm 15/3 khi đang điều trị bệnh ung thư bàng quang tại Quân y viện 301 ở thủ đô Bắc Kinh) để phục vụ điều tra tham nhũng "bán quân hàm lấy tiền". Nếu bị xét xử thì ông Từ Tài Hậu sẽ trở thành quan chức cao cấp nhất của quân đội Trung Quốc phải đứng trước vành móng ngựa với tội danh tham nhũng (có thể phải đối mặt với mức án tử hình), cho dù diễn ra ở tòa án binh và không được công bố rộng rãi.

Ông Từ Tài Hậu được coi là đồng minh của ông Chu Vĩnh Khang, nguyên ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; và là người ủng hộ ông Bạc Hy Lai, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trùng Khánh. Những đồn đoán về số phận của Thượng tướng Từ Tài Hậu xuất hiện sau khi Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân đội bị bắt và điều tra tham nhũng hồi tháng 1-2012. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, gần như các quan chức cấp cao của quân đội Trung Quốc đều do ông Từ Tài Hậu cất nhắc và cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương đã kiếm hàng chục triệu USD bằng cách "bán quân hàm" cho những sĩ quan có nhu cầu.

Ông Tài Tư Hậu.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, việc bắt giữ ông Lệnh Hoàn Thành, em ruột ông Lệnh Kế Hoạch, nguyên Chủ nhiệm văn phòng Trung ương Đảng, hiện là Phó chủ tịch chính hiệp Trung Quốc sẽ giúp cơ quan chức năng xử lý ông Lệnh Kế Hoạch, người bị điều tra sau khi kết thúc Hội nghị trung ương 4 khóa 18 hôm 23/10. Nếu ông Lệnh Kế Hoạch bị điều tra, đây sẽ là vụ án lớn sau khi cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang lọt vào tầm ngắm.

Hơn 5 tháng trước (26/5), tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng, cơ quan chức năng đã mở cuộc điều tra đối với Hạ Cẩm Đào (bị quản thúc tại gia), con trai cả của ông Hạ Quốc Cường, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương. Ông Vương Kỳ Sơn đã khuyên ông Hạ Quốc Cường, người tiền nhiệm của mình thuyết phục con trai hợp tác với điều tra viên.

Tạp chí "Tham khảo nước ngoài" của Hongkong từng dẫn nguồn tin cho rằng, gia đình ông Lệnh Kế Hoạch và gia đình cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai giành quyền kiểm soát mỏ than ở tỉnh Sơn Tây vì đem lại nguồn lợi khoảng 40 tỉ NDT/năm. Và cuộc điều tra đối với Hạ Cẩm Đào bắt nguồn từ mối quan hệ với Tống Lâm, nguyên Chủ tịch doanh nghiệp nhà nước China Resources, người bị tố cáo về những hành vi sai trái, ngoại tình và tham nhũng trong thương vụ mua mỏ than ở tỉnh Sơn Tây, gây tổn thất nghiêm trọng đến tài sản nhà nước. Sau khi Tống Lâm bị cách chức và bắt giữ hồi tháng 4, người ta bắt đầu sờ tới Hạ Cẩm Đào, người bị cáo buộc lợi dụng quyền lực của bố để tham nhũng, nhận tiền "mua quan, bán chức".

Ngày 26/10, Quân ủy trung ương Trung Quốc công bố "hệ thống quản lý dựa trên kết quả" dự kiến được triển khai toàn diện trong năm 2020, theo đó cá nhân và đơn vị quân đội sẽ phải chịu trách nhiệm nếu sử dụng tiền không hiệu quả. Hệ thống này sẽ được triển khai thí điểm trong năm nay tại các trụ sở và chỉ huy khu vực của quân đội (trong 5 năm) sẽ bảo đảm ngân sách quốc phòng được sử dụng hiệu quả để cải thiện năng lực chiến đấu của quân đội. Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Triệu Khắc Thạch cho biết, việc đánh giá sẽ được công bố trong suốt quá trình phân bổ, thực thi và giám sát. Trước đó (16/10), Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, sẽ siết chặt việc thanh tra quân đội, đồng thời nhắm vào các quan chức lớn tuổi để đảm bảo, không cá nhân tham nhũng nào được thăng chức và có thể thoát khỏi hành vi sai phạm của mình.

Mạnh Phong - Nhiệm Bình
.
.
.